Moskva cảnh báo Phần Lan sẽ tổn thất nếu căng thẳng Nga - NATO leo thang
(Baonghean.vn) - Nhà ngoại giao cấp cao Nga Mikhail Ulyanov lập luận rằng, vị trí địa lý của Phần Lan sẽ khiến nước này chịu thiệt hại đầu tiên trong trường hợp căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang, Helsinki đã tự làm suy yếu sự an toàn của chính mình khi gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu.
Quốc gia Bắc Âu này đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm ngoái, tuyên bố họ cần sự bảo vệ phòng thủ lẫn nhau để ngăn chặn một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Nga. Động thái này đã phá vỡ di sản hơn 70 năm theo quan điểm trung lập mà Phần Lan đã duy trì trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ông Ulyanov - Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc gia ở Vienna, nói với RIA Novosti rằng, ông không thấy Phần Lan được hưởng lợi từ tư cách thành viên NATO.
“Họ đã sống yên bình rồi đột nhiên đứng giữa Nga và NATO với tư cách là thành viên của liên minh này, nhưng vì họ là hàng xóm của chúng tôi, nên nếu tình hình leo thang, họ sẽ là những người đầu tiên phải chịu thiệt hại" - ông Ulyanov quan ngại và nhấn mạnh Nga không bao giờ mong muốn kết cục như vậy.
Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4 và tiến xa hơn trong tháng này, khi ký một thỏa thuận an ninh song phương với Mỹ. Thỏa thuận này cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Phần Lan.
Ông Ulyanov gọi đây là “thách thức nghiêm trọng” đối với Nga. Ông lưu ý rằng, phản ứng của Moskva trước mối đe dọa gia tăng ở biên giới phía Tây bao gồm việc khôi phục các quân khu Moskva và Leningrad, đã bị bãi bỏ vào năm 2010, trong thời kỳ căng thẳng tương đối thấp với phương Tây.
Nhà ngoại giao Nga đề cập tình trạng tồi tệ hiện nay của mối quan hệ Nga-Mỹ mà ông đổ lỗi cho Washington. Ông lý luận: “Tôi tin rằng, ngày càng rõ ràng chính sách hiện tại của Mỹ, một mặt dựa trên việc đưa chính sách ngoại giao vào quên lãng, mặt khác, dựa trên hoạt động cung cấp vũ khí số lượng lớn (cho Ukraine), là không hiệu quả”.
Ông Ulyanov nói thêm, cho đến nay, Mỹ là “bên hưởng lợi chính” từ cuộc xung đột Ukraine, trong khi các quốc gia EU, như Đức, đã phải gánh chịu rất nhiều từ cuộc xung đột này. Ông cho rằng, chính sách của Brussel là do Washington quyết định và tình hình khó có thể sớm thay đổi.