Mỹ bác điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ; Cuộc đoàn tụ đợt 1 các gia đình bị ly tán Hàn - Triều

Hữu Quân 21/08/2018 06:38

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều sự kiện như: Cuộc đoàn tụ đợt 1 các gia đình bị ly tán Hàn - Triều; Chính phủ Nga sẽ giúp Liban hồi hương những người tị nạn Syria; Mỹ bác điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ về thả mục sư Brunson; Afghanistan giải cứu hàng trăm con tin bị Taliban bắt cóc...

Cuộc đoàn tụ đợt 1 các gia đình bị ly tán Hàn - Triều

nuoc mat ngay doan vien cua cac gia dinh li tan hinh 1

Bà Lee Keum-shim, 92 tuổi (phía Hàn Quốc), ôm con trai mình (phía Triều Tiên) trong cuộc đoàn tụ ngày 20/8 ở Kumgang. Ảnh: Yonhap

Cuộc đoàn tụ đợt 1 các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã diễn ra ngày 20/8 tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang trên lãnh thổ Triều Tiên.

89 người Hàn Quốc, đa phần là người 70 tuổi trở lên đã gặp 180 người thân sống ở Triều Tiên. Không ít người đã không còn khỏe nữa, thậm chí phải ngồi xe lăn và nhờ sự hỗ trợ của người thân. Các cuộc đoàn viên giữa bố mẹ với con trai, con gái là rất hiếm, chủ yếu là giữa anh chị em họ, cháu trai, cháu gái.

Đợt đầu tiên đoàn tụ các gia đình bị ly tán được tổ chức từ ngày 20 cho tới ngày 22/8. Theo kế hoạch, trong các cuộc đoàn tụ này, các gia đình ly tán được gặp gỡ nhau trực tiếp trong khoảng 11 tiếng.

Tiếp sau đợt 1, đợt 2 sẽ được tổ chức từ ngày 24 tới ngày 26/8 tới. Trong đợt hai, 83 người Triều Tiên sẽ được gặp các thân nhân của mình đang sống tại Hàn Quốc cũng tại khu nghỉ dưỡng trên.

Chính phủ Nga sẽ giúp Liban hồi hương những người tị nạn Syria

Người tị nạn Syria hồi hương từ Arsal, Liban ngày 23/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, Moskva sẽ giúp Liban hồi hương những người tị nạn Syria đang sống tạm bợ tại quốc gia Trung Đông này.

Tuyên bố trên được nhà ngoại giao Nga đưa ra sau các cuộc thảo luận cùng ngày với Ngoại trưởng Liban Gebran Bassil tại thủ đô Moskva.

Iran kêu gọi châu Âu đẩy nhanh nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân

iran keu goi chau au day nhanh no luc cuu thoa thuan hat nhan hinh 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi. Ảnh: Press TV

Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng tuần phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình nhà nước Iran ngày 20/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nhấn mạnh:

“Các nước châu Âu và các bên khác ký kết thỏa thuận (ám chỉ Trung Quốc và Nga) đã cố gắng cứu vãn thỏa thuận này nhưng tiến trình đó diễn ra chậm chạp. Vì vậy nó cần phải được đẩy nhanh hơn nữa. Iran chủ yếu dựa vào khả năng của mình để vượt qua các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ”.

Các quốc gia châu Âu đang ra sức để đảm bảo Iran có thể giành đủ lợi ích về kinh tế nhằm thuyết phục nước này ở lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Mỹ đã tuyên bố rút khỏi kể từ tháng 5/2018.

Ngày 7/8 vừa qua, 3 tháng sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức khôi phục trừng phạt với nước này.

Malaysia mong Trung Quốc 'thông cảm' khi hủy các dự án 20 tỷ USD

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm nay dự lễ đón ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm dự lễ đón ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi hy vọng có thể khiến Trung Quốc hiểu được các vấn đề mà Malaysia hiện phải đối mặt", Reuters dẫn lời Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

"Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ có cái nhìn thông cảm với những vấn đề mà chúng tôi phải giải quyết và có lẽ sẽ giúp đỡ chúng tôi giải quyết một số vấn đề về tài chính nội bộ".

Ông Mahathir khẳng định Malaysia không muốn đối đầu với bất kỳ quốc gia nào, đồng thời nhấn mạnh vào những lợi ích mà Malaysia có được khi tăng cường tiếp xúc về thương mại, công nghệ và kinh doanh với Trung Quốc.

Tuyên bố của Thủ tướng Malaysia được đưa ra trong bối cảnh ông đang tìm cách tái thương lượng, hoặc có thể là hủy bỏ các dự án do Trung Quốc đầu tư trị giá hơn 20 tỷ USD.

Mỹ bác điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ về thả mục sư Brunson

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN

Báo Wall Street Journal ngày 20/8 đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác điều kiện mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để chính quyền Ankara thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson.

Tờ báo dẫn lời một quan chức Nhà Trắng khẳng định các cuộc thảo luận liên quan án phạt trên và các lĩnh vực khác trong tranh chấp giữa hai nước không nằm trên bàn đàm phán cho đến khi mục sư Brunson được thả.

Trước đó, Ankara đã đề nghị Washington xóa bỏ án phạt có thể lên tới hàng tỷ USD đối với Ngân hàng Halkbank, hiện đang phải đối mặt với các án phạt do giúp đỡ Iran né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, để đổi lấy việc thả mục sư Brunson và hai công dân Mỹ khác, cũng như ba người quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cho Chính phủ Mỹ.

Hàng loạt vụ tấn công nhằm vào cảnh sát tại Cộng hòa thuộc Nga

Lực lượng an ninh Cộng hòa Chechnya thuộc Nga. Nguồn: Sputnik

Ngày 20/8, các tay súng chưa rõ danh tính đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công nhằm vào cảnh sát tại nước Cộng hòa Chechnya thuộc Nga.

Theo người đứng đầu nước Cộng hòa trực thuộc này, ông Ramzan Kadyrov, các tay súng có vũ trang đã tấn công cảnh sát tại một số địa điểm ở Chechnya, khiến nhiều người bị thương. Một đối tượng thậm chí định tiến hành đánh bom liều chết, nhưng lực lượng an ninh chính quyền địa phương đã kịp thời ngăn chặn.

Thông tin ban đầu cho biết hai cảnh sát đã bị thương tại thị trấn Shali, và nhiều cảnh sát giao thông bị thương tại thủ phủ Grozny. Tuy nhiên, hiện tình hình trị an tại đây đã được lập lại.

Hy Lạp kết thúc 8 năm bị giám sát tài chính từ chủ nợ

hy lap ket thuc 8 nam bi giam sat tai chinh tu chu no hinh 1

Hy Lạp đã kết thúc 8 năm bị giám sát tài chính từ chủ nợ. Ảnh: Greek Reporter

Lần đầu tiên kể từ năm 2010, Hy Lạp chính thức thoát khỏi tình cảnh bị đặt dưới sự kiểm soát tài chính từ các chủ nợ, sau khi nước này hoàn tất gói cứu trợ thứ 3.

Đây cũng chính là gói cứu trợ cuối cùng mà Chính phủ Hy Lạp nhận từ các chủ nợ. Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã nhận tổng cộng 260 tỷ euro cứu trợ từ các chủ nợ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Để đổi lấy các gói cứu trợ, các đời Chính phủ Hy Lạp đã phải cam kết thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng vô cùng khắc khổ, đồng thời thực hiện những cải cách khắc nghiệt trong các lĩnh vực lao động, hưu trí và an sinh xã hội.

Ngoài ra, nước này cũng bị đặt dưới sự giám sát tài chính chặt chẽ từ các chủ nợ như Liên minh châu Âu hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Trong 8 năm bị giám sát, Hy Lạp không được phép tham gia vào các thị trường trái phiếu và nhiều chính sách kinh tế phải chịu sự can thiệp từ các chủ nợ.

Công ty New Zealand thưởng tiền cho nhân viên đạp xe đi làm

Kết quả hình ảnh cho đạp xe đi làm

Ảnh minh họa.

Một công ty quảng cáo ở thành phố Christchurch, New Zealand vừa có sáng kiến khuyến khích nhân viên đạp xe đi làm, bằng cách thưởng tiền mặt. Theo đó, nhân viên của Công ty Mak Collective sẽ nhận được 5 dolar New Zealand (3,6 USD) cho một ngày đi xe đạp đến công ty.

Nếu sử dụng xe đạp để đi làm hơn 6 tháng, mức thưởng sẽ tăng lên 10 dolar New Zealand một ngày. Điều này đồng nghĩa với việc một nhân viên sẽ nhận được khoảng 1.950 dolar New Zealand (khoảng 1.421 USD) một năm, nếu đạp xe đi làm hàng ngày trong 1 năm. Khoản tiền này sẽ được chi trả vào cuối năm.

Giám đốc Công ty Mak Collective nói rằng, sáng kiến nhằm khuyến khích nhân viên công ty tập thể dục và giảm phụ thuộc vào ô tô hay phương tiện công cộng.

Theo Tổng hợp
Copy Link

Mới nhất

x
Mỹ bác điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ; Cuộc đoàn tụ đợt 1 các gia đình bị ly tán Hàn - Triều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO