Mưa ‘vàng’ giải nhiệt, cứu cây trồng ở Nghệ An khỏi khô hạn
(Baonghean.vn) -Từ tối qua (1/5), một số địa phương trong tỉnh có mưa vừa đến mưa to. Sau đợt nắng hạn đỉnh điểm gay gắt, cơn mưa được ví như vàng khi cấp nước tưới, cứu nhiều diện tích cây trồng khỏi khô hạn, chết cháy…
Đợt nắng nóng đỉnh điểm vào cuối tháng 4 khiến gia đình chị Nguyễn Thị Hương (xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn) phải rất vất vả, tốn kém để tưới nước cho 2ha cam Xã Đoài lòng vàng.
Chị Hương cho biết: “Cam đang vào thời kỳ dưỡng quả, do đó, việc cung cấp đủ nước rất quan trọng, quyết định chất lượng, năng suất khi thu hoạch. Nắng nóng đỉnh điểm, dù đã rất cật lực để tưới cam song cũng không ăn thua. Tốn công, tốn tiền điện, tốn nước tưới song cũng chỉ đủ duy trì sự sống cho cam. Cơn mưa vào chiều tối 1/5 quả thực là “mưa vàng”, sau mưa, cây cam “tỉnh” hẳn, tươi xanh trở lại”.
Chiều 1/5, trên địa bàn huyện Con Cuông cũng đã có mưa to kéo dài từ 16h20 đến 19h30. Sau chuỗi ngày nắng hạn gay gắt, cơn mưa này đối với người nông dân rất có giá trị khi diện tích cây trồng từ chè, cam, hoa màu, lúa đến tre, mét… đều được tưới tắm, thoát khỏi khô hạn. Tuy nhiên, do mưa to nên một số diện tích lúa đang thời kỳ chín vàng mơ bị ngã đổ.
Chị Lô Thị Tâm, chuyên viên phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông cho biết: “Mưa to, nhưng may mắn là không có lốc, không có mưa đá nên thiệt hại do mưa không nhiều, chỉ số ít diện tích lúa ngã đổ, một vài điểm sạt lở. Bù lại, cơn mưa đã tưới tắm cho nhiều diện tích cây trồng thoát khỏi chết cháy vì khô hạn”.
Ở Diễn Châu, một số địa phương cũng bắt đầu có mưa rải rác. Lượng mưa không nhiều, không kéo dài song cũng đủ để không khí mát mẻ trở lại. Và đặc biệt, có mưa nên nhiều diện tích lạc của người dân ở các xã Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn Hùng, Diễn Kỷ… đang thời kỳ thu hoạch đã được làm ẩm, đất mềm ra và dễ nhổ hơn.
Sáng 2/5, tranh thủ thời tiết mát mẻ, đất còn ẩm nên bà con các địa phương đã ra đồng nhổ lạc. “Nhờ có đợt mưa mà đất ruộng đỡ khô cứng, lạc nhổ dễ dàng hơn, đỡ phải tốn thêm tiền mua nước bơm tưới làm ẩm ruộng trước khi thu hoạch”, chị Thu, nông dân xóm Minh Đức (xã Diễn Thịnh) cho biết.
Ở Thanh Chương, trong tối 1/5 và sáng 2/5 đã có mưa rào và dông ở một số địa phương. Mặc dù mưa không lớn, không kéo dài song đã góp phần chống hạn cho cây trồng, nhất là diện tích lúa, rau màu.
“Ở Thanh Tiên, cơ bản đủ nước tưới, chưa đến nỗi khô hạn. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài nên việc tưới cũng không mang lại hiệu quả tối ưu cho cây trồng. Có mưa, không khí mát mẻ nên cây trồng như: rau, mướp… hồi xanh rất nhanh. Nhất là diện tích mướp lấy xơ, bí đang thời kỳ ra hoa, đậu quả”, ông Dương Đắc Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tiên cho biết.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, trong vài ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Đợt mưa vào đúng thời gian cao điểm của vụ khô hạn giúp gần 50.000 ha cây ăn quả bưởi, cam, ổi… của địa phương đang bước vào thời điểm dưỡng trái - thời điểm quan trọng để cây trồng tích lũy dinh dưỡng quyết định năng suất mùa vụ. Các loại cây trồng khác như rau màu, lúa cũng đang cần nước để thoát khỏi hạn hán.
Ngoài giúp cây ăn quả và hoa màu được tưới mát, trận “mưa vàng” cũng đã giúp trên 1 triệu ha rừng trên địa bàn tỉnh giải tỏa “cơn khát”, mưa đã làm tăng độ ẩm, hạ nhiệt, làm giảm cấp báo động cháy rừng ở các địa phương trong tỉnh.
Đồng thời, bổ sung nguồn nước cho các sông, suối, cung cấp nước tưới cho đồng ruộng, khôi phục các diện tích cây nông nghiệp trước nguy cơ hạn hán.
Theo bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết của Đài Khí tượng thuỷ văn Khu vực Bắc Trung Bộ từ 2-10/5/2024:
Tại Nghệ An, ngày 2/5, áp cao lục địa tăng cường yếu sau suy yếu nén và làm đầy dần rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc Trung Bộ, kết hợp với vùng hội tụ gió trên mực 1500m; Ngày 3 - 11/5, hình thành rãnh thấp nối với vùng áp thấp phía Tây có trục ở khoảng 24-27 độ vĩ Bắc, khoảng chiều tối ngày 4/5, ngày 5/5 rãnh áp thấp này bị nén và đẩy xuống phía Nam đầy dần lên bởi bộ phận tăng cường yếu ở phía Bắc. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có xu hướng rút chậm ra phía Đông; vùng hội tụ gió trên mực 1500m duy trì trên khu vực Bắc Bộ.
Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.