Một nhà giáo mẫu mực

19/11/2012 17:56

(Baonghean) - Hơn 40 năm vừa làm nhà giáo, vừa làm nông dân, “một tay” nuôi 4 con học đại học, ngày về hưu tưởng là lúc nghỉ ngơi, nhưng chi bộ xóm lại chỉ “đợi thầy nghỉ để bầu thầy làm bí thư”…

Thầy giáo ... nông dân

Đó là thầy giáo Hoàng Đức Kỳ (62 tuổi) ở thôn Khánh Quang, xã Châu Quang (Quỳ Hợp). Gần 40 năm qua, thầy vừa dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học sinh, vừa là người nông dân đào ao thả cá, trồng rau, cấy lúa, phủ xanh đồi trọc… Người thầy giáo tàn tật, bị mất đi cánh tay phải ấy đã biến những mảnh đất sỏi đá "hóa thành cơm”, nuôi 4 đứa con ăn học nên người.



Thầy Hoàng Đức Kỳ trên khu đồi sau nhà

Một tai nạn bất ngờ từ năm 17 tuổi đã cướp đi của thầy Hoàng Đức Kỳ cánh tay phải. Bằng cánh tay còn lại, Hoàng Đức Kỳ đã tập viết lại, tiếp tục học hết cấp 3 rồi thi đỗ vào khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh. Tốt nghiệp năm 1975, thầy Hoàng Đức Kỳ quay trở về Quỳ Hợp dạy học, bắt đầu những năm tháng bám trường, bám lớp, bám học sinh. Những phòng học dựng tạm, chiếc bảng đen xoa bằng bồ hóng, bàn ghế tạm bợ xiêu vẹo, thầy và trò đều phải đi bộ cả chục cây số tới trường… Bao nhiêu kỷ niệm của ngày đầu khó khăn ấy đến giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí người thầy. Thầy Kỳ chia sẻ: “Tôi còn nhớ, sau khi ra trường đi dạy 2 năm, tôi được bầu là chiến sĩ thi đua, và phần thưởng là chiếc xe đạp Tiền Phong. Hồi đó, có cái xe đạp như thế là quý lắm”! Cho đến tận bây giờ, chiếc xe vẫn là kỷ vật quý giá nhất của cuộc đời đi dạy, được thầy Kỳ giữ gìn, trân trọng, vẫn thường theo thầy đi dạy, đi họp hành hay công việc trong làng.

Đến năm 1978, thầy Kỳ được điều lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Hợp làm chuyên môn, rồi sau đó làm làm công tác tổ chức. Dù không còn trực tiếp đến trường nhưng trên cương vị của một chuyên viên phòng Giáo dục, thầy vẫn thường xuyên theo sát tình hình học tập của cả thầy lẫn trò. Để rồi 12 năm sau, thầy lại quay về với bục giảng, làm Hiệu trưởng Trường THCS Châu Thái, với kinh nghiệm quản lý, năng lực chuyên môn, thầy đã vực dậy phong trào học tập ở ngôi trường vùng cao này.

Suốt gần 40 năm trong nghề, không thôn, bản nào của huyện Quỳ Hợp thầy chưa đặt chân đến. Bao nhiêu đồng nghiệp học được kinh nghiệm ở thầy. Bao nhiêu thế hệ học sinh đã được thầy dạy dỗ, bồi dưỡng trở thành học sinh giỏi huyện, giỏi tỉnh, rồi sau này đi khắp nơi lập nghiệp, hay quay về quê nhà vẫn nhớ tới người thầy mẫu mực.

Không chỉ là một người thầy đáng kính, mực thước ở nhà trường, thầy Hoàng Đức Kỳ còn chăm lo con cái học hành và nghĩ cách làm kinh tế tạo thu nhập thêm cho gia đình, làm gương cho bà con trong xóm. Thầy trồng rau, đào ao thả cá, nuôi bò, nuôi lợn, cùng với 2 sào ruộng ngoài đồng và gần 1 mẫu đất đồi trồng bạch đàn, xoan, lát, nghệ… “Với đồng lương đi dạy thời bao cấp của cả 2 vợ chồng chỉ đủ mua được 10 ngày gạo, ai làm giáo viên vào cái thời của tôi chẳng phải vừa đi dạy, vừa làm nông để nuôi con”, thầy Nguyễn Hoàng Kỳ nói. Nhưng điều khó khăn nhất trong cuộc đời thầy hóa ra lại là từ sự ra đi của người vợ, để lại thầy với cảnh gà trống nuôi con. Cách đây 7 năm, khi những đứa con bắt đầu lần lượt vào đại học thì cũng là lúc vợ thầy mất. Gánh nặng của cả gia đình với 4 đứa con và người cha già yếu gần 90 tuổi dồn cả lên vai thầy. Người dân trong làng luôn thấy thầy giáo Kỳ sau khi đi trường về là xắn quần ra vườn trồng rau, rồi đi cắt cỏ về cho cá, cho bò ăn, xong lại tất tả ra đồng, hay khuất sau đồi bạch đàn, lát… May mắn, và cũng là vất vả cho thầy khi 4 người con của thầy ai cũng học giỏi, ít thì 4 năm đại học, nhiều thì 6 năm cả đại học, cả cao học. Thầy không tính toán được một năm lao động cật lực cho thu về bao nhiêu tiền, mà tính bằng việc nuôi được bao nhiêu năm con đi học; cộng dồn cả 4 đứa lại là 22 năm.

Bí thư chi bộ mẫu mực

Cuối năm 2009, khi mới có quyết định nghỉ chờ hưu, chưa kịp nhận sổ hưu, dân làng trong xóm Khánh Quang, Châu Quang đã tín nhiệm bầu thầy Hoàng Đức Kỳ về làm Bí thư chi bộ xóm. Dân bầu, xã cử, thầy vui vẻ tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, tiếp tục đóng góp sức mình cho quê hương, xây dựng chi bộ đảng trong sạch, vững mạnh.

Dù tuổi cũng đã cao, sức khỏe có hạn, nhưng cũng như bao nhiêu năm qua, thầy đã quên hẳn đi cánh tay bị mất, vẫn cố gắng lao động tăng gia sản xuất, làm gương cho dân làng. Nhìn khuôn viên vuông vắn, rộng rãi theo mô hình vườn - ao - chuồng của thầy ai cũng phải thán phục.

Tìm thầy vào thời gian này, may mắn lắm mới gặp thầy ở nhà, vì nếu không đi họp thì thầy lại ra đồng đi làm với bà con. Kinh nghiệm giảng dạy giờ đây thầy lại đem về áp dụng để tuyên truyền, tập huấn cho bà con mỗi mùa vụ mới. Trên giao xuống cho xóm làm 5ha vụ đông, nhiều bà con không muốn làm, ông giáo Kỳ đã mua ngô giống về, làm đất và trồng 2 sào ngô của mình để cho dân làm theo...

Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, bên cạnh những huy chương, kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, danh hiệu chiến sĩ thi đua, là chồng báo Nghệ An. Thầy Kỳ cho biết: “Tôi vẫn thường xuyên đọc báo Nghệ An, ở đây bí thư xóm, xóm trưởng và xóm phó đều có báo của Đảng, đọc để biết thông tin, nắm bắt đường lối, chính sách của tỉnh, huyện và học hỏi những kinh nghiệm, cách làm hay ở những địa phương khác về áp dụng cho bà con mình”.


Hồ Lài

Mới nhất
x
Một nhà giáo mẫu mực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO