Mỹ - Ấn: Thịnh tình có khỏa lấp bất đồng?
(Baonghean) - Nếu như vào tháng 9 năm ngoái, nước Mỹ đã chào đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bằng một cuộc mít tinh 50.000 người mang tên “Howdy, Modi” - “Xin chào ông Modi” thì ngày 24/2, Tổng thống Donald Trump cũng đã được đáp lễ bằng cuộc giao lưu và phát biểu trước 125.000 người trong sự kiện mang tên “Namaste Trump” có nghĩa là “Xin chào ông Trump”.
Những thịnh tình nồng ấm mà hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn dành cho nhau như một thông điệp rõ ràng gửi đến thế giới rằng, mối quan hệ “Trump - Modi” và “Washington - New Delhi” đang khăng khít hơn bao giờ hết. Thế nhưng, liệu “ngoài ấm nhưng trong có êm”? Và rằng, chuyến thăm lần này của Tổng thống Trump có thể xóa nhòa những khác biệt và bất đồng đang tồn tại giữa hai bên thời gian qua?
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân vận động Motera ngày 24/2. Ảnh: CNN |
Cặp đôi hoàn hảo
Buổi giao lưu chưa từng có tiền lệ với sự tham gia của hơn 120.000 người mang tên “Namaste Trump” - “Xin chào ông Trump” ngày 24/2 ở thành phố Ahmedabad đã mở đầu cho chuyến công du kéo dài 36 giờ của Tổng thống Mỹ đến Ấn Độ lần này. Chưa hết, cũng chưa từng có một chuyến thăm nào mà chính quyền Thủ tướng Ấn Độ phải lên kế hoạch đón tiếp kỹ càng, bỏ ra hàng triệu USD chỉ để tân trang lại cảnh quan thành phố Ahmedabad. Trong đó, phải kể đến bức tường dài 400m dọc đường từ sân bay đến sân vận động Motera chỉ để che tầm nhìn vào khu ổ chuột của thành phố, dù chính quyền phủ nhận và khẳng định, đây là kế hoạch đã được lên từ trước.
Thực tế, “tấm thịnh tình” của Thủ tướng Modi chẳng phải ngẫu nhiên, khi nhìn lại hồi tháng 9 năm ngoái, lịch sử Ấn Độ chưa từng ghi nhận một vị Thủ tướng nào thăm Mỹ lại được chào đón nồng hậu với một cuộc mít tinh của hơn 50.000 người. Và cũng chưa từng có vị Tổng thống Mỹ nào như ông Trump chào đón một vị khách mà “trống giong cờ mở” đến như vậy. Ai cũng hiểu, đây đều là những tiền lệ chính trị đối ngoại chưa từng có của 2 đồng minh Mỹ - Ấn hướng đến những mục tiêu chiến lược.
Đối với cá nhân ông Modi và ông Trump, việc cùng xuất hiện và phát biểu tại các cuộc mít tinh lớn như thế là thông điệp rằng, hai nhà lãnh đạo đang hết sức ủng hộ lẫn nhau. Chẳng thế mà phát biểu trước khi lên đường sang Ấn Độ, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng, Thủ tướng Modi là “một người bạn” của ông và ông mong đợi được đến với nhân dân Ấn Độ. Và trong bài phát biểu tại sân vận động Motera hôm qua, ông Trump đã liên tục “gửi lời yêu thương” đến người dân Ấn Độ rằng: “Chúng tôi cám ơn sự chào đón vô cùng nồng hậu này. Chúng tôi yêu các bạn. Chúng tôi yêu người dân Ấn Độ!”…
Băng rôn chào đón Tổng thống Donald Trump tại sân vận động Motera, Ấn Độ. Ảnh: AFP - Getty |
Trước đó nhìn lại ngay sau khi đắc cử, ông Trump đã bắt đầu có chiến lược xích lại gần hơn ông Modi và ngược lại, ông Modi cũng không bỏ lỡ cơ hội hâm nóng mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Mỹ. Về phần mình, thời gian qua, Tổng thống Trump đã không ngại bày tỏ quan điểm ủng hộ chính quyền Modi trong các quyết sách trong vấn đề Kashmir cũng như trong căng thẳng Ấn Độ - Pakistan liên quan điểm nóng Kashmir. Động thái này của ông Trump có ý nghĩa và tác động lớn bởi từ trước đến nay, Mỹ vốn là đồng minh quân sự truyền thống của Pakistan. Và rằng, một khi không duy trì được viện trợ quân sự và tài chính từ Mỹ, Pakistan khó có thể chạy đua vũ trang và tên lửa với Ấn Độ.
Chưa hết, chính quyền Trump vừa qua còn trao cho Ấn Độ các công nghệ liên quan đến quân sự theo cơ chế thương mại chiến lược. Đây là một bước tiến lớn so với trước khi chính quyền tiền nhiệm vốn chỉ coi Ấn Độ là đối tác quân sự lớn. Hiện nay, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn còn đang có thêm động lực và điều kiện rất thuận lợi để xích lại gần nhau hơn nữa.
“Lòng vả chẳng giống lòng sung”
Không phủ nhận những điểm tương đồng và điều kiện thuận lợi để hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn ngày càng thắt chặt quan hệ, hai bên cũng cùng chung không ít lợi ích chiến lược và có thể “nương tựa” vào nhau. Washington đang cần New Delhi để hiện thực hóa chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và ngược lại, New Delhi cũng cần Washington hỗ trợ và ủng hộ cho chính sách “hướng Đông” của mình. Có thể nói, mục tiêu chung của cả hai là đối phó với Trung Quốc cùng sự gia tăng hiện diện mạnh mẽ trong khu vực thời gian qua. Với Tổng thống Trump, đó còn là việc tìm kiếm những lá phiếu ủng hộ từ các cử tri gốc Ấn vốn có truyền thống bỏ phiếu cho phe Dân chủ.
Thế nhưng bên cạnh đó, cũng cần thừa nhận một thực tế khác là mối quan hệ hai bên vẫn đang tồn tại không ít chia rẽ và bất đồng. Đó là loạt vấn đề như xung khắc thương mại hay hợp tác quân sự… Trước hết, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump đã khiến không ít đồng minh trong đó có Ấn Độ phải chịu thiệt hại, với việc áp các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm nhôm và thép từ nước ngoài. Ấn Độ cũng gặp không ít khó khăn khi Mỹ ép phải dừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran hay Venezuela. Không đơn thuần về mặt kinh tế và dầu mỏ, động thái này của Mỹ vừa nhằm cô lập Iran nhưng cũng khiến chính sách ngoại giao của Ấn Độ đối diện khó khăn. Một khi quan hệ Tehran - New Delhi bị “ngăn sông cấm chợ”, lộ trình gia tăng ảnh hưởng tại Trung Á của Ấn Độ vì thế cũng sẽ gặp trắc trở.
Quan hệ hai bên thời gian qua cũng mâu thuẫn khi Ấn Độ quyết mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất, thậm chí Mỹ dọa sẽ trừng phạt New Delhi theo Đạo luật trừng phạt đối thủ (CAATSA) nếu đồng minh không hủy kế hoạch này. Chưa hết, nhằm gia tăng áp lực với Ấn Độ về mở cửa thị trường, ngày 5/6 năm ngoái, Mỹ chính thức chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP). Động thái này đã khiến mối quan hệ đồng minh Mỹ - Ấn rạn nứt. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã tăng thuế đối với 28 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ ngày 16/6 sau nhiều lần trì hoãn.
Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất khiến quan hệ với Mỹ rạn nứt. Ảnh: Washington Times |
Thế nhưng hơn ai hết, cả ông Trump và ông Modi đều hiểu rằng, bất chấp những khúc mắc và bất đồng, hai bên vẫn đang có quá nhiều lợi ích chiến lược chung cần hợp tác. Đó là chưa kể, Mỹ chắc chắn không để Ấn Độ quá ngả về Nga hay Trung Quốc, và bản thân Ấn Độ cũng tìm kiếm được nhiều lợi ích chiến lược khi tận dụng Mỹ làm đối trọng cho quan hệ với Trung Quốc và Nga. Bởi thế mà ngay trước thềm chuyến thăm, phía Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán Hệ thống vũ khí phòng không tích hợp (IADWS) trị giá gần 1,9 tỷ USD cho Ấn Độ.
Về phần mình, ông Modi cũng tỏ ý sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về thương mại của Mỹ, có thể kể đến việc ký một bản ghi nhớ về quyền sở hữu trí tuệ với đồng minh Washington. Để bày tỏ thiện chí, cuối năm ngoái, dù mua S-400 của Nga nhưng Ấn Độ lại trì hoãn mua 200 chiếc trực thăng của Moscow mà chuyển sang chuẩn bị ký thỏa thuận mua máy bay trị giá hơn 7 tỷ USD của Washington. Bởi thế, giới chuyên gia dự báo, dù có thể chưa thể tạo đột phá trong việc giải quyết những vấn đề gai góc như thương mại hay thuế quan, nhưng hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn có lẽ vẫn sẽ phải đạt được một vài thỏa thuận - dù là hình thức. Và rằng, cả hai đều phải duy trì trạng thái cân bằng giữa những bất đồng chưa thể giải quyết trong ngày một - ngày hai!