Mỗi người cần thấy rõ trách nhiệm của mình
(Baonghean) - Sau khi Báo Nghệ An đăng bài “Nhìn lại quy trình xả lũ hồ Vực Mấu” số ra ngày 6/10/2013, đã có nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh về tòa soạn. Qua phản ánh của bạn đọc và sau khi trở lại tìm hiểu, Báo Nghệ An tiếp tục thông tin thêm về việc xả lũ hồ Vực Mấu.
Chưa có “nhạc trưởng”
Ngay sau khi sự việc xẩy ra, Sở NN và PTNT và Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc khẳng định, việc xả lũ là đúng quy trình. Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nghệ An cho hay: “Từ khi xây dựng hồ Vực Mấu (năm 1982), đến nay, chưa bao giờ có mưa lũ lớn như vậy nên việc xả lũ cứu hồ Vực Mấu là cần thiết, nếu không xả, nước ngập quá cao trình cho phép là +21m sẽ vỡ hồ, rất nguy hiểm. Việc xả lũ ở hồ Vực Mấu vừa qua là đúng quy trình. Hiện nay ở Việt Nam chưa có hồ đập nào tiên lượng được mức độ ngập vùng hạ du khi xả hết các cửa lũ. Ở hồ Vực Mấu cũng vậy, chưa có công trình nghiên cứu về mức ngập lụt phía hạ du khi xả lũ hết các cửa. Kinh nghiệm rút ra là cần đánh giá được vùng ngập lụt của hạ du, cảnh báo sớm cho dân và có các phương án cụ thể. Việc xả cả 5 cửa hồ Vực Mấu theo 1 giờ đồng hồ nước chảy ra đạt 5 triệu m3”.
Theo quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Vực Mấu (Quỳnh Lưu) được ban hành tại Quyết định số 93/QĐ- UBND tỉnh Nghệ An ngày 7/10/2009 quy định: “Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu là Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão công trình hồ chứa nước Vực Mấu”. Tuy nhiên, Thị xã Hoàng Mai mới được tách ra từ huyện Quỳnh Lưu vào ngày 1/7/2013, hồ Vực Mấu cũng theo đó tách ra cùng với Thị xã Hoàng Mai, và hiện nay, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão ở khu vực hồ Vực Mấu lại là ông Hồ Xuân Tú – Chỉ huy trưởng Ban CHQS Thị xã Hoàng Mai.
Hồ Vực Mấu (Thị xã Hoàng Mai). |
Trước sự việc “xả nước” của hồ Vực Mấu vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng đã chia tách Quỳnh Lưu và Hoàng Mai thì đương nhiên Thị xã Hoàng Mai phải có trách nhiệm trong việc này. Ông Nguyễn Cảnh Hy - Phó Giám đốc xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu - người trực tiếp chỉ huy việc vận hành xả lũ thì lúng túng chưa biết ai là Chỉ huy trưởng phòng, chống lụt bão hồ Vực Mấu. Do vậy, Thông báo “Về việc chuẩn bị mở tràn xả lũ hồ Vực Mấu” ngày 30/9/2013 của Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu đề gửi: Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão hồ Vực Mấu và UBND các xã vùng hạ lưu hồ Vực Mấu: (Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Mai Hùng, Thị trấn Hoàng Mai, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương và các vùng phụ cận) đã được gửi cho UBND Thị xã Hoàng Mai mà đã không đến được Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão khu vực hồ Vực Mấu...
Chưa có “kịch bản” tổng thể
“Về vận hành điều tiết trong mùa lũ của hồ Vực Mấu, UBND tỉnh quy định: Từ ngày 1/10 hàng năm, duy trì mực nước ở cao trình +21m. Khi mực nước hồ đạt +21 trở lên và đang lên, đồng thời dự báo ở thượng nguồn có mưa to hoặc rất to Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc vận hành tràn xả lũ, báo cáo Sở NN và PTNT, UBND tỉnh. Trong một số trường hợp đặc biệt: Khi mực nước hồ đạt +22,72m và đang lên, Công ty Thủy lợi Bắc phải vận hành tối đa tràn xả lũ, thông báo với UBND huyện Quỳnh Lưu (nay là Thị xã Hoàng Mai) biết để triển khai ngay phương án bảo vệ vùng hạ du hồ chứa, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh. Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Vực Mấu tỉnh Nghệ An là cơ sở pháp lý để Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An vận hành điều tiết hồ chứa nước Vực Mấu. Trong mùa mưa lũ, khi xuất hiện các tình huống đặc biệt chưa được quy định trong Quy trình, việc vận hành điều tiết và phòng chống lụt bão của hồ chứa phải theo sự chỉ đạo điều hành thống nhất của UBND tỉnh, trực tiếp là sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An”. |
Đây là hạn chế lớn nhất trong công tác phòng, chống lụt bão của khu vực hồ chứa nước Vực Mấu và nhiều hồ đập khác trên địa bàn tỉnh ta cũng như không ít nơi trong cả nước. Đối với hồ Vực Mấu mới có “kịch bản” kỹ thuật về việc xả lũ (mực nước đạt đến cao trình bao nhiều thì thực hiện xả lũ và xả mấy cửa?), chưa có “kịch bản” tổng thể của việc thực hiện xả lũ và di dời dân, bảo vệ người và tài sản. Như: xả 1 cửa ngập bao nhiêu diện tích, xả 2 hoặc 3 cửa ngập bao nhiêu, xả 5 cửa nước dâng bao nhiêu, phạm vi ảnh hưởng bao nhiêu, thời gian xả 1 giờ 1 ngày nước sẽ ngập thế nào, xả 2 ngày ngập ra sao, ảnh hưởng đến bao nhiêu hộ, bao nhiêu xã… chưa có cơ quan, ngành nào tổ chức xây dựng để dự tính, dự báo nhằm tiên lượng mức độ nguy hiểm và có phương án phòng, chống, di dân phù hợp. Theo đó, phương án di dời người và tài sản, bảo vệ và hạn chế tối đa thiệt hại về sản xuất cũng chưa được xây dựng cụ thể theo “kịch bản” dự báo xả lũ.
Sau 30 năm vận hành, đây là lần đầu tiên hồ Vực Mấu thực hiện xả lũ một lúc cả 5 cửa, trong điều kiện lượng mưa lên tới 588mm; Việc thực hiện xả lũ theo cách “đơn vị xả lũ mặc nhiên thực hiện theo đúng quy trình, quy định”, còn coi việc chống lũ là của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân; xả lũ diễn ra vào ban đêm, cộng với mưa to, mất điện toàn bộ là những nguyên nhân khiến Thị xã Hoàng Mai từ chính quyền đến người dân không trở tay kịp, gây ra thiệt hại lớn, ước tính khoảng trên 800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Tuy - Chủ tịch UBND Thị xã Hoàng Mai cho biết: Sẽ tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc và xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong việc thực hiện công tác phòng chống bão lụt khu vực hồ Vực Mấu vừa qua. Việc cần làm ngay bây giờ là, tập trung toàn lực để khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định đời sống, tổ chức lại sản xuất; phòng, chống dịch bệnh... Tiếp đến là tổ chức khảo sát tính toán mức ngập, thực trạng ảnh hưởng đối với từng cấp độ xả lũ (từ 1 đến 5 cửa) để có các “kịch bản” chủ động phòng tránh hữu hiệu. Theo đó xây dựng phương án di dời, bảo vệ người dân và tài sản cụ thể. Quan tâm chú trọng, tăng cường việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân toàn thị xã trong công tác phòng chống lụt bão, nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa và tác dụng cũng như tác hại của việc khai thác và quản lý, ứng phó đối với công tác đóng mở các cửa xả lũ của hồ Vực Mấu. Có như vậy thì hồ Vực Mấu mới hoàn thành chức năng “kiểm soát lũ”, thực sự là công trình thủy lợi “điều tiết” như mục đích xây dựng ban đầu.
Chưa làm hết trách nhiệm
Theo cán bộ của Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu: từ 8 giờ 30 phút ngày 30/9/2013 đã trực tiếp gửi Thông báo xả lũ đến các xã và UBND Thị xã Hoàng Mai. Nhưng Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Khoảng 15h ngày 30/9/2013, văn phòng UBND Thị xã Hoàng Mai nhận được thông báo “Về việc chuẩn bị mở tràn xả lũ hồ Vực Mấu” của Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu. Trong thông báo viết: “Xí nghiệp thủy lợi huyện Quỳnh Lưu đã chuẩn bị các bước để xả tràn hồ Vực Mấu đảm bảo quy trình an toàn hồ đập và các công trình. Thời gian kể từ 8h ngày 30/9 cho đến khi hết mưa bão”.
“Chúng tôi có nhận được thông báo xả lũ, nhưng thông báo không rõ. Không biết bao giờ xả, xả mấy cửa, sẽ ngập đến đâu. Nên chính quyền không biết sẽ tiến hành di dân thế nào”. Ông Nguyễn Hữu Tuy – Chủ tịch UBND Thị xã Hoàng Mai nói. Cũng theo ông Tuy, thông báo này của Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu, không có gì khác so với các thông báo của những tháng trước. Do vậy, chính quyền và người dân chủ quan. Trận lũ nhớ đời này là bài học sâu sắc cho Thị xã Hoàng Mai ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Hầu như thị xã đã bất lực, bởi việc xả lũ diễn ra vào ban đêm, lại mất điện, công tác chuẩn bị, các phương tiện như xuồng cứu hộ, nhà tránh lũ còn nhiều hạn chế...
Ông Đậu Viết Hiên - Chủ tịch UBND phường Mai Hùng cho biết: Vì nhận được thông báo chung chung, không biết mức độ xả lũ đến đâu, nên chúng tôi cũng chỉ thông báo lại cho bà con qua loa truyền thanh theo tinh thần của thông báo. Đến khi mất điện, nước dâng cao, anh em cán bộ xã và nhiều người dân chia nhau đến các khối vùng thấp đưa dân đi sơ tán, còn những khối ở xa, cách biệt chúng tôi chưa kịp tới ứng cứu...”. Rõ ràng, việc sơ tán người dân rất bị động, chỉ được thực hiện khi nước đã dâng cao. Đến thời điểm nước dâng cao quá, ai ở đâu phải ở nguyên vị trí đó, không thể đi lại để giúp nhau được nữa, cho đến lúc có các lực lượng cứu hộ của tỉnh về.
Cơn bão số 10, cộng với việc xả lũ hồ Vực Mấu như đã nêu ở trên khiến Thị xã Hoàng Mai bị nhấn chìm trong đêm 1/10/2013, gây thiệt hại lớn là một bài học đắt giá không chỉ đối với Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai còn non trẻ (mới thành lập được hơn 2 tháng); mà còn là tiếng chuông cảnh báo đối với các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An cũng như các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi trên toàn tỉnh, đặc biệt là ngành Nông nghiệp. Việc rà soát sửa đổi, bổ sung quy định, quy trình vận hành hồ đập, xây dựng “kịch bản” cho việc thực hiện xả lũ, di dời dân là việc cần làm ngay, thường xuyên và nghiêm túc, hiệu quả. Hàng năm cần phải tổ chức diễn tập và kiểm tra quy trình, kỹ thuật xả lũ cho các chức danh có liên quan như tính toán, đóng mở cửa van, thông báo thử... Cũng cần phải nhận thức rõ: Trách nhiệm phòng, chống lũ, bão lụt là của toàn xã hội, trong đó chịu trách nhiệm chính là chính quyền, đơn vị chuyên trách quản lý hệ thống thủy lợi của từng địa phương có công trình và sự ủng hộ, vào cuộc, giám sát thực hiện quy trình quản lý vận hành và chủ động thực hiện phòng, chống lũ của người dân là vô cùng quan trọng.
Nhóm P.V