Monsanto đã và đang làm gì tại Việt Nam?

21/04/2017 15:25

(Baonghean.vn) - Monsanto - một trong những nhà cung cấp chính thuốc trừ cỏ và chất độc da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam - chính thức trở lại Việt Nam từ năm 2010, đến nay, Tập đoàn này hiện đang cung cấp hạt giống biến đổi gen và thuốc trừ cỏ cho nông dân Việt Nam.

1. Chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam

Ngày 18/4, Tòa án Quốc tế về Monsanto đã công bố kiến nghị tham vấn về các cáo buộc Tập đoàn Monsanto (trụ sở tại St. Louis, Missouri, Mỹ) vi phạm nhân quyền và hủy hoại sinh thái. Trong đó, xem xét vấn đề liên quan của Monsanto đối với chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam và nghi vấn hủy diệt sinh thái.

Mỹ đã rải hàng chục nghìn tấn dioxin xuống Việt Nam thời chiến tranh.
Mỹ đã rải hàng chục nghìn tấn dioxin xuống Việt Nam thời chiến tranh.

Monsanto chính là một trong những nhà cung cấp chính thuốc trừ cỏ và chất độc da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Ước tính trong giai đoạn 1962-1973 có khoảng 75,8 triệu lít thuốc trừ cỏ đã được quân đội Mỹ đã bị rải xuống gần 2,6 triệu ha đất tại Việt Nam mà trong đó Monsanto là nhà cung cấp chính. Loại chất độc này đã gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với người dân Việt Nam cũng như gây tổn hại cho các binh sĩ Mỹ và các nước khác.

Monsanto là công ty chủ chốt trong 37 công ty hóa chất mà các nạn nhân da cam Việt Nam từng kiện tại Mỹ (từ năm 2004-2009) để đòi đền bù thiệt hại.

2. Trở lại Việt Nam và hạt giống biến đổi gen

Tại Việt Nam, Monsanto có mặt từ năm 1995 dưới hình thức văn phòng đại diện của Công ty Monsanto Thái Lan. Đến tháng 8/2010, Monsanto chính thức thành lập chi nhánh tại Việt Nam, lấy tên là Công ty TNHH Dekalb Việt Nam. Dekalb Việt Nam kinh doanh hạt giống ngô, rau và hướng tới các sản phẩm công nghệ sinh học.

Tiếp đó vào tháng 10/2014, sau hơn 40 năm, Monsanto trở lại khá rầm rộ trên truyền thông Việt Nam với việc dành 1,5 tỷ đồng trao học bổng cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chọn tạo giống và công nghệ sinh học.

Chỉ sau đó 1 tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 2 giống ngô biến đổi gen mang đặc tính chống chịu thuốc trừ cỏ cho Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Tập đoàn Monsanto) cùng với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam. Tổng cộng đã có 3 giống ngô biến đổi gen của 2 công ty trên được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học.

Ngô là loại cây trồng biến đổi gen được thương mại hóa đầu tiên tại Việt Nam.
Ngô là loại cây trồng biến đổi gen được thương mại hóa đầu tiên tại Việt Nam. Hiện tại môt số địa phương nông dân đã trồng ngô biến đổi gen như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã công nhận 4 giống ngô biến đổi gen của Syngenta và Dekalb đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Tại thời điểm đó, quá trình đưa giống cây trồng biến đổi gen đến đồng ruộng Việt Nam cơ bản đã hoàn tất.

Chưa tới 1 năm sau, Monsanto đã được cấp phép trồng ba giống ngô biến đổi gen làm thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Cùng với Syngenta Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cấp chứng nhận cho công ty DeKalb (thuộc Monsanto Hoa Kỳ) được bán đại trà giống ngô biến đổi gen tại Việt Nam.

Trên thế giới, có 11 tập đoàn, công ty lớn về cây trồng biến đổi gen với tổng số 329 giống cây, riêng Monsanto và Syngenta chiếm gần một nửa. Nếu tính cả công ty liên doanh, liên kết của Monsanto và Syngenta thì con số còn lớn hơn nhiều.

Việt Nam đã chính thức cho thương mại hóa cây trồng biến đổi gen (GMO) với việc đưa vào trồng đại trà ngô biến đổi gen, có khả năng kháng sâu từ năm 2015 và dự kiến đến năm 2020 diện tích trồng cây biến đổi gen sẽ chiếm 30-50%. Hiện Việt Nam cũng đang nhập hàng triệu tấn ngô, đậu tương làm nguyên liệu sản xuất chăn nuôi, trong đó phần lớn là thực phẩm biến đổi gen.

3. Bán thuốc trừ cỏ và sản phẩm biến đổi gen

Cuối năm 2015, Công ty Dekalb Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt giới thiệu các dòng sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ biến đổi gen tại Hà Nội. Tại buổi ra mắt, 2 dòng sản phẩm mới của Dekalb Việt Nam là giống ngô Dekalb Genuity và thuốc trừ cỏ Maxer đã được giới thiệu rộng rãi.

Dekalb Việt Nam đã lựa chọn một đối tác trong nước là Công ty Nông Dược HAI làm nhà phân phối chính thức của sản phẩm Thuốc trừ cỏ Maxer 660SC.

Trong một hội thảo diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, đại diện Monsanto khẳng định "Dekalb Việt Nam đã luôn đồng hành cùng với nông dân trong suốt 20 năm qua và cho biết Monsanto đã đầu tư hơn 1 triệu USD "cho các hoạt động nghiên cứu nhằm phát triển các loại giống phù hợp với điều kiện khí hậu và canh tác tại Việt Nam, giúp nông dân cải thiện năng suất".

Thực phẩm biến đổi gen GMO đang tràn ngập ở Việt Nam, chúng ta dùng hàng ngày mà không biết
Thực phẩm biến đổi gen GMO đang tràn ngập ở Việt Nam, chúng ta dùng hàng ngày mà không biết

"Đồng thời, năm 2015, Monsanto đã chính thức chuyển giao tới nông dân Việt Nam một trong những công nghệ giúp nông dân bảo vệ năng suất, từ đó góp phần giảm thất thoát lương thực trong quá trình canh tác – công nghệ ngô kháng sâu và thuốc trừ cỏ", đại diện Monsanto khẳng định.

Trên thực tế, đối với cây trồng và thực phẩm biến đổi gen vẫn luôn tồn tại 2 luồng ý kiến trái chiều. Phía ủng hộ thì liên tục lên tiếng khẳng định loại thực phẩm này an toàn, giúp tăng năng suất cây trồng và không gây tác hại tới môi trường. Trong khi đó, phía phản đối thì e ngại những tác động không mong muốn tới sức khỏe người tiêu dùng và gây ra những thiệt hại về kinh tế.

Quay trở lại với trường hợp Việt Nam, với quyết định mới ban hành, Việt Nam hiện là quốc gia thứ 29 trồng cây biến đổi gen. Tuy nhiên, giống như Ấn Độ, giới chuyên gia cho rằng, tồn tại mối quan ngại về sự lệ thuộc của nông dân vào các nguồn giống do các tập đoàn đa quốc gia nắm độc quyền.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Monsanto đã và đang làm gì tại Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO