Mùa xuân, niềm tin và hy vọng

MÙA XUÂN, NIỀM TIN VÀ HY VỌNG

Một vài lần, tôi gặp trong ánh mắt những nhân vật của mình sự ấm áp và tinh anh khi họ nói: “Thế hệ chúng tôi sống bằng niềm tin”. Và trong câu chuyện của những người đã đi qua những tháng ngày lịch sử, tôi biết rằng, niềm tin, hy vọng, đó là sức mạnh để làm nên con đường mùa xuân.

1. Cô Lê Thị Thu Nguyệt, nhân vật chính trong truyện ký Nụ cười Chim Sắt của tôi có lẽ là người sẻ chia với tôi nhiều niềm vui, nỗi buồn cuộc sống nhất. Không chỉ là mối quan tâm của tác giả và nhân vật, giữa cô và tôi có sự kết nối giữa tình cô – cháu, tình cảm của người đi trước và người đi sau… Những câu chuyện cô kể, thường là chuyện của hàng chục năm về trước nhưng vẫn luôn có sức hấp dẫn với những người trẻ.

Một lần, tôi và một cậu bạn 8X ghé nhà cô, được cô cho xem nhữngg bức thêu tay đã nhuốm màu thời gian nhưng thật đẹp. “Nè Hương, cái tấm rộng thiệt rộng này là cô thêu hồi ở tù Côn Đảo. Tính để dành làm khăn trải bàn tiệc cưới”. Cậu bạn tôi hỏi: “Trước khi ở tù đã có người ngỏ lời với cô rồi à?”. “Chưa con, hồi đó còn chưa được hai mươi tuổi, còn chưa biết yêu, lấy ai mà ngỏ lời”. Chúng tôi lặng đi vài giây, ôi những chị, những mẹ trong câu chuyện về những bức tranh thêu ở tù của cô – người ta thêu hình mẹ ôm con, mẹ ngóng ra song sắt nhà tù nhìn con đang cầm một nhành hoa; những cô gái Sài thành tuổi còn son, ngồi tù với cái án chung thân vẫn mơ mộng thêu khăn rải bàn tiệc cưới. Cô gái thanh xuân ngày xưa mang trên mình án chung thân vì tham gia biệt động, cài bom trên máy bay Mỹ, ngồi trong song sắt chuồng cọp thêu một vườn hồng mùa xuân với những đóa hoa tươi, những cánh bướm lượn rộn ràng trên mặt khăn trải bàn; cô gái ấy giờ đã là bà nội, khiến chúng tôi rưng rưng suốt một buổi chiều nắng đẹp.

Một trong những bài hát mà cô Nguyệt nói, tụi cô vẫn hát khi ở tù và hát cho tới cả khi về già là Bài ca hy vọng: “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân…” Trời ơi, niềm hy vọng nó đẹp biết mấy – cô vẫn thường nói vậy khi nhắc về bài hát. Khi tôi vào chiến khu D., cô hướng dẫn viên ở chiến khu giọng trầm xuống khi kể, trong những cơn đau thật tử nhất sinh, thuốc giảm đau không còn, người chiến sĩ phải chịu xẻ thịt cắt da đau thấu óc, lúc ấy, bài ca hy vọng cất lên nhằm xoa dịu vết thương đau.

Bức ảnh nữ công nhân
Bức ảnh nữ công nhân

2. Tôi bỗng nhớ một đêm mất ngủ, mò mẫm trên một fanpage dành cho giới trẻ đã bắt gặp nội dung cảm động về một bức hình với mong muốn tìm người thân liệt sỹ. Bức ảnh chụp một phụ nữ đang đứng dệt vải, ánh mắt cô nhìn thẳng đầy tin tưởng, gương mặt tròn căng tuổi thanh xuân. Và sau bức hình ấy, bài thơ tình thời kháng chiến “Đợi anh về” của Khương Hữu Dụng. Bài thơ ra đời 1967, bức hình ấy đề năm 1968 – là thời điểm ác liệt của cuộc chiến tranh thần thánh.

Bức hình nằm trong túi áo của một người liệt sĩ, được bọc kín trong nilon nên không bị hư hại sau hàng chục năm. Người trong ảnh là một nữ công nhân tuổi còn  rất trẻ, tay cầm chiếc thoi dệt vải. Mặt sau của ảnh có bài thơ chép tay “Đợi anh về”…

Thông tin được Cựu chiến binh Đặng Minh Phương, người lưu giữ bức ảnh này cung cấp. Nhiều năm qua, ông vẫn đau đáu với ước mong tìm lại người trong ảnh và gia đình liệt sĩ nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Về sau, kỷ vật được cựu chiến binh Phương trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Thượng tá Trần Thanh Hằng, cán bộ đã nghỉ hưu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã chia sẻ lên mạng câu chuyện phiá sau một bức hình. Cũng như nhiều đồng nghiệp, bà mong tìm được hoặc có thông tin về người phụ nữ trong ảnh để tìm thân nhân cho liệt sĩ… Bức ảnh ấy, những câu thơ đẹp chân phương phía sau bức hình khiến giới trẻ 8X, 9X rơi nước mắt:

“…Tay vít một nhành hoa
Níu áo mùa xuân hỏi:
Vì người công tác xa
Xuân ơi xuân có đợi?

Xin một nụ trên cành
Ủ kín vào thương nhớ
Em để dành mùa xuân
Đợi anh về mới nở”…

Đã có những hoàn cảnh, niềm tin về người ở lại luôn song hành với niềm tin vào ngày hòa bình, làm nên sức mạnh cho người trai chân cứng đá mềm. Ngay sau khi chia sẻ lên mạng, câu chuyện về bức ảnh người con gái “Đợi anh về” dù đã qua gần nửa thế kỷ trên đã thu hút hàng nghìn lượt like, hàng trăm lần chia sẻ bình luận của dân mạng. Những người trẻ viết tiếp một niềm hy vọng tìm lại được cô gái trẻ trong bức hình, thân nhân của liệt sĩ. Một bình luận của bạn trẻ khiến tôi thẫn thờ một lúc: “Đọc xong bài thơ cái cảm giác bồi hồi, nghèn nghẹn ở trong lồng ngực. Bỗng thấy cuộc sống bây giờ xô bồ nên tình yêu cũng sớm nở rồi sớm tàn. Yêu nhau chóng vánh, kết hôn chóng vánh rồi ly hôn cũng nhanh như tia chớp trên trời trong cơn giông. Không thể nào như ông bà ta lúc xưa. Một ánh mắt, một cái nhìn, một lời hứa sẽ trở về là có thể sắt son vẹn toàn”.

Bài thơ
Bài thơ "Đợi anh về"

3. Khi nói về niềm tin và sự hy vọng, tôi thường nghĩ ngay tới chú Khoa. Chú Nguyễn Đăng Khoa (Nghệ An) được nhiều người gọi là người nghệ sĩ tài hoa nhất khi là thương binh hạng nặng nhưng chơi được tới 4 nhạc cụ cùng một lúc. Trong những giải thưởng cao nhất của liên hoan ca múa nhạc dành cho thương binh toàn quốc, năm nào cũng có tên chú ấy. Mỗi sáng mai thức dậy, khi trời còn mát dịu, chú thường ngồi thổi kèn, thổi sáo trước nhà. Bên chú là dăm ba cháu nhỏ háo hức nghe nhạc, gần đó là người vợ tảo tần, nét mặt đầy chân chim nhưng ánh mắt ấm, tươi, rạng rỡ.

Nhưng ít ai biết, ở những năm tuổi hai mươi, là giai đoạn đẹp nhất cuộc đời, chú từng sống trong những ngày chán nản cực độ khi chìm mải miết trong bóng đêm. Trước đó, học xong lớp 12, gác lại ước mơ làm anh kĩ sư điện tử, cậu học sinh giỏi Đăng Khoa đã tình nguyện lên đường vào Nam tiến. Cả tiểu đội chú hy sinh, chỉ còn lại chú với thân thể rách nát, hai mắt mù, xương gãy… phải cấp cứu.

Những ngày ấy thật đáng sợ, chú Khoa bị ám ảnh tới mức cứ trở mình dậy sau một đêm dài là chói tai bởi những tiếng la hét của những đồng đội bị thương nặng. Những tiếng hét ấy khiến những cơn đau của chú quặn buốt. Những lúc không có tiếng la hét, chú nghĩ về quê, về người vợ vừa cưới chưa kịp sinh con sau một lần về phép. Càng nghĩ lại càng thêm đau khi mặc định mình là người vô dụng, thừa thãi trong xã hội.

Điều lạ kì chấm dứt những ngày tồi tệ ấy, không ai ngờ lại là những sẻ chia của một nhạc sĩ. Trong một buổi sáng trở dậy, tiếng la hét gần như không có, chỉ có tiếng kèn harmonica dương với lời ca: “Ôi ngày ấy sẽ đến, anh sẽ về, sẽ về, phải không anh…”. Một niềm tin bất diệt trong một câu hát đầy cảm xúc. Khi những giai điệu dịu dàng ở câu ca cuối cùng: “Và anh nói tặng em mùa xuân”, thì chú nghĩ tới những nụ hoa tầm xuân dịu dàng vẫn mọc hoang bên dậu nhà. Chẳng ai tưới tắm, bón phân, chăm sóc nhưng những nụ hoa tưởng thừa thãi bên hàng rào ấy vẫn lặng lẽ toả hương, khoe chút sắc hồng làm mùa xuân thêm hương sắc, lòng người thêm rạo rực.

Chú Khoa đã quyết tâm học nhạc, nhiều thương binh cũng quyết tâm học nhạc sau buổi nói chuyện của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ngày ấy. Những sáng mai thức giấc của  họ không còn nhiều tiếng la hét khi họ biết lắng nghe nhiều hơn tiếng nhạc, tiếng hát. Họ tìm lại được niềm tin yêu vào cuộc sống, avò chính mình tưởng như bị bom đạn vùi dập mất. Họ cũng thấy cuộc sống nhẹ nhõm hơn khi lắng nghe những tiếng chim câu gù trên mái, khi hít hà một nụ hoa thơm vừa bung nở ban mai. Cũng như chú Khoa, họ trở về với gia đình, bắt đầu những công việc mới trong tâm trạng yêu đời.

Tôi vẫn nghĩ về niềm tin của “Có biết bao người con gái, con trai/ Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.” (trích thơ Nguyễn Khoa Điềm).

“Giản dị và bình tâm” mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhắc tới kia, dù trong mưa bom, bão đạn, tôi nghĩ sẽ không thể thiếu sức mạnh của niềm tin, của hy vọng. Chính bởi vậy, những câu chuyện về những người “con gái, con trai” thời kháng chiến chống Mỹ, tận hiến tuổi xuân của mình cho niềm tin và hy vọng về một mùa xuân Đất Nước vẫn mãi còn lay động giới trẻ thế hệ ngày nay và mai sau.