Mong sớm chấm dứt cảnh "ở nhờ" trên đất của mình
(Baonghean) - Từ hàng chục năm nay, hơn 350 hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu có hộ khẩu thuộc 3 thôn của xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) lại sinh sống trên địa giới của xã Quỳnh Trang thuộc địa bàn Thị xã Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu cũ). Điều này không chỉ gây khó khăn cho đời sống của những hộ dân này mà còn nảy sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Đó là câu chuyện đang diễn ra với người dân tại các thôn 1, 2 và 16 của xã Quỳnh Tân. Ngược về những năm 60 của thế kỷ trước, cũng như người dân các thôn khác trong địa phương, nhân dân một số xã của huyện Quỳnh Lưu di dân lên vùng đất gò đồi này lập nghiệp. Cho đến năm 1973, khi xã Quỳnh Tân được thành lập thì các thôn này thuộc quyền quản lý của xã. Tuy nhiên, sự việc “oái ăm” trên xảy ra bắt đầu từ năm 1997 khi bản đồ 364 được xác lập, phần đất các hộ dân thuộc các thôn 1, 2, 16 được xác định thuộc địa giới hành chính của xã Quỳnh Trang kế bên.
Gia đình ông Hồ Ngọc Cường, thôn 1, xã Quỳnh Tân sinh sống ổn định trên đất của bố mẹ để lại nhưng chưa thể làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất. |
Từ đó, có một điều hy hữu diễn ra là mọi hoạt động của hệ thống chính trị, quyền và nghĩa vụ công dân của các thôn 1, 2,16 đều do xã Quỳnh Tân quản lý, bởi hộ khẩu của các hộ được xác lập thuộc xã Quỳnh Tân. Tuy nhiên, về đất đai lại do xã Quỳnh Trang quản lý. Hệ quả là trên địa bàn diễn ra không ít bất cập, nhất là sau khi 2 xã này không cùng thuộc một đơn vị hành chính cấp huyện sau thời điểm Thị xã Hoàng Mai được thành lập. Gia đình anh Hồ Ngọc Cường, thôn 1, sinh sống trên mảnh đất do bố mẹ anh để lại sau khi lên đây định cư năm 1966. Anh Cường đã nhiều lần muốn làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất từ bố mẹ nhưng không biết phải thực hiện bằng cách nào. “Bố mẹ tôi mất đã lâu, tôi nhiều lần thực hiện sang tên quyền sử dụng đất để có điều kiện vay vốn làm ăn nhưng không được”, anh Cường cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Trọng Hưng, thôn trưởng thôn 1 xác nhận: “Từ khi địa giới hành chính phân chia theo bản đồ 364, nhiều hộ dân muốn tách bìa, chuyển nhượng đất, sang tên đều không thực hiện được. Nhiều nhà muốn chia đất cho con ra ở riêng cũng đành chịu. Vì vậy, nhân dân có nhiều ý kiến phản ánh. Bên cạnh đó, một số chính sách cho người dân như chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa nước được triển khai theo Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất trồng lúa từ năm 2012 và được thay thế bằng Nghị định 35 năm 2015, cả thôn có gần 12 ha nhưng người dân cũng chưa được thụ hưởng”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây cũng là tình cảnh chung của người dân các thôn 2 và 16.
Căn cứ vào thống kê của UBND xã Quỳnh Tân, tổng diện tích đất trồng lúa của 3 thôn trên là 46,08 ha. Tuy nhiên, do địa giới hành chính 364 của Quỳnh Tân không có diện tích của các thôn 1, 2, 16 mà thuộc xã Quỳnh Trang (Thị xã Hoàng Mai) nên khi xã làm hồ sơ hỗ trợ kinh phí bảo vệ và sản xuất đất trồng lúa thì 3 thôn trên không được hưởng chính sách này, mặc dù vẫn là người dân của xã, thực hiện đầy đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ của công dân như các thôn khác. Ông Nguyễn Đình Chỉnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Tân cho biết: “Cử tri đã nhiều lần phản ánh về vấn đề này. Chúng tôi đã có tờ trình gửi huyện Quỳnh Lưu làm việc trực tiếp với Thị xã Hoàng Mai để bổ sung danh sách hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết được. Bên cạnh đó, tình trạng “dân xã này, ở trên địa giới xã khác” cũng gây khó khăn cho công tác quản lý về đất đai. Chỉ tính tính riêng năm 2013 - 2014, có 7 hộ dân thuộc 3 xóm xây nhà trái phép trên đất 5% của xã nhưng xã không xử lý được”.
Đó là những khó khăn về phía người dân liên quan và xã Quỳnh Tân, còn tại xã Quỳnh Trang (Thị xã Hoàng Mai), trao đổi với ông Đậu Minh Thiện, Bí thư Đảng ủy xã thì diện tích đất của các thôn 1,2,16 mặc dù thuộc địa giới hành chính do xã Quỳnh Trang quản lý nhưng người dân lại thuộc xã Quỳnh Tân nên xảy ra nhiều bất cập. Nhất là công tác quy hoạch đất ở và quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại diện tích các xóm này, xã Quỳnh Trang chưa thể thực hiện được. Với những bất cập trên, đồng quan điểm với ông Nguyễn Đình Chỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Tân, ông Thiện đề nghị: “Các cấp, ngành có thẩm quyền liên quan cần sớm giải quyết tình trạng người dân Quỳnh Tân lại sinh sống trên đất xã Quỳnh Trang để thuận lợi hơn cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và đảm bảo các quyền lợi cho nhân dân”.
Ông Đậu Minh Thiện cũng cho biết thêm, vào tháng 4/2015, Phòng Nội vụ của huyện Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai và lãnh đạo các xã Quỳnh Tân, Quỳnh Trang đã có buổi làm việc về vấn đề này. Theo đó, 2 phương án được đưa ra để giải quyết trình trạng này. Thứ nhất là giữ nguyên hiện trạng và tổ chức vẽ lại bản đồ theo quy định của Nhà nước. Thứ hai là chuyển quyền quản lý, điều hành tại 3 thôn trên sang xã Quỳnh Trang. Vào tháng 8/2014, UBND xã Quỳnh Tân đã tổ chức lấy ý kiến cử tri thôn 1,2,16 về việc phân định ranh giới Quỳnh Tân - Quỳnh Trang. Theo đó, trong các cuộc họp đảng viên 3 chi bộ và ban công tác mặt trận 3 thôn thì 100% đảng viên và thành viên tham dự thống nhất chuyển 3 thôn về xã Quỳnh Trang (Thị xã Hoàng Mai) quản lý.
Sau đó, ngày 8/8/2014, các thôn đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến cử tri về vấn đề này. Theo đó, thôn 1 có 100% cử tri dự họp, thôn 2 có 78,2% cử tri dự họp và thôn 16 có 99,9% cử tri dự họp thống nhất chuyển các thôn trên về xã Quỳnh Trang (Thị xã Hoàng Mai) quản lý. Ngay sau khi có kết quả lấy ý kiến cử tri, ngày 4/9/2014, UBND xã Quỳnh Tân đã có tờ trình gửi UBND, Phòng Nội vụ và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quỳnh Lưu, các phòng, ban liên quan đề nghị làm các thủ tục chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết theo nguyện vọng của cử tri các thôn 1, 2, 16. Trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Văn Thanh, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Dự án về “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính” của tỉnh theo Quyết định 513/2012 của Thủ tướng Chính phủ, vào tháng 10/2015, Phòng Nội vụ huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai và 2 xã liên quan sẽ tiếp tục làm việc để đi đến thống nhất phương án giải quyết vấn đề trên. Sau khi có phương án cụ thể, chúng tôi sẽ triển khai các bước cần thiết để giải quyết tình trạng trên của các hộ dân thuộc 3 xóm 1, 2, 16 của xã Quỳnh Tân”.
Mong muốn của 350 hộ dân các thôn 1,2,16 nêu trên là xóa đi tình trạng “ăn nhờ ở đậu” ngay trên đất của ông bà, bố mẹ đã để lại hàng chục năm qua, đồng thời tạo điều kiện ổn định để phát triển kinh tế, xã hội, triển khai xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống...
Bài, ảnh: Nhật Lệ