Một số yếu tố phát sinh bệnh đạo ôn và cách phòng trừ

28/07/2013 17:35

Bệnh cháy lá hay gọi là bệnh đạo ôn do nấm pyricularia oryzae gây ra được phát hiện sớm ở Trung Quốc từ năm 1637 và đến nay vẫn gây hại không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới từ vùng châu Á nhiệt đới đến vùng châu Âu ôn đới.

Tính chất nghiêm trọng của bệnh này không chỉ là chúng phân bố rộng như vậy mà còn do chúng gây hại cho cây lúa ở nhiều giai đoạn từ cây mạ đến giai đoạn trổ bông làm cho lá lúa có thể bị cháy khô và hạt lúa bị khô lép, gây thiệt hại từ 10 - 50% năng suất lúa nếu không phát hiện kịp để phòng trị.

Triệu chứng: Trường hợp giống chống chịu cao chỉ thấy những chấm nâu li ti bằng đầu ghim, trường hợp giống chống chịu kém thì vết bệnh ban đầu tròn nhỏ màu xanh xám nhạt, sau đó ngả vàng và lan rộng thành hình thoi, nhọn ở 2 đầu, lưu ý là có chấm xám ở giữa. Tại những vết chấm xám này có rất nhiều bào tử nấm được phát sinh từ đó và phát tán vào không khí để lây lan khắp nơi. Áp dụng trong thực tế, ta có thể làm ô dự báo khoảng 1 m2 (sạ dầy và bón nhiều phân đạm), khi thấy vết bệnh xuất hiện điển hình (dạng hình thoi) trên ô dự báo thì phải phun thuốc kỹ toàn ruộng lúa (nhất là lúa bệnh tại ô dự báo). Ngoài ra việc chọn giống lúa kháng bệnh phù hợp với chân đất của từng địa phương cũng là điều cần lưu ý đến.

Về dinh dưỡng: Khi bón thúc đạm nhiều và thúc muộn cũng làm cho bệnh trầm trọng, do đạm hòa tan tích lũy trong cây có thể là thức ăn phù hợp với sự sinh trưởng của nấm. Khi bón thừa đạm và kali đều làm tăng bệnh. Vì vậy chúng ta cần lưu ý bón đạm khoảng 80 - 100 kg/ha là vừa đủ hoặc dựa vào bản so màu lá lúa để bón phân hợp lý, hoặc chúng ta có thể dùng phân bón lá VI-PAC 88 phun ở giai đoạn đẻ nhánh và lúc làm đòng để giúp cho cây lúa vừa phát triển tốt vừa có thể hạn chế bệnh, vì trong loại phân bón này đã có hàm lượng NPK cân đối và một số vi lượng thích hợp giúp cây có thể cứng cáp hơn, chống chịu bệnh tốt hơn.

Về điều kiện khô hạn: Khi đất bị khô hạn thì khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây lúa giảm sút, quá trình trao đổi chất diễn ra kém do đó cây lúa không chống chọi được bệnh. Vì vậy bà con nên giữ mực nước đầy đủ trên mặt ruộng, tránh để ruộng bị khô nước khi dịch bệnh đang xảy ra. Về điều kiện khí hậu thời tiết: Các nhà khoa học đã nghiên cứu và nhận thấy khi nhiệt độ không khí khoảng 24 - 280C, ẩm độ trên 80% thì bào tử có thể nẩy mầm tạo thành giác bám, sau đó chúng đâm xuyên vào vách tế bào lá lúa để phát triển và gây hại cho mô cây. Trong vụ lúa ĐX thường có khí hậu mát mẻ, ẩm độ cao, cho nên năm nào bà con cũng thấy bệnh đạo ôn gây hại nặng nhất vào vụ lúa ĐX. Hoặc là khi mưa nhỏ kéo dài, trời âm u, đêm có sương mù nhiều cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển. Do đó bà con phải theo dõi tin thời tiết và thăm đồng thường xuyên để phun thuốc phòng trừ khi bệnh chớm xuất hiện.

Về sự lây lan của nấm bệnh: Bào tử có thể bay trong không khí và theo gió lây lan khắp nơi. Vì vậy chúng ta cần phải cày vùi rơm rạ sau thu hoạch, thu gom - tiêu diệt lúa rày - lúa chét, cỏ dại mọc ven bờ để tránh mầm bệnh lưu tồn và lây lan cho những vụ sau. Ngoài ra nấm cũng có thể lây lan qua các hạt bị bệnh, chúng có thể được tìm thấy trong phôi, nội nhũ, vỏ hạt lúa. Vì vậy việc xử lý hạt giống trước khi gieo sạ cũng cần được quan tâm. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hóa học đặc trị bệnh đạo ôn nhưng khi xử lý hạt giống thì chúng ta nên chọn thuốc có phổ tác dụng rộng như là WORKUP 9SL, VICARBEN 50HP, VIXAZOL 275SC, VIRAM PLUS 500SC… để vừa trừ nấm đạo ôn vừa trừ được mầm bệnh của những loại nấm khác như là nấm gây bệnh đốm nâu, lúa von, lem hạt…

Về thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn: Hiện nay có rất nhiều loại thuốc để phòng trừ bệnh đạo ôn đạt hiệu quả cao và phổ biến như VIFUSI 40 ND, FUJI-ONE 40 ND, VIFUKI 40ND, VIKITA50ND... Để việc phòng trừ bệnh đạo ôn đạt hiệu quả, bà con nên sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo trên bao bì hướng dẫn, khi phun thuốc bà con nên chỉnh béc phun cho thật nhuyễn để thuốc có thể bám đều trên lá và trên bông; lượng nước thuốc phun cũng phải tùy thuộc giai đoạn lúa, ví dụ như phun thuốc khi lúa ở giai đoạn đẻ nhánh thì lượng nước thuốc chỉ cần khoảng 320 lít/ ha nhưng khi cây lúa đã lớn kín hàng thì lượng nước thuốc phun phải nhiều hơn để đảm bảo nước thuốc phủ đều khắp diện tích mặt lá và bông lúa.

Mặt khác, khi phun thuốc vào buổi sáng sớm thì ta nên dùng cành cây gạt sương đọng trên lá trước, vì giọt sương đọng trên lá có thể kéo nước thuốc rơi xuống đất khi chúng ta phun thuốc, hoặc chúng ta nên phun thuốc vào buổi chiều mát. Khi bệnh đạo ôn đã phát triển mạnh thì việc phun thuốc không thể chỉ tiến hành 1 lần mà phải phun thuốc ít nhất 2 lần.

Để việc phun thuốc phòng trừ đạo ôn và sâu bệnh khác nói chung đạt hiệu quả cao, chúng ta cần áp dụng phương pháp 4 đúng, đồng thời phối hợp biện pháp “3 tăng 3 giảm” để giữ vững năng suất.


Theo vndgkhktnn.vietnamgateway.org L.Y

Mới nhất
x
Một số yếu tố phát sinh bệnh đạo ôn và cách phòng trừ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO