Một dân tộc chỉ còn vài người nhớ “mang máng” tiếng mẹ đẻ

Đào Thọ - Đình Tuân 08/06/2018 17:47

(Baonghean.vn) - Vốn có ngôn ngữ riêng, phong tục văn hóa riêng nhưng sau một thời gian những yếu tố ấy dần bị mai một. Đến nay, cả dân tộc Ơ đu ở Việt Nam đang sinh sống duy nhất tại Nghệ An chỉ còn vài người nhớ “mang máng” tiếng mẹ đẻ của mình.

Di dời từ khu vực lòng hồ thủy điện bản Vẽ, người Ơ đu, hay còn gọi là dân tộc Tày Hạt (có nghĩa là đói rách) đến định cư ở bản Văng Môn (xã Nga My - Tương Dương) từ năm 2006. Theo Bí thư Chi bộ Lo Văn Tình, cả bản hiện có 102 hộ với 426 nhân khẩu, trong đó người chính gốc Ơ đu chỉ còn khoảng hơn 200 người.

Bản Văng Môn, khu tái định cư của người Ơ đu. Ảnh: Đào Thọ
Bản Văng Môn, khu tái định cư của người Ơ đu. Ảnh: Đào Thọ

Một thực trạng cho thấy, hầu hết những người dân Ơ đu hiện nay đều giao tiếp với nhau và giao tiếp với người ngoài bằng tiếng Thái, tiếng Kinh…mặc dù họ có tiếng nói riêng.

Ông Lo Văn Tình cho hay: “Người Ơ đu lấy vợ, lấy chồng không được lấy người cùng họ nên phải tìm đến người của các dân tộc khác. Vì vậy khi nói với nhau cũng không dùng đến tiếng Ơ đu mà dùng tiếng khác bởi những tiếng này phổ biến hơn”.

Cũng bởi số lượng người Ơ đu ít, và những người còn biết đến tiếng mẹ đẻ của mình cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên ngôn ngữ này ngày càng bị mai một. Hơn 200 người gốc Ơ đu hiện nay hầu như không một ai có thể nói được một cách suôn sẻ tiếng dân tộc mình.

Người Ơ đu hiện nay chỉ còn 2 cụ Lo Văn Phúc và Lo Văn Bình nhớ được
Người Ơ đu hiện nay chỉ còn 2 cụ Lo Văn Phúc và Lo Văn Bình nhớ được "mang máng" tiếng mẹ đẻ. Ảnh: Đình Tuân

Theo thống kê từ Phòng Dân tộc huyện Tương Dương, tại bản người Ơ đu sinh sống hiện nay chỉ còn rất ít người nói được tiếng Ơ đu. Từ khi mới di dời về đây còn khoảng 10 cụ già biết đến thứ tiếng này, đến nay chỉ còn 2 cụ Lo Văn Phúc và Lo Văn Bình.

Cụ Lo Văn Phúc và Lo Văn Bình hiện đều đã bước sang tuổi hơn 70. Trao đổi với chúng tôi, ông Phúc bảo rằng, ông là người nói được nhiều tiếng Ơ đu nhất nhưng cũng chỉ gọi là "mang máng". Những tiếng khó quá hoặc không biết thì đành phải dùng tiếng Thái nói “chêm” vào. Mỗi lúc rảnh rỗi, ông và cụ Lo Văn Bình vẫn ngồi nói với nhau bằng tiếng Ơ đu, song chỉ nói được những câu giao tiếp đơn giản trong cuộc sống.

Với một số người như ông Lo Văn Tình - Bí thư Chi bộ thì có thể hiểu khi người khác nói tiếng Ơ đu nhưng nói thì đành chịu. “Bây giờ cái chúng tôi lo nhất là con cháu không mặn mà gì với tiếng của dân tộc mình. Bảo học hôm nay thì ngày mai quên bởi cứ ra ngoài là dùng tiếng Thái, tiếng Kinh… Nếu có người nào xung phong đi học tiếng Ơ đu rồi về dạy lại cho những người khác, chúng tôi sẵn sàng góp tiền gạo để hỗ trợ” - ông Lo Văn Phúc nói.

Phụ nữ Ơ đu trồng sắn làm thức ăn. Ảnh: Đào Thọ
Phụ nữ Ơ đu trồng sắn làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Đào Thọ

Ông Quang Văn Đặng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương cho biết: “Huyện cũng đã có nhiều chính sách để bảo tồn văn hóa của người Ơ đu, trong đó có cả việc mở lớp học truyền dạy tiếng. Tuy nhiên, người Ơ đu lại không có chữ viết riêng nên khi học được một số tiếng lại rất nhanh quên. Điều khó khăn hơn nữa là nhiều người Ơ đu không còn mặn mà với văn hóa dân tộc mình. Sắp tới đây cũng có một số chương trình phát triển dành cho cộng đồng dân tộc này nhưng chủ yếu tập trung vào việc phát triển kinh tế - xã hội”.

Clip đối thoại bằng tiếng Ơ đu.

Mới nhất

x
Một dân tộc chỉ còn vài người nhớ “mang máng” tiếng mẹ đẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO