Molniya 1241.8 sẽ có năng lực tấn công mặt đất cực mạnh?
Nhờ mang theo cơ số đạn tên lửa lớn hơn Gepard 3.9 và Kilo 636, Việt Nam có thể tính tới việc trang bị khả năng đánh đất cho Molniya 1241.8.
Hiện tại Hải quân nhân dân Việt Nam là một trong những lực lượng ít ỏi tại châu Á - Thái Bình Dương có khả năng tung đòn tấn công mặt đất từ chiến hạm thông qua tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu ngầm Kilo 636.
Trong tương lai nhiều khả năng chúng ta sẽ có thêm những chiến hạm Gepard 3.9 nâng cấp mang bệ phóng thẳng đứng UKSK tương thích tên lửa Kalibr bản phóng từ tàu mặt nước, giúp nâng cao sức mạnh răn đe của Hải quân Việt Nam.
Tuy nhiên trên Gepard 3.9 hay Kilo 636 cơ số đạn tên lửa tương đối ít, lần lượt chỉ có 8 và 4 quả khi làm nhiệm vụ. Nếu lựa chọn mang tên lửa đánh đất thì chức năng chống hạm sẽ bị suy yếu, do vậy nên chăng Việt Nam hãy tăng cường chức năng này cho một lớp tàu chiến có cơ số đạn lớn hơn.
Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 của Hải quân Việt Nam. |
Đối tượng thích hợp không còn đối tượng nào khác ngoài Molniya 1241.8 khi nó mang theo tới 16 tên lửa hành trình diệt hạm 3M-24 Uran-E.
Theo đánh giá trong tác chiến chống hạm thì cơ số đạn vừa đủ nên dao động quanh mức 8 - 12 quả, tức là "Tia chớp" có thể nghiên cứu mang hỗn hợp 4 - 8 tên lửa hành trình đánh đất.
Cần lưu ý rằng ngoài phiên bản chống hạm 3M-24E truyền thống, Nga còn có biến thể 3M-24E1 Uranium được sửa đổi cho nhiệm vụ tấn công mặt đất khi thay thế đầu dò radar chủ động bằng loại so khớp ảnh kết hợp với bộ dẫn đường vệ tinh GLONASS trong pha giữa.
Loại tên lửa này theo nhiều báo cáo đã có mặt trong Hải quân Ấn Độ, trang bị cho các khu trục hạm lớp Delhi và bao gồm cả một số tàu tên lửa lớp Kora.
Tên lửa chống hạm KCT 15 được Việt Nam chế tạo dựa trên thiết kế Uran-E của Nga. |
Hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn tiếp thu công nghệ tên lửa hành trình chống hạm Uran-E của Nga để cho ra đời bản nội địa KCT 15 với cả 3 biến thể phóng từ trên không, trên đất liền và từ máy bay chiến đấu.
Theo đánh giá từ một số chuyên gia quân sự thì nếu có nhu cầu, chúng ta hoàn toàn có thể nhập khẩu thêm công nghệ của Uranium để tạo ra biến thể tên lửa hành trình tấn công mặt đất.
So với Kalibr thì tầm bắn của 3M-24E1 là tương đương, mặc dù đầu đạn có nhỏ hơn một chút nhưng nó lại có lợi thế ở giá thành rẻ, giúp triển khai trên diện rộng tốt hơn.
Nếu trong tương lai Việt Nam sản xuất cả phiên bản chống hạm lẫn tấn công mặt đất của tên lửa Uran thì chúng ta có thể tính tới khả năng trang bị Uranium cho các tàu tấn công nhanh "Tia chớp".
Với cơ số 4 - 8 quả tên lửa đối đất mang theo, Molniya 1241.8 sẽ có sức răn đe rất cao trong khi khả năng chống tàu mặt nước hầu như không bị ảnh hưởng quá nhiều so với việc Gepard hay Kilo 636 phải hy sinh cơ số đạn diệt hạm để thay bằng đạn tấn công mặt đất.