Moskva so sánh kế hoạch chống Nga của EU với chính sách thời Đức Quốc xã
(Baonghean.vn) - Theo RT, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách hỗ trợ những người Nga bất đồng chính kiến đang âm mưu tạo ra một sự “thay đổi quyền lực” ở Moskva.
Hãng tin RT của Nga ngày 26/10 cho biết, mới đây, Moskva đã cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) học theo Đức Quốc xã khi khối 27 quốc gia này đang cân nhắc kế hoạch cấp “hộ chiếu dân chủ” đặc biệt cho các nhà hoạt động đối lập Nga đang nỗ lực thay đổi chế độ.
Bình luận về một dự thảo tài liệu gần đây được Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Châu Âu xem xét trong tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, EU hy vọng sử dụng các công dân Nga như những "phụ tá nhỏ bé" của mình, khiến người ta liên tưởng, so sánh với các chính sách của Đế chế thứ 3.
“Người ta biết rằng, trong những năm Đức Quốc xã chiếm đóng, những người muốn hợp tác với chính quyền Đức đã được đề nghị ký vào cái gọi là "Volkslist", một tài liệu đặc biệt đóng vai trò như hộ chiếu” nữ phát ngôn viên phát biểu và nói thêm rằng, EU tương tự cũng đã đề xuất “hộ chiếu cho công dân tử tế của Nga”.
Bản dự thảo báo cáo do thành viên Nghị viện châu Âu người Litva Andrius Kubilius chấp bút, kêu gọi khối EU áp dụng một chiến lược sâu rộng mới để theo đuổi “sự thay đổi quyền lực ở Nga”, khẳng định rằng, khối này sẽ hợp tác với “các lực lượng dân chủ” trong và ngoài nước Nga để lật đổ ban lãnh đạo hiện tại và thành lập một “chính phủ chuyển tiếp”.
Trong dự thảo kế hoạch đó, EU đề xuất một “hộ chiếu dân chủ” mới và “các thỏa thuận thị thực đặc biệt” cho các nhà hoạt động đối lập Nga làm việc “lưu vong” từ các quốc gia thành viên EU, đồng thời, đề xuất giảm bớt các hạn chế đi lại đối với những người Nga bất đồng chính kiến.
“Họ có những kế hoạch lớn” - bà Zakharova tiếp tục trích dẫn tài liệu chính sách của EU: “Những người sở hữu "hộ chiếu dân chủ" sẽ trở thành trụ cột của EU sau chiến thắng của Ukraine và sự thất bại của Nga, điều sẽ mở ra cánh cửa cơ hội cho việc chuyển đổi nước Nga sang chế độ dân chủ”.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng, theo luật pháp Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ 2, việc ký vào “Volklist” của Đức "được coi là tội phản quốc" và "bị truy tố ở mức cao nhất của luật", qua đó, kêu gọi các nhà lập pháp Nga "nghiên cứu đưa ra phản ứng khả thi nếu Nghị viện Châu Âu phê chuẩn những quyết định như vậy”.
Liên minh châu Âu đã áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề đối với Nga kể từ khi xung đột với Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, đồng thời, cũng phê duyệt một danh sách dài các hoạt động chuyển giao vũ khí cho Kiev. Họ cho biết, sẽ tiếp tục những chính sách đó trong thời gian tới, hy vọng vào một “chiến thắng quyết định của Ukraine” và cuối cùng sẽ mở đường cho “những thay đổi chính trị cơ bản ở Nga”.