Mỹ điều tàu sân bay đến sát vùng biển Iran, chiến tranh đang cận kề?

Thu Giang 07/05/2019 17:40

(Baonghean) - Đầu tuần này, AFP dẫn lời Patrick Shanahan, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, ông đã phê chuẩn việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln tới các vùng biển chưa xác định nằm ở khu vực lân cận Iran nhằm đáp trả “những tín hiệu cho thấy có một mối đe dọa xác thực từ các lực lượng của chính quyền Iran”.

Cảnh báo “vũ lực tàn nhẫn”

Trên mạng xã hội Twitter, ông Shanahan viết: “Chúng tôi kêu gọi chế độ của Iran ngừng mọi hành vi khiêu khích. Chúng tôi sẽ quy trách nhiệm cho chính quyền Iran về bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào các lực lượng Mỹ hay các lợi ích của chúng tôi”.

Trước đó, thông báo với nội dung tương tự được cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đưa ra vào đêm 5/5, với tuyên bố rằng bước đi này là “một thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn gửi đến chính quyền Iran, rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các lợi ích của Mỹ hay các lợi ích của các đồng minh sẽ bị đáp trả bằng vũ lực tàn nhẫn”.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ đang được điều đến khu vực Trung Đông. Ảnh EPA
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ đang được điều đến khu vực Trung Đông. Ảnh: EPA

Theo vị cố vấn được cho là thuộc phe “diều hâu”, nước Mỹ không phải đang gây chiến với Iran, mà đơn giản là họ đang “chuẩn bị đầy đủ để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào, dù là ủy nhiệm hay do Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hay các lực lượng thông thường của Iran tiến hành”.

Ngoài thông báo hùng hồn như vậy, giới chức Mỹ không cung cấp thêm thông tin cụ thể gì liên quan đến điều mà họ cáo buộc là mối đe dọa mà Iran đặt ra.

Về phần mình, phản ứng trước động thái “cảnh cáo” từ phía Mỹ, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia tối cao của Iran Keyvan Khosr đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của ông Bolton, gọi đó là “sử dụng một cách vụng về một sự kiện đã cũ để phục vụ chiến tranh tâm lý”.

Những tiếng nói phản đối

Trang tin Axios cho biết, cảnh báo của cố vấn Bolton được đưa ra sau khi Israel - quốc gia từng thúc đẩy cô lập Iran - chuyển cho Mỹ thông tin tình báo về âm mưu tấn công của Tehran “nhằm vào một mục tiêu của Mỹ tại vùng Vịnh hoặc các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia hay UAE”.

Nguồn tin này viện dẫn lời một quan chức Israel giấu tên cho biết, thông tin tình báo đó “không cụ thể lắm trong giai đoạn này” nhưng “vấn đề Iran đang tăng nhiệt” do sức ép từ đó gây ra.

Trong khi đó, Mark Dubowitz - Giám đốc điều hành Quỹ Quốc phòng của các nền dân chủ, tổ chức ủng hộ đường hướng cứng rắn về Iran, cũng cho biết ông đã được nghe về “sự gia tăng đột biến” thông tin tình báo trong vài ngày gần đây liên quan đến các âm mưu tấn công.

Nhân vật này cho rằng, Iran đã “bật đèn xanh” cho các phong trào Hồi giáo Hamas và Thánh chiến Hồi giáo để phóng tên lửa vào Israel cuối tuần qua nhằm “tạo ra khủng hoảng để khiến Mỹ và Israel xao nhãng” khỏi những âm mưu diễn ra ở những địa điểm khác.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton có quan điểm diều hâu về vấn đề Iran. Ảnh: AFP
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton có quan điểm diều hâu về vấn đề Iran. Ảnh: AFP

Các nhà quan sát khác thì tỏ ra hoài nghi hơn nhiều về ý đồ của ông Bolton, người được đánh giá là luôn ủng hộ tấn công Iran. Cũng có những ý kiến, thậm chí là trong nội bộ nước Mỹ, tỏ ý không đồng tình trước động thái khiêu khích từ phía chính quyền Trump.

“Ê kíp cố vấn chính sách đối ngoại lúc nào cũng đe dọa vũ lực quân sự của chính quyền Trump chỉ còn thiếu nước công khai hét vang khao khát của họ về một cuộc chiến không được cấp phép và vi hiến với Iran”.

Thượng nghị sỹ Tom Udall - đảng Dân chủ Mỹ

Thượng nghị sỹ Tom Udall này mượn mạng xã hội để kêu gọi Quốc hội xứ cờ hoa vào cuộc hành động ngay để ngăn “cuộc diễu hành liều lĩnh hướng đến chiến tranh” trước khi mọi việc quá trễ.

Không biết vô tình hay hữu ý, thông tin triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay cùng máy bay ném bom được Mỹ “tung ra” đúng thời điểm 1 năm kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà nhóm P5+1 ký kết với Iran, dù phía cộng hòa Hồi giáo được đánh giá là đã thu hẹp đáng kể công việc hạt nhân nhạy cảm của mình.

Phát biểu về tình hình đáng quan ngại hiện nay, Giám đốc Sáng kiến Tương lai Iran thuộc nhóm chuyên gia nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương Barbara Slavin nêu quan điểm:

“Tôi cho rằng đây là sản phẩm mà ông Bolton tạo ra nhằm tìm cách biện giải cho chính sách vô cùng khắc nghiệt của chính quyền Mỹ đối với Iran bất chấp thực tế nước cộng hòa Hồi giáo đã rất tuân thủ bản thỏa thuận hạt nhân”.

Tehran nổi giận

Giữa lúc căng như dây đàn, thì tại Iran người ta cũng cảm nhận rõ cơn thịnh nộ như đang bùng cháy do việc thực thi thỏa thuận hạt nhân không đem lại “lợi tức” như kỳ vọng. Hãng thông tấn ISNA cho biết, Tổng thống Hassan Rouhani sẽ công bố “các biện pháp trả đũa” vào ngày 8/5 để đánh dấu dịp 1 năm Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Nguồn tin chính thức này cũng tiết lộ, ông Rouhani sẽ viện dẫn những phần nội dung thỏa thuận, theo đó Iran có thể ngừng một phần hoặc toàn bộ các cam kết của mình nếu các bên khác không tuân thủ vai trò của họ, nhất là về chấm dứt các lệnh trừng phạt.

Nhìn lại thời gian qua, chính quyền Trump đã áp nhiều đòn trừng phạt đối với Tehran và thậm chí còn với mức độ nặng nề hơn trong những tuần lễ gần đây, chẳng hạn như cấm mọi quốc gia mua dầu lửa - mặt hàng xuất khẩu số 1 của Iran, và tuyên bố lực lượng Vệ binh cách mạng của Tehran là tổ chức khủng bố - một động thái “vô tiền khoáng hậu”.

Hiện nay, các thanh sát viên Liên hợp quốc vẫn đang khẳng định Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và bản thỏa thuận từng được ví là “lịch sử” này vẫn đang được các cường quốc châu Âu hết mình ủng hộ.

Mỹ đã tuyên bố trừng phạt các nước nhập khẩu dầu lửa từ Iran. Ảnh: Reuters
Mỹ đã tuyên bố trừng phạt các nước nhập khẩu dầu lửa từ Iran. Ảnh: Reuters

Thậm chí, để “lách” trừng phạt của Mỹ, các nước Anh, Pháp và Đức còn thiết lập hệ thống thanh toán đặc biệt, cho phép các doanh nghiệp của lục địa già hoạt động tại Iran.

Tuy nhiên, số công ty dám “khiêu khích” sự kiên nhẫn của Mỹ quả thực không nhiều, khiến Tehran đang đứng trước những khó khăn hiển hiện về kinh tế. Một khi lợi ích thu về không đáp ứng mong đợi, khó có thể đảm bảo Iran sẽ tiếp tục tha thiết với bản thỏa thuận từng ký năm 2015.

Và trước mắt, điều đáng lo ngại hơn là bước đi có phần bất cẩn của Mỹ khi điều động tàu sân bay, máy bay ném bom,… không loại trừ khả năng châm ngòi một cuộc xung đột trực diện giữa Washington và Tehran.

Mới nhất
x
Mỹ điều tàu sân bay đến sát vùng biển Iran, chiến tranh đang cận kề?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO