Mỹ cáo buộc Iran dùng công nghệ đạn đạo để phóng vệ tinh
(Baonghean.vn) - Theo Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo, chương trình không gian của Tehran “không mang tính hòa bình cũng hoàn toàn không mang tính dân sự”.
Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: AP |
Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 26/4 đưa tin, trong một tuyên bố được Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi hôm 25/4, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo khẳng định, Iran đã sử dụng các công nghệ sở hữu được từ chương trình tên lửa đạn đạo trong quá trình phóng vệ tinh quân sự hôm 22/4.
Theo người phụ trách chính sách đối ngoại của Mỹ, “phương tiện phóng vệ tinh của Iran và những thứ khác được phóng trước nó chứa đựng các công nghệ giống hệt, và có thể hoán đổi với các tên lửa đạn đạo, bao gồm các hệ thống tầm xa hơn chẳng hạn như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)”.
“Không có quốc gia nào từng theo đuổi năng lực ICBM trừ khi có mục đích tạo ra vũ khí hạt nhân”, ông Pompeo khẳng định.
Theo nhà ngoại giao này, chương trình không gian của Tehran “không mang tính hòa bình cũng hoàn toàn không mang tính dân sự”, và vụ phóng vệ tinh gần đây là một bằng chứng khác cho thấy điều đó.
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn Iran tiếp tục chương trình tên lửa đạn đạo. Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí hiện hành đối với Iran, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 10. “Chúng tôi cũng kêu gọi Liên minh châu Âu trừng phạt những cá nhân và thực thể nghiên cứu về chương trình tên lửa của Iran”, ông nói thêm.
Trước đó, hôm 24/4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng không có hành động nào của Tehran vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chương trình hạt nhân của Iran, trong khi phía Mỹ và châu Âu lại không tuân thủ các điều khoản của văn kiện này. Theo lời ông Zarif, Tehran tuân thủ nghị quyết trên và “không sở hữu vũ khí hạt nhân hay tên lửa có năng lực hạt nhân”.
Ngày 22/4, Iran đã phóng vệ tinh quân sự đầu tiên của nước này, có tên là Noor (nghĩa là Ánh sáng). Theo hãng thông tấn Mehr của Iran, vệ tinh đã được phóng vào quỹ đạo cách Trái Đất 425 km bằng tên lửa đẩy Qased.