Mỹ cáo buộc Nga không chấp hành lệnh ngừng bắn tại Syria
(Baonghean) - Ngày 28/2, trong cuộc họp báo thường kỳ, Tổng thư ký phụ trách báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã lên tiếng cáo buộc Nga, với tư cách là thành viên chủ chốt đã không tuân thủ các điều khoản của lệnh ngừng bắn 30 ngày tại Syria do Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua vào ngày 25/2 vừa rồi.
Hiện trường đổ nát tại Đông Ghouta, Syria. Ảnh: EPA |
“Moskva chính là nguyên nhân gây nên căng thẳng giữa các bên ở Syria, do Nga đang tiếp tục hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Bashar al- Assad. Sau đó, chính Nga lại muốn trở thành “trọng tài” tham gia giải quyết tranh chấp. Và đây là bi kịch” - bà Nauert nhận định.
Tiếp tục cáo buộc Nga, bà Heather Nauert phân tích, trước khi LHQ đơn phương thông qua yêu cầu ngừng bắn, quá trình bỏ phiếu đã bị hoãn nhiều lần do các thành viên không đạt được tiếng nói chung và trong khi cộng đồng quốc tế lên tiếng nên tạm ngưng các cuộc giao tranh thì chính Nga lại đang muốn “câu giờ” để có nhiều sự thay đổi.
“Người dân Syria đang sống trong đau khổ, cùng cực, đặc biệt là trẻ em đã bị thiệt mạng rất nhiều. Sẽ không có bất cứ điều gì gọi là “hành lang nhân đạo” như Nga đã đề xuất” - người phụ trách báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Theo nhà ngoại giao Mỹ, Nga cần phải thừa nhận rằng nước này không có khả năng hoặc không muốn đóng vai trò trong việc chấm dứt xung đột ở Syria. Kể từ khi can thiệp vào Syria năm 2015, Moskva đã ủng hộ lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad - đang bao vây khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus do phiến quân kiểm soát.
Nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn ngắn hạn (kéo dài 5 giờ) của Nga hôm 27/2 bị thất bại sau khi lực lượng chính phủ tiếp tục tấn công vào Đông Ghouta chỉ sau một thời gian ngắn. Moskva và Damascus đổ lỗi cho phe nổi dậy khiến lệnh ngừng bắn sụp đổ, cáo buộc họ nã đạn vào một tuyến đường dành cho dân thường rời khỏi khu vực chiến sự. Tuy nhiên, phe nổi dậy bác bỏ cáo buộc đó.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moskva sẽ có kế hoạch chấm dứt các cuộc tấn công tương tự để cho phép hàng viện trợ được chuyển tới Đông Ghouta thông qua hành lang nhân đạo.
Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cũng cho biết họ sẵn sàng tới Đông Ghouta để cung cấp hàng viện trợ. Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) vừa mở cuộc điều tra về các vụ tấn công ở Đông Ghouta để xác định xem các bên có sử dụng vũ khí bị cấm hay không.