Mỗi viên gạch, một tấm lòng

Trên nhiều miền quê ở huyện Đô Lương, có nhiều phòng học, công trình phụ trợ mới được xây dựng bằng sự đóng góp của tình yêu thương, đoàn kết cộng đồng đối với sự nghiệp trồng người. Mỗi một viên gạch để xây nên những phòng học, những công trình ấy được góp từ những tấm lòng, những hành động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Góp gạch xây trường” do Hội Nông dân và Liên đoàn Lao động huyện Đô Lương phát động.

Mặc dù đang là thời gian nghỉ hè, song những vườn hoa, những luống rau xanh ngay cạnh những dãy phòng học kiên cố, khang trang ở Trường Mầm non Giang Sơn Đông vẫn xanh tốt, khoe sắc rực rỡ. Dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên của nhà trường, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Liên nhắc đi, nhắc lại: “Không có gạch của Hội Nông dân huyện ủng hộ thì không có trường, lớp đẹp đẽ như hôm nay”.

Trước đó, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đô Lương cũng đã giới thiệu cho chúng tôi biết về cuộc vận động “Góp gạch xây trường” được hội triển khai đã 4 năm. Mỗi hội viên góp tối thiểu 2 viên gạch không nung, qua 4  năm miệt mài “góp gió thành bão” đã giúp hàng chục nhà trường xây dựng các phòng học, các công trình phụ trợ khang trang. Trong số đó Trường Mầm non Giang Sơn Đông được hỗ trợ 40.000 viên gạch từ những ân tình của hội viên hội nông dân trong toàn huyện.

Trước đây, do không đủ phòng học, học sinh Trường Mầm non Giang Sơn Đông phải học tại nhà văn hóa xóm.
Trước đây, do không đủ phòng học, học sinh Trường Mầm non Giang Sơn Đông phải học tại nhà văn hóa xóm.

Chỉ tay về phía những đồi keo xanh tốt gần ngay phía sau những dãy phòng học còn ngai ngái mùi sơn, mùi gạch mới, cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên cho hay, nơi trường tọa lạc trước đây cũng là đồi núi như thế. Để có được mặt bằng xây trường, phải đào sâu 2m hạ độ cao nền đất đồi. Ngoài gạch của hội nông dân, nhà trường đã được sự giúp sức, góp công của chính quyền, bà con nhân dân, phụ huynh học sinh, đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn xã đào đất, đá tạo mặt bằng, xóa tình trạng trũng nước, ẩm thấp trước đó. “Cuối năm 2016 trở về trước, 552 học sinh với 18 nhóm lớp trên địa bàn xã Giang Sơn Đông phải học nhờ ở 10 nhà văn hóa xóm vì trường không đủ phòng học. Từ 41.000 viên gạch của hội nông dân huyện hỗ trợ, chúng tôi đã quyết tâm xây trường mới. Giờ học sinh được quy tụ học ở cơ ngơi như thế này cứ ngỡ là giấc mơ” – cô giáo Liên vui vẻ cho biết thêm.

Giờ đây, ngoài những dãy phòng học rộng rãi, kiên cố, hệ thống sân chơi, vườn hoa, cây cảnh, vườn rau cũng được đầu tư chăm chút bởi bàn tay khéo léo, yêu mến trẻ của các cô giáo. Mỗi góc vườn trường là một loài hoa rực rỡ nở theo mùa, là những luống rau xanh tốt phục vụ bữa ăn cho con trẻ. Những chiếc cầu trượt, những mảng trang trí đến những lối đi nhỏ xinh lát những viên cuội, vẽ những hình ngộ nghĩnh đều có bàn tay góp sức, góp yêu thương của các cô giáo, của phụ huynh học sinh nơi đây.

Xe chở gạch xây trường của Hội Nông dân huyện Đô Lương.
Xe chở gạch xây trường của Hội Nông dân huyện Đô Lương.

Cũng chung niềm vui, tại Trường Mầm non Giang Sơn Tây, nhìn các cháu học sinh vui chơi trước 2 dãy phòng học mới, phía bên cạnh là dãy nhà 2 tầng đang xây dựng, cô giáo Hiệu trưởng Thái Thị Thu Hoài cho hay, điểm trường mới giờ rộng rãi, sạch đẹp rồi, không như trước đây 9 lớp học phải chia 2 nơi. Năm học 2015 ở điểm trường chính chỉ đủ cho 4 lớp, 5 lớp còn lại phải mượn hội quán các xóm, thiếu thốn đủ bề. Sang năm 2016, với 41.000 viên gạch của hội nông dân huyện hỗ trợ đã đặt nền móng và tiếp sức cho sự quyết tâm của nhà trường và chính quyền, cùng người dân địa phương đóng góp mỗi người 150.000 đồng mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Mừng nhất là đã xóa được 5 điểm lớp tại hội quán các xóm.

Từ mô hình của hội nông dân huyện, thấy được ý nghĩa của chủ trương này, từ năm 2018, Liên đoàn Lao động huyện Đô Lương đã phát động đoàn viên công đoàn tham gia ủng hộ phong trào “Góp gạch xây trường cho em”. Toàn huyện có hơn 7.500 đoàn viên công đoàn, mỗi đoàn viên ủng hộ 5 viên, từ đó trong năm đầu tiên phát động đã ủng hộ được cho các Trường Mầm non Trung Sơn 10.000 viên, Đông Sơn 2.400 viên, Trù Sơn 46.000 viên, Lưu Sơn 3.000 viên và Trường Tiểu học Lạc Sơn 5.000 viên. Ông Nguyễn Tất Cường – Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện hồ hởi cho biết: “Chúng tôi vừa bàn giao 7 phòng học và gắn biển công trình chào mừng 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam cho Trường Mầm non Trù Sơn, bàn giao công trình nhà ăn bán trú và gắn biển công trình chào mừng Tháng Công nhân năm 2019 cho Trường Tiểu học Lạc Sơn”.

Giáo viên và phụ huynh chung tay xây dựng cảnh quan Trường Mầm non Giang Sơn Tây.
Giáo viên và phụ huynh chung tay xây dựng cảnh quan Trường Mầm non Giang Sơn Tây.

Ngay sau lời chia sẻ đó, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện dẫn chúng tôi ngược cái nắng tháng Bảy bỏng rát đến xã Trù Sơn, một trong các địa phương được Liên đoàn Lao động huyện hỗ trợ 46.000 viên gạch để xây nên ngôi trường mới cho các cháu bậc học mầm non. Nhìn từ xa, Trường Mầm non Trù Sơn nổi bật với màu sơn tím và trắng. Màu Sơn mới rực rỡ hơn dưới ánh nắng của mùa hè. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Yến cho biết, năm học 2013 – 2014 cấp học mầm non ở xã Trù Sơn có 7 điểm trường nằm ở 7 xóm, trong đó có 5 điểm học ở nhà văn hóa xóm và 2 điểm còn lại các cháu học ở 2 cụm trường cách xa trung tâm xã, sát lèn đá ở xóm 1, xóm 2 và xóm 3. Trù Sơn là xã có diện tích rộng, dân số đông (hơn 10.500 người) phân bố ở 16 xóm. Vì thế, khi chưa xây trường, không đủ phòng học để huy động trẻ 2 và 3 tuổi đến trường. Trẻ 2 tuổi có 230 cháu, nhưng chỉ đủ phòng cho 60 cháu học, còn trẻ 3 tuổi chỉ đủ phòng cho 170/220 cháu. Vì không đủ phòng học nên đã nhiều lần phụ huynh đưa con em lên UBND xã đòi quyền lợi, vấn đề cơ sở vật chất trường lớp từng là chủ đề làm “nóng” ở các cuộc họp xóm, xã làm đau đầu lãnh đạo địa phương, nhà trường.

Trước thực trạng như vậy, xuất phát từ sự hỗ trợ gạch của Liên đoàn Lao động, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã về bàn bạc với cấp ủy, chính quyền xã Trù Sơn và nhà trường quyết tâm xây dựng trường. Những ngày cuối tháng Bảy này, hàng ngày Ban Giám hiệu Trường Mầm non Trù Sơn đều phân công nhau ra “công trường” để hỗ trợ, cập nhật tình hình công nhân xây dựng trường với tâm thế phấn khởi. Những hạng mục cuối cùng đang được gấp rút hoàn thành. “Nhờ Liên đoàn Lao động huyện khơi nguồn, những viên gạch được góp bởi mỗi công đoàn viên chức, người lao động trên địa bàn huyện Đô Lương đã đặt nền móng cho sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị nơi đây, để các cháu bậc học mầm non của địa phương được học tập trong những phòng học khang trang, rộng rãi, không còn lo nắng mưa, ẩm thấp. Năm học 2019 – 2020 dự kiến, công trình sẽ hoàn thành, đủ phòng học cho 650 cháu, trong đó có 200 cháu 5 tuổi” – cô  Hiệu trưởng Nguyễn Thị Yến phấn khởi cho biết.

