Mưa phùn trên núi

Tận sang tháng 12 thì cái cảm giác mùa Đông mới rõ nét. Những cơn gió hun hút, rít ù ù như tiếng thở của người khổng lồ; nhiệt độ giảm nhanh vào lúc chập tối; và lây phây mưa. Năm nay mùa Đông đến muộn, và vì thế cái cảm giác về mùa Thu cứ dài mãi, dài mãi. Chăn ấm nằm đến sốt ruột trong những ngăn tủ, giày tất khăn mũ cũng đều thao thức chờ tới lúc được dùng đến. Mùa, sự hiện diện, thế chỗ, giao thoa, tạm biệt… của chúng luôn mang lại một cảm giác lưu luyến kì lạ, dù rằng chắc chắn tầm này sang năm sẽ gặp lại, như một người bạn cũ, thân quen, yêu mến.

Tôi nhớ những mùa Đông dài lê thê ở trên núi. Năm ấy trời rét đậm từ rất sớm. Hay là trên núi cao rét sớm hơn nhỉ? Trời mưa, mưa nhỏ nhưng dày hạt, và lạnh buốt. Mưa ở trên ngọn núi ấy đã kéo dài cả tuần. Trong căn bếp nhỏ đầu hồi, giáp với lớp học, một cô giáo đang địu con trên lưng, và ngồi hong những chiếc quần em bé tè dầm, giặt không cách nào khô được. Trời mưa và ẩm, củi cũng không cháy đượm được, khói mù mịt. Hong thế kia thì bao giờ mới khô? Tôi hỏi. Cô giáo nói: Thì em cũng cứ phải hong thôi, còn hơn là phơi ngoài kia. Ngoài kia tức là ngoài hiên. Mưa hắt vào tận vách. Những cơn mưa bụi rơi buồn bã, kiên nhẫn, không biết mỏi mệt là gì.

Đây là một điểm trường. Cô giáo quê ở Nghệ An. Quê tận Nghệ An mà sao ra tận đây để dạy học, lại còn leo lên tận nơi heo hút này? Tôi lại hỏi, mà tự thấy giọng mình nghẹn lại. Em đi cùng chồng. Bọn em học cao đẳng sư phạm cùng nhau, và cùng lên đây một năm. Giờ cậu ấy ở đâu? Ở một điểm trường khác, cách đây tám cây số chị ạ. Vậy thì… Tôi định hỏi bao lâu vợ chồng con cái mới gặp nhau một lần nhưng lại thôi. Lòng dạ tự dưng chùng xuống, trĩu xuống.

Từ đây về đến quê của cô ấy là gần một nghìn cây số. Tầm trăm mấy chục cây gì đó. Cô giáo không nói giọng Nghệ An. Ở đây mà nói giọng Nghệ An thì học sinh nghe không hiểu, tiếng Kinh là một thứ thách thức rồi, lại còn Kinh Nghệ An nữa thì chắc học sinh bỏ về hết. Chỉ khi nào gặp đồng hương mới nói thôi chị ạ. Em nhớ giọng quê em lắm.

Cô giáo hạ giọng nói rất nhỏ. Tôi nghe như có nước mắt. Phải rồi. Nhớ biết bao nhiêu thứ tiếng mẹ cha, ông bà, quê hương đã bao lâu không được nói.

Mưa vẫn lặng lẽ rơi, rất chậm chạp. Mưa vô cảm nên mới xuyên vào lòng người xa quê nỗi nhớ nhức nhối không có cách nào giảm bớt. Tôi im lặng, đưa bàn tay vừa hơ chút hơi ấm từ bếp lửa nắm tay em bé đang thò ra từ trong địu của mẹ. Muốn nói, sắp tết rồi. Cố lên nào. Tết sẽ về với cha mẹ, ông bà. Năm nay nhà sẽ vui hơn vì có thêm em bé đấy, cô giáo ạ.

Kỹ thuật: Chôm Chôm