Mùa Tết, mỗi ngày người làm bánh đa sắn ở miền núi thu nhập nửa triệu

Thái Hiền 23/01/2018 12:35

(Baonghean.vn) - Những ngày này không khí ở làng bánh đa làm từ nguyên liệu sắn Hùng Sơn (Anh Sơn) trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường.

Những ngày này không khí sản xuất ở làng bánh đa sắn Hùng Sơn trở nên nhộn nhịp hơn bởi đây là thời điểm chính vụ làm bánh. Ảnh: Thái Hiền
Những ngày này không khí sản xuất ở làng bánh đa sắn Hùng Sơn trở nên nhộn nhịp hơn bởi đây là thời điểm chính vụ làm bánh. Ảnh: Thái Hiền

Về làng bánh đa sắn Hùng Sơn những ngày này, đâu đâu cũng thấy bà con tất bật, người tráng bánh, người phơi bánh rồi đóng gói. Dưới bàn tay của những người nông dân, món bánh đa phủ hạt vừng đen hòa quện với bột sắn bùi bùi làm nên một món ăn dân giã nhiều người ưa thích.

Nhanh tay đỡ chiếc bánh đã tráng chín trên bếp xuống, chị Đinh Thị Hoa, thôn 9, xã Hùng Sơn chia sẻ: Người dân làm bánh đa sắn bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Ban đầu đây chỉ là nghề phụ của người dân, dần dần được nhiều gia đình tham gia làm.

Mỗi ngày, 2 mẹ con chị Đinh Thị Hoa ở thôn 9, xã Hùng Sơn tráng được 500- 600 chiếc nhưng vẫn không đủ bán, với giá nhập 1.400 đồng/ cái, sau khi trừ chi phí mỗi ngày cho gia đình chị thu nhập xấp xỷi 500 ngàn đồng. Ảnh: Thái Hiền
Mỗi ngày, 2 mẹ con chị Đinh Thị Hoa ở thôn 9, xã Hùng Sơn tráng được 500 - 600 chiếc nhưng vẫn không đủ bán, với giá nhập 1.400 đồng/ cái, sau khi trừ chi phí mỗi ngày cho gia đình chị thu nhập xấp xỷi 500 ngàn đồng. Ảnh: Thái Hiền

Bánh đa sắn là một sản phẩm thể hiện sự công phu, khéo léo và tinh tế của người dân vùng tả ngạn sông Lam này.

Với gia đình chị Hoa, bánh đa sắn đang mang lại nguồn thu quan trọng trước dịp Tết Nguyên đán. Mỗi ngày, 2 mẹ con chị Hoa tráng được 500 - 600 cái bánh nhưng vẫn không đủ bán, với giá nhập 1.400 đồng/cái, sau khi trừ chi phí mỗi ngày gia đình chị thu nhập xấp xỉ 500 ngàn đồng.

Nguyên liệu chính làm bánh đa là sắn mì loại ngon, được chọn lựa kỹ từ những củ ít xơ, mập, căng tròn sau đó rồi xay nhuyễn. Ảnh: Thái Hiền
Nguyên liệu chính làm bánh đa là sắn mì loại ngon, được chọn lựa kỹ từ những củ ít xơ, mập, căng tròn. Ảnh: Thái Hiền

Để làm nên những chiếc bánh đa sắn đậm đà hương vị quê hương, thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng thực ra lại đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nếu như món bánh đa thường thấy được làm từ nguyên liệu bột gạo thì bánh đa của bà con Hùng Sơn được làm từ sắn mì loại ngon do người dân tự trồng. Củ sắn để làm bánh được lựa chọn kỹ càng và phải đảm bảo các yêu cầu như: ít xơ, mập, căng tròn. Sắn được làm sạch rồi xay nhuyễn. Hỗn hợp bột sắn sau khi xay cùng với nước tạo thành bột mịn, trắng muốt, sau đó thêm vừng đen, gia vị, trộn lẫn và nhào đều. Gia vị được gia giảm tùy vào bí quyết nghề của mỗi nhà.

Hỗn hợp bột sắn sau khi xay cùng với nước tạo thành bột mịn, trắng muốt, sau đó thêm ít vừng đen, gia vị, trộn lẫn rồi nhào đều. Gia vị được gia giảm tùy vào bí quyết của mỗi nhà nghề. Ảnh: Thái Hiền
Hỗn hợp bột sắn sau khi xay cùng với nước tạo thành bột mịn, trắng muốt, sau đó thêm ít vừng đen, gia vị, trộn lẫn rồi nhào đều. Gia vị được gia giảm tùy vào bí quyết của mỗi nhà. Ảnh: Thái Hiền

Chị Trương Thị Mỳ, thôn 9, xã Hùng Sơn chia sẻ: Nghề làm bánh đa tuy không nặng nhọc nhưng cũng phải thức khuya dậy sớm, từ 3h sáng đã bắt đầu tráng bánh, công việc kéo dài tới quá trưa, ăn trưa lúc 2h chiều là chuyện thường tình. Mỗi ngày, một mình chị cũng làm được ít nhất 300 cái, nhiều là 500 cái. Trừ chi phí mỗi ngày cũng cho chị nguồn thu từ 300 - 400 ngàn đồng. Theo chị Mỳ, để có được chiếc bánh thơm ngon thì khâu quan trọng nhất là tráng bánh, cách làm không khác tráng bánh cuốn là mấy, nhưng tráng bánh đa sắn phải dày hơn, độ chín của bánh đa cũng cần phải kỹ càng hơn.

Hiện nay ở xã Hùng Sơn có hơn 40 hộ dân ở thôn 6, 8, 9 làm nghề bánh đa sắn, nhiều nhất là ở xóm 9 có hơn 30 hộ theo nghề. Ảnh: Thái Hiền
Hiện nay ở xã Hùng Sơn có hơn 40 hộ dân theo nghề. Ảnh: Thái Hiền

Hiện nay ở xã Hùng Sơn có hơn 40 hộ dân ở thôn 6, 8, 9 làm nghề bánh đa sắn, nhiều nhất là ở xóm 9 có hơn 30 hộ theo nghề. Bánh đa sắn Hùng Sơn hiện nay không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn Anh Sơn mà còn ở khắp nơi trong tỉnh như: Con Cuông, Đô Lương, Nam Đàn. Bánh đa sắn được nhập với giá 1.300 - 1.500 đồng/cái, ngoài bán bánh sống, nhiều hộ dân còn nướng bánh chín để bán với giá 2.500 đồng/cái. Từ củ sắn trong vườn, đồi, người dân xã Hùng Sơn đã chế biến ra những chiếc bánh đa thơm ngon, hấp dẫn, có vị bùi, ngọt, giòn và thơm dịu khiến người ta cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc trên vùng đất quê.

Mới nhất

x
Mùa Tết, mỗi ngày người làm bánh đa sắn ở miền núi thu nhập nửa triệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO