Một tuyến phố, muôn nẻo đời

24/04/2017 08:21

(Baonghean) - Từ phố thị lao xao ban sớm, chỉ cần thêm một quãng ngắn, đã vơi hẳn đi cái xô bồ, náo nhiệt. Có đâu xa, chỉ ngăn đôi bởi con Kênh Bắc, bên này hướng sân bay Vinh là Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, bên kia là Đại lộ Lê Nin mà cơ chừng, phố quê, quê phố đã lập lòe, khác nhau lắm lắm.

Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh chừng hơn 4km, vươn dài về hướng Cảng hàng không Vinh, còn có người ví von là phố trong phố. Bởi chốn này, đã hình thành cho mình những nét riêng khó lẫn. Muôn nẻo đời phố đã hội về đây mà nên. Buổi sáng sớm, tản bộ trên đường, chiêm nghiệm cùng bước chân mình, để thấy cận cảnh hơn miền phố.

Đại lộ Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Trần hải
Đại lộ Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Trần Hải

Sau khi đi nhiều con đường, tôi tự đặt thêm tên cho đường này là “Con đường thịt cá”. Được lắm chứ, khi mà chưa tỏ mặt người, những “ninja heo” (cũng là tôi tự đặt cho người nhập thịt lợn, hoặc cả me lẫn nghé) bịt kín mặt cả đông lẫn hè đã phóng vèo vèo. Sau xe, những súc thịt lớn vắt vẻo xuống lên trong nhấp nhóa đèn đường. Kế đến là mấy bà buôn cá, rủ nhau tốp dăm ba người, đạp kin kít và trò chuyện cũng thảng hoặc bởi còn rướn lên mà đạp cho kịp buổi chợ, đắp điếm đồng lời lãi chợ đời. 4h sáng, chị em mạn biển đã đạp xe ngang qua lối Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An. Nằng nặng tiếng miền Nghi Thủy, Nghi Thu. Những chiếc rổ, đậy tấm mẹt thưa thoảng nồng mùi biển.

Đường này cũng có thể gọi là “phố ô tô”, bởi có đến gần chục đại lý của những nhãn hiệu xe hơi hiện đại. Qua Kênh Bắc, hướng sân bay chừng hơn cây số là salon của hãng Renault (Pháp). Dài theo đường, qua Bệnh viện 115 là liên tục salon các hãng: Huyndai, Vinh Ford rồi đối diện là Mishubisi. Riêng hãng Huyndai, bề thế cơ ngơi với 3 salon kinh doanh xe du lịch, xe tải lẫn máy móc vận tải biển. Kết thúc “phố ô tô” là điểm nhấn phía bên đường Sân bay với hệ thống liên hoàn 3 salon hoàn tráng của những Kia, Mazda và thêm một đại diện tự hào của xứ sở Kinh đô ánh sáng Pháp quốc: Peugoet. Hẳn ngày xưa, khi đô hộ Việt Nam, dựng xây nên thị xã Vinh để phục vụ mưu đồ bóc lột, người Pháp không nghĩ có ngày những hãng xe danh tiếng của họ lại có mặt tại thành phố một thời đã thẳng tay “tiêu thổ kháng chiến” để rồi “còn chồi nảy cây” mà thấy “sắc hồng cười trong gạch vụn”, nước mắt mồ hôi dựng xây cơ đồ khoáng đạt hôm nay.

Cũng có người lại cãi, ở đây phải gọi là “phố bệnh viện” mới đúng. Ừ, cũng phải. Chẳng dày đặc như mạn phố Tôn Thất Tùng, những Sản - Nhi, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh, Cửa Đông. Ở đây, trải dọc theo đường là những bệnh viện lớn, gói gọn trong mình biết bao thương khó, đớn đau và nhân ái lương y. Người lo lắng chuyện “giàu đôi con mắt...” đã có Bệnh viện mắt Sài Gòn gần đầu phố. Xế lên đỗi ngắn đường, rẽ theo Phạm Đình Toái, là Bệnh viện Quốc tế Vinh. Đi chừng quãng ngắn nữa, lại 3 bệnh viện kề nhau: Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Bệnh viện 115, Đông Âu. Trong đó, bề thế và mang nặng thiên chức nhất vẫn là Bệnh viện Hữu nghị đa khoa 700 giường đang còn tiếp tục mở rộng, xây mới những mong cưu mang hết đau đớn sinh, lão, bệnh, tử của người đời.

Cây ở đường này cũng khác. Đủ loại cây nhưng không ôm ấp, gần gũi, gợi nhớ như phố trong thành. Mà cứ hun hút, thẳng dáng bên nhau nối liền tít tắp. Cũng đủ loại cây, từ lim, lát, tràm hoa vàng, muồng hoa vàng, bằng lăng. Giữa dải phân cách là trúc đào, hoa giấy tung cánh, dãy ngâu, sói, cọ cảnh đan xen. Đôi khi, ven phố sót lại 1 cây xoan đâu. Giữa tháng Ba, chợt đi qua nghe hương quê nồng nàn, thầm gọi, chợt phố xa như hiền lại đến nao lòng. Cũng có lúc, ven đường có bóng dáng đôi cây cau, cây mít nhà nào còn sót. Phố chen quê là thế.

Bạn già đi bộ thể dục buổi sáng.  Ảnh: Trần Hải
Bạn già đi bộ thể dục buổi sáng. Ảnh: Trần Hải

Một thành phần khác ít thiếu là những người đi xe đạp. Các cụ ông đội mũ bảo hiểm xe máy, xe mini, thậm chí cả Thống Nhất hoặc bất kỳ loại xe nào. Trang phục cũng không nhất thiết phải liên quan đến cua rơ, nghĩa là có gì mặc nấy. Đi để mà đi, để đổi sự thư thái. Còn lớp trẻ dĩ nhiên “tông xuyệt tông” từ xe đến... đầu. Đèn gắn thêm sáng chói, định vị GPS, đo tốc độ, bình nước, đèn hậu nhay nháy đỏ. Sự thể thao là một nhẽ, nhưng ở lớp trẻ, cái vẻ đèm đẹp, sang sáng vẫn được chú trọng hơn sự dấn pê đan hay sao? Những hôm trời trong, “đội quân” xe đạp gần như mắc cửi trên đường. Thi thoảng, một đoàn xe vài ba chục chiếc, đồng phục áo vàng vun vút, êm ru lướt hướng bên kia đường, xuôi phía Cửa Lò. Đèn xe chấp chới nối nhau, như cả một dăng sao trời loang loáng gắn vào khuông nhạc xe. Cảnh ngoạn mục mà ở phố đông ít có. Bởi họ thường hẹn nhau đâu lối vòng xuyến Hải Quan, ngã tư Quảng trường mà cùng đi đón bình minh biển.

Cũng cữ này, đúng “khung” giờ, những chuyến bus sáng đã rì rì lại qua, bắt đầu trả ngày mới cho cung đường gợi những chuyến đi. Xe bus đỏ Sự Chuyên, bus xanh Phương Thảo, đỏ trắng Thạch Thành, đỏ vàng Đông Bắc tận tụy dừng đỗ, trả đón khách lên xuống. Nhưng đông nhất vẫn là trước cổng viện, người đi, kẻ lại ai cũng đăm chiêu, lo âu, buồn khổ. Cái kiếp nhân sinh tục lụy sinh, lão, bệnh, tử hiển hiện rõ nhất ở chốn vui ít, buồn nhiều này.

Bình thường, tuyến đường hun hút dài, thẳng đến ngẩn ngơ này đã vắng người lùi lũi tập tành buổi sáng. Có chăng chỉ vài ba cụ lắc thắc tập tễnh dăm bước. Vài hôm nay trời chuyển lạnh, nhanh như thời sự, những người đồng hành đã vợi hẳn đi. Mấy tốp xe đạp chắc cũng tắc lưỡi cho cái đỏng đảnh thời tiết mà chui trong chăn mỏng, mặc người đi bộ vô danh vẫn lầm lũi thở hít chút thanh tao ban sớm…

Về trước lối vào cổng viện trời vẫn chưa sáng, đã thấy túm năm tụm ba một nhóm người vừa xuống từ những chuyến xe bus, xe khách không ngủ. “Bác mang cả chuối xuống à”, “Mấy bữa ni bà có đỡ hơn không?”...Đó là bệnh nhân chạy thận. Vì đều là những người phải lệ thuộc bệnh viện lâu năm nên họ quen biết nhau cả, lại coi nhau như người nhà, ít ra về mặt “đồng bệnh tương lân” là thế.

Cái bệnh suy thận quái ác đã khiến họ cứ 4 ngày/lần lại phải có mặt tại đây để nằm vào máy, mỗi ca 4 tiếng mà lọc nước ra từ máu. Bởi 2 quả thận tội nghiệp đã queo quắt lại, không còn là “đôi hạt mầm của sự sống” như một nhà y học đã ví von được nữa. Vậy là họ về đây, như những con thiêu thân quay mãi quanh ngọn đèn không dám nghỉ.

Chị bán hàng quà sáng cũng biết hết tên khách. Nhẫn nại, rì rầm, họ giúp chị soạn bàn ghế, căng bạt cho quán xôi, bánh mướt bé tý tẹo ghé lắt lẻo một góc cổng dành cho nhân viên bệnh viện. Mỗi người trong “xóm” chạy thận đều có một nỗi riêng, chung nhất chỉ là nghèo. Gần còn đỡ, những người ở xa như Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn... hay tít mạn Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong thì phải tự lập ra một hội, hội chạy thận, chứ tiền đâu mà cứ đi đi về về tuần mấy tráo.

Cái hội oái oăm và buồn khổ kia chung nhau 3 - 4 anh thuê một căn trọ gần viện. Sự chi tiêu trông vào những cuốc xe ôm, “bóc thận cắn dần”. Họ mang theo vài chiếc xe máy cũ từ nhà xuống, nhẫn nại ngồi quanh viện chở những bệnh nhân, người nhà cũng cơ cực, rồi đắp đổi, quay vòng mà nuôi nhau. Lấy đồng tiền nhàu nhĩ của người bệnh đồng cảnh, chắt bóp tảo tần mà đẩy xa ngày gặp sự chết. Có người kể chuyện, đã 20 năm nay không một lần đi tiểu được. Có đêm mơ thấy “đi” được một lần quá đã, mừng rú lên. Tỉnh dậy, lại tủi buồn chuẩn bị vào viện để chạy thận. Nghe mà trào nước mắt.

Đã đành, với người bệnh chạy thận, họ cơ bản nghèo, cơ bản có bảo hiểm y tế, nhiều người được BHYT chi trả 100% vì quá nghèo. Nhưng vẫn phải ăn, phải mặc... nên vẫn phải có tiền. Chuyện bác sỹ cho bệnh nhân vay dăm ba trăm ngàn đồng lúc cần kíp là chuyện bình thường ở đây. Quay quắt sinh kế mà bòn rút từng ngày ở dương gian, tưởng không còn nỗi buồn nào hơn thế. Biết chắc, chẳng còn bao lâu về ngày từ giã người thân, mà vẫn phải sống, tự mà sống...

Nhiều hôm muốn đổi gió, âm thầm đi tuốt lên Sân bay Vinh, ngó nghiêng cái sân bay buổi sáng chưa có bóng người, tĩnh lặng trước những phút giờ muôn phương về lại, xuống lên. Tuyến đường huyết mạch mang đến 3 tên gọi, từ giáp với Quảng trường Hồ Chí Minh cho đến điểm cuối cùng là Cảng hàng không Vinh làm tôi cứ mường tượng đường như một bệ phóng vút cao dần. Có nhiều đêm, nhìn từ núi Quyết, lặng ngắm tuyến đường từ trên điểm cao nhất thành phố, thấy đèn đường vạch một dải thẳng tắp. Cũng như lúc trên máy bay lúc sắp đáp xuống phi trường, nhìn hàng đèn vạch đường nối liền Đại lộ Xô viết Nghệ Tĩnh, thoáng như một phi đạo sáng rực dẫn về hướng bay lên.

Đường thẳng, mà muôn nẻo nỗi đời!

Trần Hải

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Một tuyến phố, muôn nẻo đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO