Mỹ cảnh báo Trung Quốc sao chép vũ khí Nga; Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp thấp kỷ lục

Hữu Quân 02/11/2018 06:11

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều sự kiện như: Nga trừng phạt hơn 360 cá nhân, doanh nghiệp Ukraine; Mỹ cảnh báo Trung Quốc sao chép vũ khí Nga để bán giá rẻ; Indonesia tìm thấy hộp đen máy bay rơi; Boko Haram tấn công giết hại 12 dân thường ở Đông Bắc Nigeria; Ai Cập mở cửa kim tự tháp Khafre...

Nga trừng phạt hơn 360 cá nhân, doanh nghiệp Ukraine

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev. Ảnh: RT

Ngày 1/11, Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev đã ký sắc lệnh trừng phạt hơn 360 cá nhân và thực thể Ukraine, trong đó có cả con trai Tổng thống nước này Petro Poroshenko, cựu Thủ tướng Tymoshenko và hàng loạt quan chức cấp cao khác.

Theo sắc lệnh của Chính phủ Nga nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt từ phía Ukraine, Moskva sẽ phong tỏa tài sản, tiền mặt, cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của Ukraine tại Nga, đồng thời cấm Ukraine rút vốn khỏi Nga. Sắc lệnh Chính phủ Nga nêu rõ: “Việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt này nhằm đáp trả những hành động không thân thiện của Ukraine nhằm vào công dân và các thực thể pháp lý của Nga”. Sắc lệnh cho biết thêm bước đi này nhằm hướng tới việc bình thường hóa quan hệ song phương.

Indonesia tìm thấy hộp đen máy bay rơi, bí ẩn sắp được giải mã

indonesia tim thay hop den may bay roi bi an sap duoc giai ma hinh 1

Hộp đen của máy bay Indonesia được tìm thấy sau 4 ngày tìm kiếm. Ảnh: Reuters.

Các thợ lặn ngày 1/11 đã tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay chở khách của Hãng hàng không Indonesia Lion Air bị rơi xuống vùng biển nông ở ngoài khơi bờ biển Jakarta hôm 29/10, làm toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng. Hộp đen sẽ cung cấp manh mối về nguyên nhân dẫn tới thảm kịch. Máy bay đã mất liên lạc với mặt đất chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ Jakarta vào sáng sớm 29/10.

Thiết bị được thu hồi là hộp đen ghi dữ liệu bay, sẽ được trao cho Ủy ban An toàn Giao thông Indonesia. Chiếc hộp đen này sẽ giúp giải thích lý do tại sao chiếc Boeing 737 MAX 8 gần như mới tinh bị rơi xuống biển. Theo các chuyên gia, sẽ mất tới 3 tuần để tải dữ liệu từ chiếc hộp đen và mất 6 tháng để phân tích.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc sao chép vũ khí Nga để bán giá rẻ

Trung Quốc đã mua tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: RT

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đánh giá Trung Quốc nhiều khả năng đã vi phạm tài sản trí tuệ của Nga khi bán hệ thống vũ khí nhái với giá thành rẻ hơn trong tương lai. Hãng Sputnik (Nga) dẫn lời ông John Bolton ngày 31/10 nói: “Nga đã bán nhiều hệ thống vũ khí tân tiến cho Trung Quốc. Tôi cho rằng Trung Quốc đã thực hiện điều tương tự như từng làm với các sản phẩm của Mỹ đó là đánh cắp tài sản trí tuệ, bắt chước. Trung Quốc đã sao chép và sẽ sớm bán loại vũ khí tương tự Nga nhưng ở mức giá thấp hơn”.

Tài sản trí tuệ là một trong những vấn đề dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho rằng Trung Quốc đã buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao tài sản trí tuệ, công nghệ để đổi lại việc được kinh doanh ở thị trường quốc gia châu Á này.

