Mùa Đông nhớ mẹ
(Baonghean) - Sáng nay, cậu bạn comment trong facebook: “Mùa đông nhớ má!”. Cậu bạn người miền Nam, gọi mẹ là “má”. Còn mình người miền Trung, vẫn gọi mẹ là mẹ. Đọc xong comment của cậu bạn, tự dưng hai cánh mũi ngùi ngùi, cay cay.
Thời điểm này ở quê, trời đã lạnh lắm rồi. Mỗi khi nói hay thở, hơi lại bay ra lờ mờ như sương như khói. Cái lạnh đã bủa vây lên tất cả. Lạnh thấu xương thấu thịt. Đến mức, ước mơ lớn nhất của mọi người có lẽ là được nằm trên giường, trùm chăn kín mít và ngủ tù tì từ ngày này qua ngày khác. Nằm ngủ trên giường như vậy mà không phải ra ngoài làm gì.
Nhưng ước mơ thì vẫn chỉ là ước mơ vì ở quê, khi mùa đông tới cũng là lúc mùa cấy về. Mẹ và bà con nông dân chỉ biết trông chờ vào hạt lúa củ khoai thì sao có thể để đồng đất bỏ hoang mà ở nhà trùm chăn kín mít và ngủ từ ngày này qua ngày khác được. Mùa cấy đang đợi mẹ và những người nông dân chân lấm tay bùn. Đi cấy vụ năm còn đỡ, nắng một tí nhưng cũng chịu được. Gió Lào oanh tạc một tí cũng chịu được. Còn đi cấy vụ này thì... lạnh chết khiếp!
Hồi nhỏ, mình cũng đã từng ra đồng nên thấm thía hơn ai hết nỗi vất vả của mẹ và những người nông dân. Đi cấy mùa đông, để chống lại cái lạnh, mẹ và mọi người thường quấn rất nhiều quần áo trên người, thêm cả tấm ni lông vào nữa. Ấy vậy mà vẫn lạnh. Mùa này, thường đi cấy muộn hơn. Nhưng dù muộn đến cỡ nào vẫn không tránh khói cái giá buốt mỗi khi ngắt từng giẻ mạ rồi cắm xuống bùn, thêm cái nước xâm xấp cũng thun cả thịt da. Nước gì mà cóng thế không biết. Ở dưới ruộng một lúc thôi, người đã run lập cập, hai hàm răng đánh vào nhau lộp cộp. Hai tay dường như cũng đờ theo. Ở quê mình, mùa cấy thường đến vào dịp cuối năm. Bởi vậy, dù trời rét căm căm nhưng mẹ và bà con nông dân vẫn phải tất tả ra đồng cấy lúa những mong việc đồng áng sớm kết thúc để còn về đi chợ sắm Tết, đón chào một năm mới đến. Năm nào cũng như năm nào, cứ như thể tạo hóa đã quy định cho mẹ và những người nông dân như vậy. Vậy mà mẹ và những người nông dân vẫn cam chịu, vẫn lam lũ để những đứa con được bay cao, bay xa.
Mình nhớ những đêm mùa đông, bầu trời tối đen như mực, gió vẫn ầm ào thổi, lũy tre làng xào xạc âm hưởng khô khan. Những đêm mùa đông như thế, mẹ bao giờ cũng là người chuẩn bị sẵn một chậu thau hỏng rồi chất củi vào đốt cho mọi người trong nhà ngồi sưởi. Ngọn lửa được đốt lên, sưởi ấm lòng tất cả mọi người, sưởi ấm khắp gian nhà. Mình nhớ những đêm như vậy, mẹ thường hay hát ví, giặm cho mấy anh em cùng nghe. Những làn điệu bổng trầm, giống như một lời thủ thỉ: “Phụ tử tình thâm. Công thầy rồi nghĩa mẹ. Đừng có tiếng tăm chi nặng lời. Đừng cả tiếng dài hơi. Nói mẹ cha sao nên. Mà cãi mẹ thầy sao phải”. Những làn điệu ví, giặm không đơn thuần chỉ để hát, mà còn nhắc nhở mấy anh em về bổn phận làm người.
Giọng mẹ không thể so sánh với những nghệ sỹ như Hồng Lựu, Hồng Năm nhưng với anh em mình đó là cả một gia tài vô giá cho đến khi lớn lên. Cả nhà vẫn ngồi xung quanh ngọn lửa, cười nói vui vẻ đến lúc ngọn lửa tàn mới đi ngủ. Vào mùa này, mẹ luôn luôn trải rơm dưới chiếu để mọi người được ấm hơn. Mà quả thực, được nằm trên “đệm rơm” mình cảm thấy êm êm và ấm hơn rất nhiều. Những đêm như thế mình ngủ một mạch tới sáng, trong giấc ngủ phảng phất hương vị nồng nồng, ngai ngái của những cọng rơm…
Giờ ở Sài Gòn không có mùa đông, nhưng sao chiều nay lòng mình bỗng nhiên thấy lạnh và trống trải quá chừng! Thèm được chạy về và sà vào lòng mẹ, tận hưởng hơi ấm thân thương của tình mẫu tử. Nhưng rồi chợt nhận ra, quê và Sài Gòn đang ở cách xa lắm. Chẳng biết làm gì hơn, chỉ biết thốt lên: Nhớ mẹ quá, mẹ ơi!
Hồ Huy Sơn
Quỳnh Yên - Quỳnh Lưu