Muốn chống 'tự diễn biến' phải giữ cho Đảng trong sạch

14/03/2017 14:36

Hiểu được căn nguyên của “tự diễn biến”, khi đó việc giữ cho Đảng trong sạch chính là biện pháp chống tự diễn biến tận gốc sâu sắc nhất.

87 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho đất nước; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng tiếp tục đổi mới, chăm lo xây dựng Đảng, đặc biệt đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đây là đòi hỏi có ý nghĩa sống còn để giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng.

giu gin dang trong sach la bien phap chong tu dien bien sau sac nhat hinh 1
Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân (GS-NGND) Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Đảng là tổ chức do những người cách mạng kiên trung lập nên và đã có trang lịch sử vẻ vang trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Song, bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đan xen thời cơ và thách thức đòi hỏi Đảng cũng phải đổi mới, phát triển ngày càng tốt hơn, xứng đáng với niềm tin của nhân dân dành cho Đảng.

Theo GS-NGND Vũ Dương Ninh, Đảng phải vững mạnh về phẩm chất, đội ngũ, tổ chức và quan trọng là phải dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

GS-NGND Vũ Dương Ninh phân tích: “Nghị quyết Trung ương 4 là tổng hợp những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng Đảng nhưng để vận dụng vào hoàn cảnh hôm nay, thời kỳ hiện nay, chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn: khó khăn của thời bình, khó khăn thời mở cửa, khó khăn của việc mở rộng phạm vi trong nước cũng như thế giới. Với kinh nghiệm, bản lĩnh của Đảng, với sự đoàn kết của toàn Đảng, sự nhất trí từ Đảng cho tới Trung ương và quan trọng nhất là sự gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, giữ vững niềm tin của Đảng trong lòng quần chúng nhân dân”.

Đại hội XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), với trọng tâm là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng thẳng thắn chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Ông Phạm Xuân Hằng (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, thực tế này đã làm xói mòn niềm tin của nhân dân, làm giảm sút năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

“Lần này Trung ương xác định làm cho sâu hơn, kỹ hơn, hiệu quả hơn, nhưng quan trọng phải có giải pháp cụ thể thiết thực và chặt chẽ hơn, tăng thêm niềm tin của Đảng viên. Nếu chúng ta cứ dè dặt, trong ấm ngoài êm thì Nghị quyết lần này ban hành cũng không mang lại kết quả. Phải quyết liệt, thậm chí quyết liệt hơn nữa”, ông Phạm Xuân Hằng đề nghị.

Nghị quyết Trung ương 4 lần này đã chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Đảng viên không rèn luyện, suy thoái đạo đức lối sống thì sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bởi vậy, việc làm trong sạch Đảng, giữ gìn Đảng trong sạch vững mạnh chính là biện pháp chống “tự diễn biến” sâu sắc nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức.

“Người lãnh đạo cao nhất phải gương mẫu đi đầu. Đạo đức lối sống suy thoái chính là tự diễn biến, không phải diễn biến bằng lời nói mà diễn biến bằng chính hành động khi đảng viên không còn vai trò là người lãnh đạo nữa, không còn là đầu tàu gương mẫu trong cuộc sống. Hiểu được căn nguyên của tự diễn biến, khi đó làm trong sạch vững mạnh chính là biện pháp chống tự diễn biến tận gốc sâu sắc nhất”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức phân tích.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc khó khăn, phức tạp, là cuộc đấu tranh với chính mình nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của bản thân. Cuộc đấu tranh này cần có một quyết tâm chính trị cao nhất của toàn Đảng, toàn dân. Trong đó, gốc của việc giữ gìn sự trong sạch của Đảng là ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng của mỗi đảng viên; tấm gương của các cán bộ lãnh đạo, quản lý… Chỉ như vậy, Đảng mới tiếp tục vững vàng trong sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Muốn chống 'tự diễn biến' phải giữ cho Đảng trong sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO