Mỹ bước vào 'siêu chu kỳ' kinh tế mới
Sau 15 năm tăng trưởng chậm, các nhà kinh tế cho rằng nước Mỹ đang hướng tới một kỷ nguyên hỗn loạn mới.
Theo RIA Novosti ngày 21/10, trong một bài phân tích của Business Insider, nhà báo Lynette Lopez cho rằng, thời kỳ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đã qua, và nó đang được thay thế bằng một “siêu chu kỳ” mới với những quy ước riêng.
"Trong 15 năm qua, nền kinh tế Mỹ có đặc điểm là nhu cầu yếu và lãi suất thấp - hậu quả của cuộc đại suy thoái kéo dài hơn một thập kỷ. Bây giờ điều này sắp kết thúc. Thế giới đã thay đổi và chúng ta đang bước vào kỷ nguyên lạm phát cao hơn và bất ổn địa chính trị sẽ chuyển hướng dòng tiền trên toàn thế giới" – nhà báo Lopez giải thích.
Các nhà kinh tế cho biết, đặc điểm nổi bật nhất của giai đoạn cũ là rủi ro giảm phát – khả năng thiếu “cầu” sẽ khiến tiền lương và giá cả lao dốc không phanh. Đây được xem như một “cái bẫy khó có thể thoát ra”.
Theo Business Insider, sự khởi đầu của một chu kỳ kinh tế mới cho thấy kết quả của chính sách tài chính trái ngược với kỳ vọng của các chuyên gia.
Nhà báo Lopez đưa ra cảnh báo: “Giờ đây, với sự ra đời của một “siêu chu kỳ” mới, các nhà quản lý đầu tư một lần nữa buộc phải thích ứng với một loạt hiện trạng kinh tế đang thay đổi.
Cần lưu ý rằng chu kỳ này sẽ trở thành một quá trình “chọn lọc tự nhiên” và sẽ thay đổi chu kỳ thông thường của nền kinh tế Mỹ, buộc tất cả các trung tâm tài chính phải thích ứng với các điều kiện mới của hệ thống tài chính.
Các nhà kinh tế cũng cho rằng, hiện nay bước vào một siêu chu kỳ được đặc trưng bởi 3 yếu tố mạnh mẽ. Đầu tiên, lãi suất cao hơn - tin vui cho những người gửi tiết kiệm, khiến việc chấp nhận rủi ro trở nên cao hơn. Thứ hai, biến động địa chính trị và kinh tế sẽ tạo ra những tác động lạm phát, tái hiện “bóng ma giá cả” tăng vọt. Thứ ba, quy hoạch công nghiệp ngày càng bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về an ninh quốc gia, làm thay đổi chuỗi cung ứng trên khắp các ngành công nghiệp.
Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy một siêu chu kỳ kinh tế mới đã đến là khi các quy tắc tài chính trở nên hỗn loạn. Siêu chu kỳ trước đã được đưa vào khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, để ứng phó với sự tàn phá do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra, cắt giảm lãi suất chuẩn xuống 0% - lần đầu tiên Ngân hàng trung ương “đi đến tận đáy”.
Hồi tháng 5/2024, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ công bố báo cáo, theo đó nợ quốc gia của nước này trong 30 năm tới sẽ tăng lên 166% GDP, đồng thời không thể loại trừ nguy cơ tăng lên 250% GDP.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden, nợ quốc gia của Mỹ đã tăng từ 28.000 tỷ USD vào năm 2021 lên mức chưa từng có là hơn 34.500 tỷ tỷ USD trong năm 2024.