Mót lúa đất
(Baonghean) - Tôi lớn lên nhờ những hạt lúa đất thấm đượm vị mồ hôi của ngoại. Lúa đất thân thương đã dẫn dắt tôi bước qua những năm tháng tuổi thơ đói nghèo, những mùa giáp hạt gieo neo, chật vật. Rồi khi đã vào đại học, lâu lâu trở về quê thăm ngoại, cầm trên tay bát cơm trắng thơm ngoại nấu mà chợt thấy lòng xốn xang xúc động. Thầm nghe vọng về câu ca dao từ những ngày xưa cũ: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”…
Minh họa: Hồng Toại. |
Hơn chục năm nay, ngoại tôi vẫn giữ thói quen đi quét lúa đất khi mùa gặt tới. Đó là thứ công việc lặng thầm mà cơ cực biết bao. Cứ đến mùa gặt, ngoại tôi lại lom khom men dọc các lũy tre mọc gần ao làng lấy chiếc liềm cùn loay hoay cắt những cụm rễ tre mọc tràn ra, đem về bện thành chổi quét lúa đất. Có lần tôi hỏi, tại sao ngoại không lấy chổi đót để quét lúa đất cho nhanh, ngoại cười hiền: “Cháu ngốc quá! Chổi đót mềm như thế thì làm sao quét được lúa đất. Muốn quét lúa đất thì phải dùng chổi rễ tre, vừa bền vừa chắc”.
Chiều lại chiều, ngoại gánh đôi rổ nhỏ đi mót lúa đất trên những nẻo đường chạy dọc cánh đồng. Thương đôi tay rám nắng của ngoại tỉ mẩn lấy chổi lựa quét những hạt lúa sót nhỏ nhoi nằm rải rác trong đất sỏi, cỏ rác, nhưng đôi mắt vẫn luôn ánh lên một niềm vui khó tả. Ngoại vẫn thường bảo, “hạt lúa – hạt vàng”. Thế nên, mỗi lần hót từng nhúm lúa vào chiếc mo cau ngoại lại cẩn thận nâng niu chúng như báu vật. Ngoại bảo đi nhặt lúa để học tính kiên trì, tiết kiệm, bởi khi bưng bát cơm đầy mới trân trọng giá trị của mồ hôi… Một vài lần, tôi theo ngoại đi mót lúa, nhưng tôi thích đi mót giữa ruộng hơn là quét lúa đất. Giữa mùi rạ thơm đậm chất đồng quê, tay cầm một cái bao nhỏ để đựng hạt lúa, cái bao lớn dùng để đựng những bông lúa.
Ngoại dạy tôi cách mót lúa, cầm bao đi đến cuối bờ ruộng thì quay ngược như người ta đi cày vậy để làm sao không sót một mét vuông đất nào. Nhưng tính tôi ham chơi, dọc thửa ruộng, lúc dừng lại móc cua, lúc chụp châu chấu, có khi lại trêu con đỉa đang nằm khoanh mình dưới nước... nên bao lúa của tôi chẳng mấy khi đầy bằng lũ bạn. Ngoại không lấy đó làm phiền hay quát nạt tôi. Ngoại chỉ dặn: “Làm việc gì cũng phải đến nơi, đến chốn. Làm ra làm, chơi ra chơi. Mót lúa cũng là một việc, nó đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại”. Dần dà, tôi cũng học được tính kiên trì, chú tâm vào công việc. Ngoại lấy làm mừng, còn tôi lấy đó làm hãnh diện.
Nhiều hôm, khi mà lúa đất ven đường đã bị vịt bầy lượm sạch, ngoại lặng lẽ trở về con đê ngập đầy rơm mới, rồi khéo léo giũ từng ôm rơm khô để cho những hạt lúa còn dai dẳng bám lại trên thân lúa rụng xuống chiếc sàng rộng hứng sẵn phía dưới. Chỗ lúa ấy sẽ được ngoại cất riêng vào một chiếc bị nhỏ. Vì theo như lời ngoại, thì đó là những hạt lúa mẩy nhất, khỏe nhất của vụ mùa, nên chắc chắn nấu cơm sẽ rất thơm ngon.
Những rổ lúa mà ngày ngày ngoại vất vả đi quét về có đến hơn bảy phần là rác rơm, đất cát. Vì vậy, thêm một lần nữa, hết sàng sảy, ngoại lại lật đật gánh chúng ra cái cầu ao đầu ngõ để đãi sạn. Rồi còn trăn trở phơi phóng cho được nắng kẻo hỏng. Thế mới thấm thía hết cái nỗi gian nan để góp nhặt được từng hạt lúa cuối mùa rơi rụng. Thứ công việc quét lúa đất của ngoại ngỡ như đơn giản, vậy mà thật khó khăn, nhọc nhằn.
Tôi lớn lên nhờ những hạt lúa đất thấm đượm vị mồ hôi của ngoại. Lúa đất thân thương đã dẫn dắt tôi bước qua những năm tháng tuổi thơ đói nghèo, những mùa giáp hạt gieo neo, chật vật. Rồi khi đã vào đại học, lâu lâu trở về quê thăm ngoại, cầm trên tay bát cơm trắng thơm ngoại nấu mà chợt thấy lòng xốn xang xúc động. Thầm nghe vọng về câu ca dao tự những ngày xưa cũ: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!”
Năm nay đã bước sang tuổi bảy mươi, nhưng ngoại tôi vẫn sớm chiều gánh gồng đường xa tìm quét lúa đất nuôi tôi ăn học. Thương ngoại, tôi chỉ biết tự nhủ mình cố gắng học tập tốt để không phụ sự kỳ vọng và tất cả niềm tin yêu bao la ngoại dành cho tôi…
Phan Đức Lộc