Một đại hội VFF ghi nhận đóng góp của bóng đá xứ Nghệ
(Baonghean.vn) -Đến tận 23 giờ, ngày 8/12 đại hội VFF khóa 8 mới kết thúc và trở thành đại hội được tiến hành dài nhất lịch sử bóng đá VN, liên tục 13 tiếng đồng hồ. Đây là đại hội có thời gian tổ chức kéo dài nhất, mệt mỏi nhất và việc tranh cử cũng diễn ra quyết liệt nhất.
Đại hội VIII diễn ra vào thời điểm khá “độc”, rất có thể công việc đầu tiên của quan chức VFF là đón Cúp vàng AFF Cup 2018, còn nếu thất bại là do “tồn tại của khóa trước”. Ngoài việc lần đầu tiên tổ chức “đại hội kín”, không có báo chí tham gia, nó còn kéo dài hơn 6 giờ do dự kiến, chủ yếu do phát sinh việc kiểm phiếu. Một đại hội để lại cho quan khách và người dự nhiều cảm xúc và cả sự mệt mỏi không đáng có.
Công ty TNHH 2 thành viên
Bắt đầu từ lúc 8 giờ nhưng đến 21 giờ thì các quan khách quốc tế như ông Alexandre Gros – Quản lý cấp cao Hiệp hội thành viên LĐBĐ Thế giới (FIFA); ông Purushottam Kattel – Phụ trách các Liên đoàn thành viên và quan hệ quốc tế LĐBĐ châu Á (AFC); ông Dato’ Sri Azzudin Ahmad – Tổng thư ký LĐBĐ Đông Nam Á lục tục kéo nhau ra sân bay. Họ không thể kiên nhẫn chờ thêm 2 giờ, bởi giờ bay đã được ấn định trước.
Sau khi kết thúc phần kiểm phiếu, có kết quả các thành viên chủ chốt, số lượng thành viên ban chấp hành thì đại biểu quốc tế rút lui, tất nhiên đã lót dạ vài chiếc bánh do ban tổ chức chuẩn bị vội do đại hội kéo dài ngoài dự kiến.
Tân chủ tịch VFF Lê Khánh Hải. Ảnh VFF |
Nhiệm kỳ 7 VFF được đánh giá “đầy sóng gió” có hiện tượng “bằng mặt không bằng lòng”, tìm cách tấn công nhau gây tổn hại cho hình ảnh của VFF. Bộ máy VFF trong gần 2 năm qua chỉ có 2 nhân vật trực tiếp làm việc là Phó chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn và Tổng thư ký Lê Hoài Anh. Giới truyền thông cho rằng VFF đang là Công ty TNHH 2 thành viên, kể cũng không sai.
Nên Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020 và Tầm nhìn đến 2030 còn chậm, hầu như các chỉ tiêu đều không đạt. Công tác tổ chức các giải đấu, đặc biệt là các giải chuyên nghiệp còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết một cách triệt để. Cơ chế quản lý hoạt động bóng đá chuyên nghiệp cũng còn một số bất cập cần được tháo gỡ
Tuy nhiên 2 nét nổi bật về tài chính, nhiệm kỳ 7 VFF có tổng nguồn thu là hơn 600 tỉ đồng, trong đó có 247 tỉ đồng thu từ các hợp đồng tài trợ, dư quỹ 30 tỉ đồng cho nhiệm kỳ 8.
Về chuyên môn: đội tuyển U-23 giành HCB châu Á, đội tuyển VN đã vào trận chung kết AFF Suzuki Cup 2018, đội tuyển futsal nam tham dự World Cup, đội tuyển U-20 nam giành quyền vào World Cup, đội tuyển U-15 vô địch Đông Nam Á...
Ngoạn mục bầu cử
Theo danh sách ứng viên Chủ tịch VFF ban đầu có 4 cái tên là: Ông Trần Quốc Tuấn - PCT VFF, ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình, ông Lê Quý Phượng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT 2 (TP.Hồ Chí Minh) và ông Nguyễn Công Khế - nguyên TBT Báo Thanh niên.
Nhưng khi Thứ trưởng Bộ Văn Hóa - Thể Thao - Du Lịch Lê Khánh Hải ứng cử thì cả 4 rút lui, trong đó 2 ứng viên Trần Quốc Tuấn, Cấn Văn Nghĩa “ép cân” thi đấu “hạng PCT” thì đều giành thắng lợi.
Với 57/69 phiếu, ông Trần Quốc Tuấn (đương kim phó chủ tịch VFF khóa 7) đã tái đắc cử chức danh Phó chủ tịch chuyên môn với số phiếu áp đảo hai ứng viên còn lại. Ở vị trí Phó chủ tịch truyền thông, ông Cao Văn Chóng (Giám đốc truyền thông Becamex IDC) đã giành 42/69 phiếu, đánh bại 4 ứng viên khác để là người chiến thắng trong cuộc đua. Cùng với thứ trưởng Lê Khánh Hải, ứng viên ghế Chủ tịch VFF thì việc ông Tuấn và ông Chóng trúng cử ghế Phó chủ tịch đều nằm trong tính toán bởi năng lực và khả năng ngoại giao của các nhân sự này.
Cuộc đua gay cấn nhất diễn ra chiếc ghế phó chủ tịch tài chính khi có 4 ứng viên tham gia tranh cử. Trong số đó có 3 ứng viên tham gia tranh cử vị trí này là doanh nhân đã xây dựng đề cương tranh cử, đó là các ông: Nguyễn Hoài Nam (Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya VN), Trần Văn Liêng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Ca cao VN), Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thể thao Động Lực).
Ngoại trừ ông Cấn Văn Nghĩa vừa về hưu từ 1/9/2018, hiện cũng đang vướng vào lùm xùm khi Khu LHTTQG Mỹ Đình đang nợ tiền thuê đất 314 tỉ đồng không có khả năng chi trả dưới thời ông làm giám đốc thì 3 doanh nhân còn lại đều có đề cương tranh cử khá công phu. Đặc biệt doanh nhân Nguyễn Hoài Nam – Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam - đã chia sẻ ước mơ của mình: “Đưa bóng đá Việt vào World Cup”.
Ông Nguyễn Hoài Nam được biết đến là chồng của Hoa khôi thể thao 1995 kiêm Á hậu quý bà thế giới 2011 hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán SaigonBank Berjaya, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Làng Nghi Tàm TPC (chủ sở hữu khách sạn Intercontinental Hanoi), Tổng giám đốc Công ty TNHH Berjaya Bờ Biển Dài, thành viên HĐQT Công ty TNHH Trung Tâm Tài chính Việt Nam Berjaya, thành viên HĐQT Công ty TNHH Berjaya Hồ Tây (chủ sở hữu khách sạn Sheraton Hà Nội).
Đó là lý do ông dám tuyên bố: “Nếu trúng cử sẽ đưa tiền về tăng 30% so với nhiệm kỳ 7”. Ông Đoàn Nguyên Đức công khai hậu thuẫn 2 ứng viên Lê Văn Thành và Nguyễn Hoài Nam, trong đó nhấn mạnh CEO Berjaya Việt Nam hội tụ đủ yêu cầu.
Trong lần bỏ phiếu đầu tiên, không ai quá bán nên ông Nghĩa và ông Thành là hai ứng viên có số phiếu cao nhất được chọn vào vòng bầu cử thứ hai. Ở vòng 2, ông Nghĩa giành được 36 phiếu trong khi ông Thành chỉ giành được 31 phiếu. Như vậy ông Nghĩa là Phó chủ tịch tài chính VFF khóa 8, trong sự ngỡ ngàng và có cả thất vọng của dư luận.
Ngay 23 giờ đêm, sau khi đại hội kết thúc, BCH đã họp phiên thứ nhất và thông qua đề cử của tân chủ tịch Lê Khánh Hải cử ông Lê Hoài Anh tái cử Tổng thư ký VFF.
Ghi nhận vai trò bóng đá xứ Nghệ
Tại đại hội, SLNA đã cùng với các CLB Hà Nội, HAGL, PVF, Viettel…được vinh danh vì thành tích đóng góp cho các đội tuyển quốc gia. Hiện nay tại đội tuyển tham dự AFF Cup 2018 có Trọng Hoàng, Ngọc Hải, Văn Đức đều là cầu thủ lò SLNA. Ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch CLB SLNA tiếp tục tái cử vào BCH VFF khóa VIII, ghi nhận vai trò và sự đóng góp của bóng đá xứ Nghệ.
Danh sách các chức danh chủ chốt Đại hội VFF khóa 8:
Chủ tịch: Lê Khánh Hải
Phó chủ tịch: Trần Quốc Tuấn (chuyên môn), Cao Văn Chóng (truyền thông), Cấn Văn Nghĩa (tài chính)
Tổng thư ký: Lê Hoài Anh
Trưởng ban kiểm tra: Nguyễn Hiền Lương
17 thành viên ban chấp hành được đại hội bầu: Lê Khánh Hải, Trần Quốc Tuấn, Cấn Văn Nghĩa, Cao Văn Chóng, Trần Anh Tú, Nguyễn Quốc Hội, Lê Văn Thành, Phạm Ngọc Tuấn, Bùi Xuân Hòa, Nguyễn Hồng Thanh, Trần Mạnh Hùng, Phạm Thanh Hùng, Nguyễn Tấn Anh, Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Húp, Dương Văn Hiền, Võ Minh Trí.