Những năm 2016 trở về trước, trên địa bàn huyện Đô Lương còn tồn tại hàng chục điểm trường có cơ sở vật chất yếu kém, xuống cấp do xây dựng đã lâu năm, đặc biệt là hệ thống phòng học chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhập học của học sinh, nhất là cấp học mầm non. Trong đó có 9 điểm trường mầm non có điều kiện đặc biệt khó khăn về phòng học như ở các xã Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Lam Sơn, Mỹ Sơn, Đặng Sơn… “Thời điểm khảo sát, nhiều trường phòng học xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của giáo viên và học sinh, nhiều điểm trường mầm non phải mượn nhà văn hóa xóm hoặc mượn nhà người dân để dạy và học. Ngoài ra, các công trình phụ trợ trong nhiều nhà trường như nhà ăn, nhà vệ sinh, bể nước, nhà đa chức năng còn tạm bợ, chật chội hoặc chưa có, ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của cô và trò các nhà trường”, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đô Lương cho biết.

Cảnh quan sạch đẹp, khang trang của Trường Mầm non Giang Sơn Đông.
Cảnh quan sạch đẹp, khang trang của Trường Mầm non Giang Sơn Đông.

Chính vì vậy, cùng với những trăn trở, mong muốn được đóng góp cho cộng đồng xã hội bằng những việc làm thiết thực, Hội Nông dân huyện đã chủ động tham mưu với Thường trực Huyện ủy, UBND huyện triển khai cuộc vận động “Góp gạch xây trường cho em”. Thấy được ý nghĩa của cuộc vận động Thường trực Huyện ủy Đô Lương đã có Kết luận số 343-KL/UBND ngày 14/11/2016 đồng ý chủ trương để Hội Nông dân huyện thực hiện phong trào góp gạch giúp các trường xây dựng phòng học và các công trình phụ trợ. Mỗi hội viên hội nông dân góp 1 viên gạch. Qua 4 năm phát động, tổng số gạch quyên góp được là gần 400.000 viên, tương đương số tiền gần 600 triệu đồng. Theo đó, Hội Nông dân huyện đã bàn giao hỗ trợ gạch xây phòng học và công trình phụ trợ cho 29 điểm trường trên địa bàn huyện.

Cũng bằng cách làm hiệu quả, đầy nhân văn như mô hình Hội Nông dân đã triển khai, Liên đoàn Lao động huyện Đô Lương cũng đã lan tỏa cách làm này đến từng cán bộ, đoàn viên công đoàn, “góp gió thành bão”, năm đầu tiên phát động đã góp được  hơn 88 triệu đồng hỗ trợ cho 5 điểm trường. Năm 2019, hưởng ứng phong trào góp gạch, toàn huyện đã ủng hộ gần 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng phòng học và công trình phụ trợ cho 5 trường thuộc các xã khó khăn là Trường THSC Nam Sơn, Trường Tiểu học Bồi Sơn và các Trường Mầm non Thuận Sơn, Nhân Sơn, Minh Sơn.

Tuy sự hỗ trợ của Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động huyện Đô Lương về cơ sở vật chất cho các trường học vẫn còn khiêm tốn, nhưng ý nghĩa xã hội mà việc làm này mang lại thì rất lớn, thể hiện đúng tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Mỗi một viên gạch là một thông điệp về sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết, tính nhân văn cao đẹp. Những viên gạch yêu thương ấy đã đặt nền móng cho sự lan tỏa tinh thần trách nhiệm của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị cùng chung tay, góp sức xây dựng nên những ngôi trường khang trang, tạo điều kiện cho con em học tập tốt.

Cô trò Trường Mầm non Giang Sơn Tây vui dạy học trong ngôi trường mới.
Cô trò Trường Mầm non Giang Sơn Tây vui dạy học trong ngôi trường mới.