Khu vực diễn ra chiến dịch Lá chắn Euphrate tại Syria đã hồi sinh

Chú thích ảnh
Binh sĩ Syria được triển khai tại làng Hamidiya, tỉnh Quneitra ngày 26/7/2018. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN

Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar ngày 1/11 cho biết tổng cộng 260.000 người Syria đã quay trở về khu vực phía Bắc Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch xuyên biên giới mang tên Lá chắn Euphrate. Ông Akar nhấn mạnh: "Nhờ công tác khôi phục cơ sở hạ tầng cùng với an ninh và ổn định trong khu vực do các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đem lại, khoảng 260.000 người Syria đã trở lại khu vực diễn ra chiến dịch Lá chắn Euphrate".

Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch Lá chắn Euphrate năm 2016 nhằm đánh đuổi các tay súng tổ chức Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng dân quân người Kurd YPG ra khỏi biên giới giữa nước này với Syria. Chính quyền Ankara xem lực lượng YPG được Mỹ hậu thuẫn là một tổ chức khủng bố. Chiến dịch kết thúc năm 2017.

Hơn một nửa vũ khí, trang bị mới sắm của Đức không thể tác chiến

Một xe chiến đấu bộ binh Puma của Đức. Ảnh: Reuters.

Một xe chiến đấu bộ binh Puma của Đức. Ảnh: Reuters

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Đức mới đây xác nhận chỉ 38 trong 97 vũ khí được mua sắm và biên chế cho quân đội nước này trong năm 2017 có thể được triển khai tác chiến với đầy đủ chức năng. Trong số khí tài mới trang bị này, xe chiến đấu bộ binh (IFV) Puma và vận tải cơ Airbus A400M khiến giới chức quân đội Đức lo ngại nhất về chất lượng. Ngoài ra, báo cáo của Bộ Quốc phòng Đức cũng tiết lộ 6/14 trực thăng quân sự mới mua có thể thực hiện nhiệm vụ. Quân đội Đức cũng phải gửi trả 3 trong 4 tiêm kích Eurofighter mua năm 2017 cho nhà sản xuất để chỉnh sửa hệ thống máy tính.

Nhiều nghị sĩ Đức đã chỉ trích gay gắt về tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các loại vũ khí trong biên chế quân đội nước này. "Không thể chấp nhận được thực tế rằng nền công nghiệp quốc phòng được nhà nước tài trợ và ưu tiên tối đa lại không hoạt động hiệu quả", nghị sĩ Matthias Hoehn nhấn mạnh.

Tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thấp kỷ lục

ti le ung ho doi voi tong thong phap emmanuel macron thap ky luc hinh 1
Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: Spiegel Online

Hôm nay (1/11), Công ty nghiên cứu thị trường YouGov công bố kết quả thăm dò ý kiến cho biết, hiện chỉ có 21% người dân Pháp ủng hộ các chính sách của Tổng thống nước này Emmanuel Macron và 69% không đồng ý với các hành động của Tổng thống. Với việc tiếp tục giảm 4% số người ủng hộ, hiện tín nhiệm của Tổng thống Macron đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện vào tháng 5/2017, khi đó ông được 39% người Pháp dân ủng hộ. Cũng theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến này, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhận được sự ủng hộ của 27% số người được hỏi.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy, 24% số người được hỏi ủng hộ các hành động của chính phủ, trong khi đó có đến 68% người dân phản đối các công việc nói chung của chính phủ. Cuộc thăm dò lần này được báo Le HuffPost và đài truyền hình Cnews tiến hành đối với 1.010 người vào ngày 24 và 25/10.

Nhật Bản cho tái bố trí căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa

Chú thích ảnh
Máy bay Osprey tại căn cứ Hải quân Futenma ở Ginowan, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo hãng thông tấn Kyodo, ngày 1/11, chính quyền trung ương Nhật Bản đã cho nối lại công việc san lấp đất xây dựng cơ sở để tái bố trí căn cứ Futenma của lính thủy đánh bộ Mỹ tại tỉnh Okinawa, bất chấp sự phản đối của địa phương.

