Một số vấn đề quan tâm trong xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập xã ở Nghệ An
Trên cơ sở định hướng sắp xếp đơn vị hành chính xã của Trung ương và tỉnh, hiện nay, các đơn vị cấp huyện ở Nghệ An đã chủ động rà soát các yếu tố và xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập xã khoa học, đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý và đưa cán bộ về gần dân, sát dân sau sắp xếp.
.jpg)
Chủ động các điều kiện thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
Trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của Trung ương và tỉnh, thời gian qua, các đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động rà soát các yếu tố, điều kiện sẵn sàng cho việc thực hiện chính quyền 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Đơn cử, huyện Đô Lương đã tập trung rà soát thực trạng cơ sở vật chất (gồm trụ sở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, cấp xã); số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động trên địa bàn huyện. Gắn với rà soát đội ngũ, huyện Đô Lương chú trọng công tác tuyên truyền, tư tưởng, trong đó đưa ra tiêu chí lựa chọn cán bộ, công chức cho bộ máy hành chính mới phải có trình độ đáp ứng yêu cầu, đồng thời phân tích cho cán bộ, công chức thấy rõ những yếu tố khó khăn, thách thức sau sáp nhập với yêu cầu năng lực, trình độ cao hơn, yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số mạnh mẽ hơn...
Hiện tại, huyện Đô Lương đã có 189 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và xã có đơn đăng ký nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc theo Nghị định 178 ngày 31/12/2024 và Nghị định 67 ngày 15/03/2025 của Chính phủ ngay khi chính quyền 2 cấp có hiệu lực.

Riêng về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, theo chia sẻ của đồng chí Bùi Duy Đông – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Đô Lương: Địa phương đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở 7 tiêu chí, gồm căn cứ pháp lý; diện tích, dân số; không gian phát triển kinh tế - xã hội; địa hình và đặc trưng vùng miền; tiêu chí tiếp cận và kết nối trung tâm hành chính; xem xét các trường hợp đặc thù; địa giới hành chính hợp lý, để xây dựng phù hợp theo định hướng của Trung ương, của tỉnh và thực tiễn của địa phương.

Với huyện Thanh Chương, trên cơ sở bám sát định hướng của Trung ương về giảm 50% tổng số xã hiện có và rà soát, nghiên cứu các tiêu chí về diện tích dân số, các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hoá, dân tộc, tôn giáo… huyện đã xây dựng 8 phương án sắp xếp từ 6-14 xã/tổng 29 xã, thị trấn hiện nay, gắn với định hướng tên gọi, phương án đặt trụ sở.
“Những phương án dự kiến này được tham khảo ý kiến nhân dân, các bậc trí thức cũng như các cựu lãnh đạo huyện qua các thời kỳ” - đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ.

Xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập xã cũng được các địa phương Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… nghiên cứu thận trọng trên cơ sở bám sát các nguyên tắc và tiêu chuẩn sắp xếp theo Kết luận số 137 ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đó là thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo hướng giảm khoảng 50% đơn vị hành chính hiện tại và không hình thành cấp huyện thu nhỏ nhằm đưa cán bộ thật sự gần dân, sát dân, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.
Các địa phương cũng nghiên cứu kỹ đến yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, trình độ phát triển và vị trí địa lý, kết nối giao thông; kể cả nghiên cứu yếu tố vị trí biệt lập, có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia… để xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Cùng với xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính xã, gắn với rà soát thực trạng để xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và xử lý cơ sở vật chất; các địa phương trong tỉnh cũng đã tập trung rà soát các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn để chủ động các phương án điều chuyển, tăng vốn cho các công trình, dự án sắp hoàn thành, tập trung hoàn thành hồ sơ quyết toán rà soát trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản…
Một số vấn đề cần quan tâm
Đầu tháng 4/2025, UBND tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác rà soát, nghiên cứu, định hướng việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp của tỉnh đã có cuộc làm việc tại nhiều địa phương trong tỉnh. Thông qua đó, vấn đề được các tổ công tác ghi nhận là hiện nay, việc xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập xã đang theo phạm vi địa giới hành chính của từng đơn vị cấp huyện mà chưa có sự gắn kết mang tính tổng thể chung toàn tỉnh khi bỏ cấp huyện, đồng nghĩa không còn ranh giới cấp huyện, mà xã trực thuộc tỉnh. Điều này dẫn đến có những đơn vị xã nằm biệt lập, chia cắt về địa hình, kết nối giao thông khó khăn và kể cả không gian phát triển, khoảng cách địa lý theo chiều dọc quá dài…, không phù hợp khi sáp nhập với xã liền kề trong cùng đơn vị cấp huyện, nhưng rất phù hợp sáp nhập với xã liền kề với đơn vị cấp huyện khác.
.jpg)
Thực tiễn này đã được Trung ương nhìn nhận rõ và tại Kết luận số 137, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã đưa ra một trong những nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã là: “Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của cấp huyện và cấp xã hiện nay”.
Từ thực tiễn và yêu cầu của Trung ương đặt ra, trong chương trình làm việc tại các huyện, đồng chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng tổ công tác số 5 của tỉnh đã yêu cầu các đơn vị cấp huyện chủ động rà soát, đánh giá và đề xuất tỉnh phương án sắp xếp đối với các đơn vị cấp xã ở các khu vực giáp ranh với các huyện liền kề, đảm bảo hợp lý về địa giới hành chính, không gian phát triển, thuận lợi về giao thông và giải quyết các điểm tranh chấp địa giới hành chính giữa các xã ở các huyện đã tồn tại trong nhiều năm; đồng thời giao Sở Nội vụ nghiên cứu tổng thể trên cơ sở đề xuất của các địa phương để tham mưu, trình tỉnh phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã khoa học, hiệu quả.

Cùng với vấn đề nêu trên, ý kiến của Bí thư Huyện ủy Đô Lương Bùi Duy Đông và Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã kiến nghị tỉnh, quá trình xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập xã cần xác định rõ các xã, vùng xã động lực, tạo cú hích về cực tăng trưởng đầu tàu dẫn dắt cũng như hiện thực các mục tiêu, nhiệm vụ chung của tỉnh theo quy hoạch tỉnh, các quy hoạch vùng huyện, đặc biệt là Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc đặt tên xã mới sau sắp xếp cũng là vấn đề được quan tâm, trăn trở trên cơ sở định hướng của Trung ương và tỉnh là dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học; khuyến khích đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin; đặt tên trên cơ sở các giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
Hiện tại, thời gian lập đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã để tỉnh trình Bộ Nội vụ trước khi trình Chính phủ trước ngày 1/5/2025 không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc cần phải làm đang còn nhiều. Yêu cầu này đang đặt ra cho tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng các địa phương với tinh thần khẩn trương để đảm bảo việc xây dựng phương án sắp xếp xã khoa học, hiệu quả.