Một quyết định đúng đắn của huyện Quỳ Hợp

Vụ việc phá rừng ở xã Bắc Sơn được Báo Nghệ An thông tin tại các bài viết: “Phía sau những vụ phá rừng ở Bắc Sơn (Quỳ Hợp)”; “Vụ hủy hoại rừng ở Bắc Sơn (Quỳ Hợp): Phải tiếp tục làm rõ!”... Trước những hành vi phá rừng ấy , mới đây UBND huyện Quỳ Hợp ban hành 2 quyết định thu hồi đất, rừng và thu hồi giấy chứng nhận QSD đất đã cấp đối với hộ dân có hành vi vi phạm.

Ngày 1/9/2021, UBND huyện Quỳ Hợp ban hành Quyết định số 1648/QĐ-UBND về việc thu hồi rừng tự nhiên đối với hộ gia đình ông Vi Văn Hoàn, bà Mạc Thị Vinh trú tại bản Vi, xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp). Tại quyết định này thông tin từ thời điểm giao rừng tự nhiên, tháng 12/2019 đến nay, diện tích 93.535m² rừng tự nhiên đã giao cho hộ gia đình này giảm trữ lượng 500m³ (từ 803m³ xuống còn 300,6m³).

Cụ thể Quyết định số 1648/QĐ-UBND có nội dung: Thu hồi 93.535m² rừng tự nhiên tại Quyết định 3258/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 của UBND huyện Quỳ Hợp về việc giao rừng tự nhiên trên diện tích đất lâm nghiệp, thửa số 9, khoảnh 2, tiểu khu 324, tờ bản đồ số 1 (bản đồ giao đất lâm nghiệp xã Bắc Sơn; Giấy chứng nhận QSD đất số AD 858286 ký ngày 16/1/2006). Người bị thu hồi rừng: Hộ gia đình ông Vi Văn Hoàn, sinh năm 1976 và bà Mạc Thị Hoàn, sinh năm 1974 (tên thường gọi là Mạc Thị Vinh), thường trú tại bản Vi, xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Vị trí diện tích rừng bị thu hồi: Tại khu vực núi cây Dỗi, xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Hủy bỏ Quyết định 3258/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 của UBND huyện Quỳ Hợp về việc giao rừng tự nhiên trên diện tích đất lâm nghiệp, thửa số 9, khoảnh 2, tiểu khu 324, tờ bản đồ số 1 (bản đồ giao đất lâm nghiệp xã Bắc Sơn) tại khu vực núi cây Dỗi, xã Bắc Sơn với diện tích 93.535m² kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Lý do thu hồi rừng và hủy bỏ Quyết định 3258/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 của UBND huyện Quỳ Hợp: Chủ rừng vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 22, Luật Lâm nghiệp năm 2017 “Chủ rừng sử dụng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp”.

Cụ thể là chủ rừng đã trồng 1.100 cây keo rải rác trên toàn bộ diện tích rừng được giao (93.535m²) ; Làm suy giảm trữ lượng rừng từ 803m³ được giao vào năm 2019 xuống còn 300,6m³ vào năm 2021; Bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần do ken cây, mở đường khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép và để người khác vào khai thác rừng trái phép (2 lần). Tại Quyết định số 1648/QĐ-UBND, UBND huyện Quỳ Hợp giao UBND xã Bắc Sơn “có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đúng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp”.

Ngày 7/9/2021, UBND huyện Quỳ Hợp ban hành Quyết định 1690/QĐ-UBND về việc “Thu hồi đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên do người sử dụng đất vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng”, đối với hộ gia đình ông Vi Văn Hoàn và bà Mạc Thị Hoàn.

Quyết định này nhằm thu hồi diện tích 93.535m² đất rừng sản xuất có rừng tự nhiên mà UBND huyện Quỳ Hợp đã giao cho hộ ông Vi Văn Hoàn và bà Mạc Thị Hoàn tại Quyết định số 526/QĐ-UBND-TNMT ngày 29/5/2005, vì cùng lý do vi phạm nghiêm trọng Luật Lâm nghiệp như đã nêu trên. Đồng thời giao UBND xã Bắc Sơn quản lý chặt chẽ quỹ đất đã thu hồi, sử dụng đất đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Đến ngày 10/9/2021, UBND huyện Quỳ Hợp tiếp tục ban hành Thông báo số 368/TB-UBND về việc thu hồi Giấy chứng nhận QSD đất mã số AD 858286 ký ngày 16/1/2006 đã cấp cho hộ ông Vi Văn Hoàn và bà Mạc Thị Hoàn (thửa đất có vị trí số 09, khoảnh 2, tiểu khu 324, tờ bản đồ số 1 bản đồ địa chính lâm nghiệp xã Bắc Sơn, diện tích 93.535m²).

Tại đây, UBND huyện Quỳ Hợp nêu rõ việc thông báo căn cứ theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 106, Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hộ ông Vi Văn Hoàn và bà Mạc Thị Hoàn trong thời gian 30 ngày nộp Giấy chứng nhận QSD đất mã số AD 858286 về Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Quỳ Hợp để thu hồi, hủy bỏ theo quy định.

Dõi theo những vụ việc phá rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua, có sự trùng hợp dễ dàng nhận ra. Đó là, những vùng rừng tự nhiên bị phá hầu hết đều là rừng sản xuất mà Nhà nước giao cho người dân quản lý, bảo vệ. Và mục tiêu dẫn đến phá rừng là nhằm để trồng cây keo nguyên liệu. Về đối tượng phá rừng tự nhiên, cũng chủ yếu gồm 2 nhóm. Là hộ gia đình, cá nhân được giao Nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng; hoặc đối tượng đầu nậu đã nhận chuyển nhượng đất rừng trái phép từ hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng.

Cũng từ tìm hiểu thực tế, nhận thấy chính quyền các huyện và các cơ quan chức năng liên quan, sau khi phát hiện, làm rõ hành vi phá rừng thì hầu hết xử lý đối tượng liên quan bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính; ở một số vụ việc có tính chất vi phạm nghiêm trọng thì xử lý hình sự. Nhưng chưa thấy có trường hợp nào bị thu hồi đất, rừng và thu hồi hủy bỏ Giấy chứng nhận QSD đất.

Một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu đã nói rằng, từ khoảng năm 2018, Hạt đã hướng đến xử lý bằng hình thức thu hồi đất, rừng và Giấy chứng nhận QSD đất. Tuy nhiên, chưa nhận được sự đồng thuận.

Ông này nói: “Những năm qua, chúng tôi đã từng lập khoảng 20 hồ sơ vi phạm, đề xuất UBND huyện thu hồi đất, rừng và thu hồi hủy bỏ Giấy chứng nhận QSD đất. Vậy nhưng, một số phòng ban liên quan còn băn khoăn, cho rằng chưa phù hợp một số quy định của luật đất đai. Chúng tôi thì nghĩ, cần áp dụng xử lý theo hình thức này đối với các trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, vì đúng quy định và đủ sức răn đe…”.

Còn theo một cán bộ có trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm cho hay, bản thân ông đã tham gia xử lý nhiều vụ việc hủy hoại rừng, nhưng chưa từng thấy địa phương nào thu hồi đất, rừng và thu hồi hủy bỏ Giấy chứng nhận QSD đất của hộ gia đình, cá nhân vi phạm. Cán bộ này trao đổi: “Theo thẩm quyền, việc thu hồi đất, rừng và thu hồi hủy bỏ Giấy chứng nhận QSD đất đối với các hộ gia đình, cá nhân có hành vi hủy hoại rừng thuộc về UBND cấp huyện. Nhưng theo tôi được biết thì chưa có trường hợp vi phạm nào bị xử lý bằng hình thức này…”.

Liên quan vụ việc phá rừng ở xã Bắc Sơn, tại bài viết “Vụ hủy hoại rừng ở Bắc Sơn (Quỳ Hợp): Phải tiếp tục làm rõ!”, Báo Nghệ An đã thông tin chỉ đạo của UBND tỉnh năm 2017, tại Văn bản 4952/UBND-NN về việc kiểm tra, xử lý thu hồi Giấy chứng nhận QSD đất lâm nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Sở dĩ UBND tỉnh ban hành văn bản này là vì: “Trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh, xảy ra một số vụ việc về tình trạng người dân tự ý đốt phát rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật tại một số huyện: Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Anh Sơn và Con Cuông.

Sự việc nêu trên đã vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Đất đai năm 2013 và các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất đai”; “Nhằm để ngăn chặn triệt để tình trạng trên, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 20/4/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW…”.

Đồng thời, UBND tỉnh hướng dẫn chi tiết, đầy đủ quy định của pháp luật như việc thu hồi rừng căn cứ Điểm h, Khoản 1, Điều 26, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; thẩm quyền thu hồi rừng, căn cứ Khoản 1, Điều 26, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ… Qua đó, yêu cầu Chủ tịch các huyện, thành, thị: “Đối với các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất lâm nghiệp, gắn với giao rừng cho thuê rừng. Nếu có vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Đất đai năm 2013 và các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất đai thì phải chịu hình thức xử lý theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo kiểm tra, áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận QSD đất”.

Chúng tôi tiếp tục nhắc lại thêm một lần nữa chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản 4952/UBND-NN năm 2017, để khẳng định, đây là hình thức xử lý vi phạm cần thiết phải được áp dụng. Xin kết bài viết này bằng trao đổi của Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn, ông Đậu Ngọc Tuân: “Khi vụ việc phá rừng được Báo Nghệ An thông tin, được UBND huyện kiểm tra, đưa ra hình thức xử lý vi phạm, ở xã Bắc Sơn, người dân có hai luồng tư tưởng.

Thứ nhất, là số đông người dân, họ rất phấn khởi vì vụ việc đã được xử lý nghiêm minh; tăng thêm niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền.

Thứ hai, là số ít, thì “hụt hẫng”. Vì những người này đang chờ xem huyện có xử lý nghiêm minh thật hay không, nếu như nương nhẹ thì họ sẽ “học theo”. Về phía cấp ủy Đảng, chính quyền xã Bắc Sơn, rất phấn khởi trước nỗ lực, quyết tâm cao của cấp trên trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Những hình thức mà huyện đã quyết định, giúp cho công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung, và công tác bảo vệ, phát triển rừng nói riêng được tốt hơn. Bên cạnh đó, còn răn đe được các đối tượng có ý đồ làm trái của một số cá nhân…”.