“Muốn nhanh thì phải… từ từ”

Cuộc sống chưa một ngày thôi hối hả, chúng ta – những tế bào góp phần làm nên sự chuyển dịch đó không mấy khi có cơ hội để ngập ngừng cho những cân nhắc cầu toàn. Tuy nhiên, càng nhanh, càng thần tốc lại càng đòi hỏi sự chính xác. Vài giây chần chừ có thể tiễn đưa một cơ hội về nơi “an nghỉ cuối cùng”, nhưng một phút vội vàng lại có thể rước về muôn vàn tai họa. Nhanh, nhanh lên, nhanh nữa đi, nhưng… xin đừng vội! Dân gian thời hiện đại đã kịp thời “ban hành” câu ngạn ngữ “Muốn nhanh thì phải từ từ”.

Chuyện rằng, có 2 người đàn ông hiếu thắng nọ sáng nào cũng rủ nhau đạp xe vài vòng Vinh – Cửa Hội. Một ngày đẹp trời ông A thách đấu với ông B quãng đường 50 km vòng quanh thành phố Vinh xinh đẹp. Ông B vốn coi thường đối thủ mới buột mồm khích tướng “tôi chấp anh cái phanh”. Ông A nghe vậy liền hớn hở tháo phanh bỏ ra ngoài để quyết dạy cho ông bài học vỡ lòng về tốc độ. Ngày thi đấu, hai người chọn quảng trường trung tâm Vinh để làm điểm xuất phát. Lên xe, ông A hùng hùng hổ hổ cầm chắc phần thắng trong tay mới nghênh ngang rướn cổ đạp, ai ngờ đường thì đông quá mà xe ông lại không có phanh nên vừa đạp vừa run, thậm chí có đoạn ông phải nhảy xuống dắt bộ để… bảo toàn tính mạng. Phía ngược lại xe ông B có phanh nên cứ đạp vù vù, ông luồn, ông lách, mấy ngón tay ông kiêu ngạo khư khư trên cái phanh nhưng tuyệt nhiên chả phải sử dụng đến nó lần nào. Kết thúc cuộc thách đấu, ông B mới nói với ông A, “Sai lầm nhất của anh là đã bỏ đi cái công cụ làm chủ tốc độ. Nhanh mà không an toàn thì chết sớm”.

Kể chuyện này lại nhớ cách đây mấy năm tác giả bài viết này cũng đã có dịp đề cập đến cái phanh. Phanh là từ dùng chỉ cái bộ phận hãm tốc độ của phương tiện. Một chiếc xe đúng chuẩn tất nhiên phải có phanh, cũng như một lái xe đúng nghĩa tất nhiên phải biết phanh. Như vậy, theo logic thông thường thì phanh là vật dụng làm cho phương tiện chạy chậm lại. Sứ mệnh của nó là chống lại tốc độ. Thế nhưng, đôi khi cuộc sống lại đòi hỏi chúng ta phải bứt ra khỏi cái logic thông thường, bởi cái tư duy cũ mòn chỉ mang đến sự lặp lại phi sáng tạo. Để giải mã những đòi hỏi của cuộc sống, thì có lẽ bất kỳ lúc nào, bất kỳ người nào, cũng phải cần xem xét sự vật, hiện tượng dưới đồng thời các hệ quy chiếu khác nhau. Thực tế rất ít khi người ta nghĩ ngược lại, tức chẳng mấy ai cho rằng phanh chính là bộ phận quan trọng, thậm chí cực kỳ quan trọng trong việc làm cho phương tiện về đích nhanh hơn. Thực tế là vậy, đã là người khôn ngoan thì không ai dại gì mà cầm lái một chiếc xe không phanh, tất nhiên là đang nói chuyện một cái phanh cơ học!

Chúng ta đang sống trong xã hội, nghĩa là đang tự đặt mình vào những cỗ máy khác nhau, phương tiện khác nhau, trên cùng một hành trình chinh phục từng nấc thang cao hơn của cuộc sống. Mỗi “cỗ máy” ấy cũng cần có, nên có, bắt buộc phải có không chỉ những chiếc phanh mà cả những vị tài xế biết phanh, giỏi phanh. Thật quá nguy hiểm nếu trong cuộc sống chúng ta gặp, thậm chí rủi ro hơn khi không may chúng ta là nạn nhân của một cỗ máy không phanh nào đó. Mấy năm trước chúng ta quen tai với những cụm từ như: “lạm phát không phanh”, “bất động sản rớt giá không phanh”, “thị trường chứng khoán lao dốc không phanh”… Rất, rất nhiều, nhưng tất thảy những điều đó không phải xuất hiện ngẫu nhiên. Nó chính là hệ quả của một quá trình mà “các vị tài xế” khước từ cảnh báo để điều hành tăng trưởng một cách “không phanh” từ trước đó. Tạm thời loại bỏ những yếu tố tác động từ khách quan thì chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra những nguyên nhân chủ quan trong quá trình “cầm lái” của mình. Nợ xấu là con đẻ một thời thả phanh tín dụng, tồn kho là hậu quả của một thời thả phanh thị trường bất động sản, “cố phiếu trà đá” là hệ quả của nhiều năm thả phanh chứng khoán… rồi chuyện thuốc ung thư làm bằng than tre, chuyện cái va ly đựng 3 triệu đô trong nhà bộ trưởng, chuyện tướng tá bảo kê đánh bạc ngàn tỷ, chuyện ô nhiễm nguồn nước, chuyện đường sắt trên cao hay chuyện mua bám điểm… Thiết nghĩ, nếu chúng ta biết “rà phanh” sớm hơn, “làm chủ tốc độ” tốt hơn, chắc những vụ tai nạn vừa rồi cũng ít thảm khốc hơn.

Những cái phanh trong đời sống xã hội hiện diện mọi nơi, nhưng không phải lúc nào cũng được tiếp đón một cách hồ hởi. Những cái phanh ấy đôi khi là một luồng dư luận, cũng có khi nó là những lời tâm huyết của cử tri, một bài báo, một tiếng nói phản biện khoa học, một đoàn kiểm tra, một lần giám sát… thậm chí có thể là một con người cụ thể nào đó. Nhiều, rất nhiều những cái phanh đang hiện diện xung quanh cuộc sống của chúng ta, nó âm thầm cùng ta trong từng công việc.

Bài học “thả phanh” đang còn nguyên vẹn, hậu quả của việc ‘thả phanh” cũng chưa thể kết thúc trong ngày một ngày hai. Xin đừng lãng quên những cái phanh, cũng đừng coi nó là sự phiền toái. Hãy từng bước làm quen, trân trọng, rồi phân tích những ưu điểm mà nó sẽ mang lại, chúng tôi cho rằng, chắc chắn cái được sẽ nhiều hơn so với những gì mất đi. Cũng đừng nghĩ nó khó khăn và to tát, những cái phanh ấy có thể mộc mạc, thô ráp, thậm chí có khi cứng nhắc… Nhưng, nó không xấu, nó cũng không ở đâu xa, nó có thể ngay bên cạnh chúng ta… Chịu khó để ý một chút chúng ta sẽ thấy nó, trân trọng một tý chúng ta sẽ có nó. Nghĩa là chúng ta không mất đi một tài nguyên cả trí tuệ cũng như trách nhiệm. Thực tiễn cho thấy rằng, trên những con đường cao tốc ít xảy ra tai nạn, nhưng mỗi khi có tai nạn thì thường là những tai nạn thảm khốc.  Bởi vậy, càng tăng tốc độ chúng ta lại phải cần chú trọng đến những cái phanh, bỏ quên những cái phanh cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không làm chủ được tốc độ… hay nói một cách khác là chúng ta đang hành trình trong một trạng thái thiếu an toàn.

Trong cuộc sống không ít khi chúng ta gặp những lời than thở, những lời thúc dục thậm chí cả phàn nàn kiểu như “sao mà lò cháy chậm thế”. Thế nào là chậm và thế nào là nhanh ạ? Chậm mà chắc, câu nói “muốn nhanh thì phải từ từ” có vẻ hài hước và một chút mỉa mai, tuy nhiên cũng cần phải hiểu đúng hai chữ “từ từ”, trong trường hợp này! Từ từ không có họ hàng gì với lề mề, nhỉ? Từ từ là không vội vội, vàng vàng “mà vấp phải đá mà quàng phải chân”. Từ từ là để cân nhắc, là để chủ động để tóm con chuột mà cái bình vẫn an toàn. Ai chả muốn nhanh nhưng đôi khi “muốn nhanh cũng phải từ từ”.

Kỹ thuật: Chôm Chôm