Mua bảo hiểm tàu cá, ngư dân tự sắm 'phao' cho mình
(Baonghean.vn) - Nghề biển là nghề có tính rủi ro cao, hầu như năm nào cũng có tàu thuyền bị nạn, nhiều ngư dân trở nên trắng tay vì tàu cá không mua bảo hiểm. Vì vậy, ngư dân cần xác định mua bảo hiểm chính là trang bị cho mình “cái phao”.
Trắng tay sau vụ cháy tàu
Nghề đánh bắt, khai thác hải sản trên biển đòi hỏi đầu tư lớn về phương tiện và ngư cụ. Trong những năm qua, với kỳ vọng vươn khơi đánh bắt hải sản vùng biển xa, nhiều ngư dân đầu tư hàng chục tỷ đồng để sắm tàu to, máy lớn, lắp đặt các hệ thống hỗ trợ đánh bắt hiện đại… nhằm đạt sản lượng đánh bắt lớn và giá trị hải sản cao hơn.
Song nghề lênh đênh trên biển này luôn đối mặt với nhiều rủi ro trước sóng to, gió lớn và những sự cố không mong muốn khác. Không những vậy, tàu thuyền có thể gặp rủi ro bất kể lúc nào, ở đâu, kể cả khi đã neo đậu vào bờ. Mỗi khi tàu thuyền gặp rủi ro, nếu như chủ tàu không mua bảo hiểm thì xem như trắng tay. Vụ cháy 5 tàu cá một lúc vào đêm 28/7 là ví dụ.
Vụ hoả hoạn nghiêm trọng làm cháy một lúc 5 con tàu công suất lớn của ngư dân huyện Quỳnh Lưu vừa qua đã gây thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, con số thiệt hại hơn 20 tỷ đồng của 5 con tàu là đã khấu hao sau mấy năm đưa vào khai thác, nếu tính theo thời điểm đóng mới là trên 30 tỷ đồng. Nguyên nhân xảy ra hoả hoạn bước đầu các cơ quan chức năng xác định là do chập điện trên 1 con tàu, sau đó ngọn lửa cháy lan sang 4 con tàu khác. Hậu quả cả 5 con tàu bị cháy hoàn toàn, không thể khắc phục được.
Tìm hiểu được biết, trong số 5 con tàu cá bị cháy vừa qua, chỉ có 1 tàu cá BKS NA-95656-TS của chủ tàu Trần Văn Đoàn ở xã Sơn Hải có mua bảo hiểm, số 4 tàu cá còn lại không mua bảo hiểm, hậu quả là hàng chục thuyền viên chỉ trong chốc lát lâm vào cảnh trắng tay.
Ngư dân Bùi Minh Năm ở xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Long cùng chung vốn đầu tư tàu cá BKS NA 99696 được đóng theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67/CP, cho hay: Tổng trị giá con tàu trên 11 tỷ đồng đã được đưa vào khai thác 6 năm nay, giờ tàu cháy hết, lại không mua bảo hiểm tàu cá, nên giờ không biết tính sao đây, trước mắt là trắng tay.
Là chủ tàu duy nhất trong số 5 con tàu bị cháy đã được mua bảo hiểm, ngư dân Trần Văn Đoàn ở xóm 6, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cho biết, tàu đóng theo Nghị định 67/CP có tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng, trong đó phía Ngân hàng Công thương Bắc Nghệ An cho vay 5,7 tỷ đồng, số tiền còn lại do 7 thuyền viên góp vốn. Sau 7 năm đi vào hoạt động, chúng tôi đã trả nợ ngân hàng được hơn 3,5 tỷ đồng, hiện số tiền còn vay ngân hàng là 2,2 tỷ đồng, thì tàu gặp hoả hoạn, hư hỏng hoàn toàn.
Rất may, trước đó con tàu của chúng tôi đã mua bảo hiểm thân tàu, nên hy vọng có khoản tiền bảo hiểm bù đắp thiệt hại. Nếu không mua bảo hiểm thân tàu, thì sau vụ cháy tàu này, không những không có phương tiện để làm nghề, mà còn lấy tiền đâu để trả nợ cho ngân hàng.
“Ngay sau khi xảy ra cháy tàu, gia đình đã được chính quyền địa phương và công ty bảo hiểm hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị thanh toán bảo hiểm theo quy định, hiện nay đang chờ một số giấy tờ của các cơ quan chức năng về kiểm tra, khám nghiệm vụ cháy”, ngư dân Trần Văn Đoàn cho hay.
Cần quan tâm mua bảo hiểm tàu cá
Nghệ An hiện có 3.469 tàu cá, với tổng công suất 654.224 CV, trong đó, số tàu cá trên 15m có 1.762 chiếc. Số tàu cá công suất lớn thường xuyên đánh bắt xa bờ cũng là số tàu dễ gặp rủi ro nhất. Do đó, để yên tâm hơn trong quá trình đánh bắt, chủ tàu cần chủ động mua bảo hiểm thân tàu.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV về thông tin tàu cá được mua bảo hiểm cho thấy, số lượng tàu cá được mua bảo hiểm không nhiều so với tổng số tàu cá hoạt động trên toàn tỉnh. Đại diện Công ty Bảo hiểm BSH chi nhánh Nghệ An cho biết, hàng năm số lượng chủ tàu mua bảo hiểm tàu cá chưa được nhiều; riêng tại đơn vị hiện chỉ có gần 150 khách hàng mua bảo hiểm tàu cá. Ngoài ra còn một số công ty bán bảo hiểm tàu cá khác, nhưng số lượng khách hàng mua bảo hiểm tàu cá cũng rất ít.
Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Chiếc tàu cá dù to lớn đến chừng nào đi nữa nhưng giữa biển khơi mênh mông cũng hết sức bé nhỏ, nhất là khi mùa biển động. Đối với hoả hoạn, do đặc thù trên khoang tàu là những vật liệu dễ cháy, cùng đó khối lượng nhiên liệu lớn, nên khi xảy ra hoả hoạn là ngọn lửa bùng phát rất nhanh, chỉ trong ít phút là cả con tàu bị thiêu rụi. Vì vậy, vẫn còn đó những bài học đáng tiếc về tai nạn trên biển và hoả hoạn kinh hoàng trên tàu cá.
Đối với thuyền viên trên tàu đánh cá, theo quy định bắt buộc các chủ tàu phải mua bảo hiểm, nhưng đối với thân vỏ tàu là không bắt buộc. Chính vì lẽ đó, nhiều chủ tàu chủ quan không mua bảo hiểm tàu thuyền, khi có rủi ro như cháy, chìm tàu… là thiệt hại nặng nề về tài sản, khi đó ngư dân trở nên trắng tay.
Các công ty bán bảo hiểm tàu cá cần quan tâm và có trách nhiệm với khách hàng đã mua bảo hiểm sau khi gặp nạn. Thực tế cho thấy, những năm qua, việc xử lý các vụ việc tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển, mặc dù đã mua bảo hiểm thân vỏ, nhưng phía bảo hiểm chậm giải quyết, hoặc gây khó dễ, đã làm mất lòng tin với ngư dân. Do vậy, các công ty bán bảo hiểm tàu thuyền cần có thái độ trách nhiệm cao đối với ngư dân sau khi mua bảo hiểm, nhằm tạo niềm tin để bà con ngư dân có chỗ dựa mỗi khi gặp rủi ro.
Để đóng được con tàu cá công suất lớn, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, ít cũng vài tỷ đồng, nhiều lên đến hàng chục tỷ đồng; mỗi khi xảy ra hoả hoạn trên tàu là ngư dân thiệt hại nặng nề. Thực tế từ vụ cháy tàu cá nghiêm trọng vừa xảy ra khi đang neo đậu tại Cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cần quan tâm đến bảo hiểm tàu cá./.