Hoạt động trên được nối lại mặc dù chính quyền tỉnh Okinawa đã rút lại quyết định phê duyệt xây dựng cơ sở ở huyện ven biển Henoko thuộc thành phố Nago để đặt căn cứ Futenma, sau khi di dời căn cứ này từ địa điểm hiện nay ở khu vực Ginowan đông dân cũng ở Okinawa. Nhiều người dân Okinawa yêu cầu di dời căn cứ này ra khỏi hòn đảo này.

Boko Haram tấn công giết hại 12 dân thường ở Đông Bắc Nigeria

Chú thích ảnh
Các tay súng Boko Haram. Ảnh: Independent/ TTXVN

Các nhân chứng cho biết ít nhất 12 dân thường đã thiệt mạng trong một vụ tấn công nghi là do các phần tử thuộc nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram tiến hành ở Đông Bắc Nigeria đêm 31/10. Theo người dân địa phương, các tay súng đi trên 7 chiếc xe tải đã tấn công các làng Bulaburin, Kofa và một khu trại tại làng Dalori ở ngoại ô thủ phủ Maiduguri của bang Borno.

Một chỉ huy dân quân cho biết các phần tử khủng bố đã phóng hỏa thiêu rụi các làng Bulaburin và Kofa, đốt phá khu trại của những người bị mất nhà ở do xung đột ở làng Dalori. Những kẻ tấn công đã giết hại 9 người ở Bulaburin, 2 người ở Dalori và 1 người ở Kofa. Những ngôi làng kể trên nằm ở ngoại ô thành phố Maiduguri, vốn là trung tâm của chính quyền ở Đông Bắc Nigeria và là trọng tâm trong chiến dịch chống Boko Haram cũng như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Tây Phi.

FAO dự báo sản lượng ngũ cốc năm 2018 giảm so với năm 2017

Lúa mì trên cánh đồng tại Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 1/11, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) dự báo sản lượng ngũ cốc năm 2018 của thế giới sẽ giảm so với sản lượng năm 2017. Theo FAO, sản lượng ngũ cốc của thế giới trong năm nay khả năng đạt 2,601 tỷ tấn, cao hơn gần 10 triệu tấn so với mức dự báo được đưa ra tháng 10 vừa qua, song giảm 57 triệu tấn, tức 2,1% so với sản lượng năm ngoái.

Sản lượng lúa mỳ toàn cầu năm nay được dự báo là 728 triệu tấn, giảm 4,3% so với năm ngoái. Trong tháng 10 vừa qua, giá lương thực thế giới đã giảm 0,9% so với tháng 9, phản ánh giá các mặt hàng thịt, sữa và dầu mỏ giảm.

Ai Cập mở cửa kim tự tháp Khafre

ai cap mo cua kim tu thap khafre hinh 1

Quần thể kim tự tháp Giza nhìn từ phía trước.

Bộ cổ vật Ai Cập thông báo rằng kim tự tháp thứ hai trong ba kim tự tháp Giza nổi tiếng sẽ mở cửa cho khách du lịch trong tuần này sau khi hoàn thành công việc khôi phục hai tháng.

Theo Bộ cổ vật Ai Cập kim tự tháp của vua Khafre, một trong ba kim tự tháp chính trong quần thể 3 kim tự tháp lớn ở Giza sẵn sàng đón khách du lịch từ ngày 1/11. Trước đó, công tác phục hồi bao gồm cầu thang dẫn lên lối vào kim tự tháp, hệ thống chiếu sáng, đường dẫn trong hành lang của kim tự tháp và buồng chôn cất. Bộ cổ vật Ai Cập cho biết kim tự tháp thứ ba của vua Menkaure - kim tự tháp nhỏ nhất sẽ đóng cửa để bắt đầu các hoạt động phục hồi.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Mới nhất
x
Mỹ cảnh báo Trung Quốc sao chép vũ khí Nga; Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp thấp kỷ lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO