Mỹ - Hàn tập trận: Phép thử với Kim Jong-un

Thúy Ngọc 01/04/2018 18:47

(Baonghean) - Mỹ và Hàn Quốc ngày 1/4 đã bắt đầu triển khai các cuộc tập trận thường niên mang tên “Đại bàng non” và “Giải pháp then chốt” vốn bị trì hoãn từ Thế vận hội Olympic Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc.

Diễn ra trong bối cảnh không chỉ bán đảo Triều Tiên mà cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào hai sự kiện sắp diễn ra là cuộc gặp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump, các cuộc tập trận lần này được coi là phép thử đối với thiện chí của ông Kim Jong-un trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

Mỹ
Lính Mỹ và Hàn Quốc tập trận với bom khói. Ảnh: Getty Images

Mỹ - Hàn không có đường lùi

Ngay từ giữa tháng 3, khi Mỹ và Hàn Quốc thông báo kế hoạch tiến hành tập trận “Đại bàng non” và “Giải pháp then chốt”, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng hành động này có thể gây tổn hại tới triển vọng đàm phán trên bán đào Triều Tiên - vốn được đánh giá là đang tiến triển đúng hướng kể từ sau kỳ Olympics Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, có lý do để hiểu rằng Mỹ và Hàn Quốc không thể không tiến hành cuộc tập trận này, cho dù các cuộc tập trận từ trước đến nay luôn vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Triều Tiên.

Thứ nhất, trước thềm cuộc gặp của ông Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến diễn ra trong tháng này và cuộc gặp của ông Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump một tháng sau đó, Mỹ và Hàn Quốc cần chứng tỏ rằng họ sẽ không quá nhượng bộ trước Triều Tiên trên bàn đàm phán.

Thứ hai, kết quả của các cuộc gặp nếu có thể diễn ra vẫn là một ẩn số, vì vậy Mỹ và Hàn Quốc cần chuyển đến Triều Tiên thông điệp rằng họ vẫn luôn có giải pháp dự phòng trong các kịch bản xấu nhất.

Trên thực tế, cách tiếp cận này vẫn được Mỹ duy trì trong nhiều tháng qua, khi tiến hành các biện pháp trừng phạt Triều Tiên song song với việc phát đi tín hiệu sẵn sàng đối thoại.

Bên cạnh đó, cuộc tập trận cũng thể hiện Mỹ và Hàn Quốc vẫn là một liên minh bền chặt, không hề bị chia rẽ trong vấn đề Triều Tiên như một số đồn đoán đã từng xuất hiện trước đó.

Dù vẫn tiến hành các cuộc tập trận theo kế hoạch dự kiến, song Mỹ và Hàn Quốc cũng thể hiện thiện chí tạo dựng bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đối thoại sắp tới khi giảm thời gian tập trận và “cất ở nhà” một số khí tài chiến lược uy lực nhất.

Với hơn 11.000 binh lính Mỹ, bao gồm cả quân tiếp viện từ nước ngoài và 300.000 binh lính Hàn Quốc, cuộc tập trận không có sự thay đổi lớn về số lượng binh lính tham gia so với năm ngoái, nhưng thời gian giảm một nửa từ 2 tháng xuống còn 1 tháng.

Ngoài ra, các khí tài chiến lược của Mỹ như siêu hàng không mẫu hạm hoặc tàu ngầm hạt nhân sẽ không xuất hiện. Bộ Quốc phòng Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về các tình huống giả định trong các cuộc tập trận hay các thông tin chi tiết khác nhằm “tránh làm ảnh hưởng đến các mục tiêu tập trận”.

Phía Mỹ cũng nhắc lại lập trường rằng các cuộc tập trận Mỹ - Hàn chỉ mang tính phòng thủ, là hoạt động cần thiết để duy trì khả năng sẵn sàng của quân đội hai nước chứ không phải nhằm đối phó với Triều Tiên và không liên quan tới những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên.

“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”

Từ trước đến nay, bất cứ khi nào Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận lớn, Triều Tiên luôn phản ứng hết sức mạnh mẽ, không chỉ bằng ngôn từ mà còn bằng hành động trên thực tế, đó là các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Dù vậy lần này, phản ứng từ phía Triều Tiên được cho là “hòa nhã một cách khác lạ”, cho dù Triều Tiên cũng nhận được thông báo chính thức về cuộc tập trận này từ giữa tháng 3. Bởi vậy, dư luận thật sự tò mò nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tính toán những gì?

Có hai giả thuyết đáng chú ý nhất được đưa ra đến thời điểm này để lý giả cho sự im lặng của Triều Tiên trước các cuộc tập trận Mỹ - Hàn.

Thứ nhất, Triều Tiên đang cho thấy một sự thay đổi bước ngoặt trong cách tiếp cận với vấn đề hạt nhân. Thay vì thái độ khiêu khích và cứng rắn khi liên tục các vụ thử tên lửa và hạt nhân như trong năm 2016, 2017; từ đầu năm 2018, Triều Tiên đã có nhiều hành động thể hiện tinh thần sẵn sàng đối thoại, mở đầu là các bước đi hòa giải với Hàn Quốc, cử đoàn vận động viên tham gia Thế vận hội Olympics và Paralympics Pyeongchang tại Hàn Quốc, tiếp đến là đồng ý sắp xếp cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chuyến thăm bất ngờ của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc hồi tuần trước cũng là dấu hiệu cho thấy phía Triều Tiên đang có sự chuẩn bị nghiêm túc cho các cuộc đối thoại.

Kim
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tỏ ra điềm tĩnh trước cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn. Ảnh: Daily Star

Giới phân tích cho rằng, có thể ông Kim Jong-un giờ đây đã tạm hài lòng với chương trình tên lửa và hạt nhân, vì vậy không cần thiết phải duy trì tình trạng đối đầu căng thẳng, mà thay vào đó là tìm kiếm giải pháp đưa Triều Tiên thoát khỏi tình trạng khó khăn do bị bao vây, cấm vận hiện nay.

Suy đoán này có thể đúng, có thể sai, nhưng rõ ràng là ông Kim Jong-un đang cố gắng xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo sẵn sàng “ngồi cùng bàn” với lãnh đạo các cường quốc tế thế giới để tìm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên, và sự im lặng trước các cuộc tập trận Mỹ - Hàn là điểm cộng đáng kể cho việc xây dựng hình ảnh này.

Nhưng quan trọng hơn, ông Kim Jong-un được cho là đang áp dụng chiến thuật “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Ông rõ ràng cũng hiểu rằng Mỹ và Hàn Quốc không thể không tiến hành các cuộc tập trận.

Nếu đã không thể ngăn cản, vậy sao không biến điều đó thành lợi thế đàm phán? Trong cuộc gặp giữa các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Nhà lãnh đạo Triều Tiên để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, ông Kim Jong-un cũng đã nói rằng ông hiểu các cuộc tập trận sẽ được tổ chức theo kế hoạch trong năm nay, đồng thời không đưa ra bất kỳ ý kiến trực tiếp nào về vấn đề này.

Thái độ kiềm chế trước các cuộc tập trận Mỹ - Hàn có thể là minh chứng cho thấy Triều Tiên đang thực sự tập trung cao độ vào các cuộc gặp thượng đỉnh, và đây sẽ là một con bài mặc cả có giá trị của Triều Tiên trên bàn đàm phán theo hướng: “Triều Tiên đã nhượng bộ, giờ tới lượt Mỹ và Hàn Quốc!”.

Giới phân tích cho rằng, ông Kim Jong-un có thể bỏ qua các biện pháp đáp trả các cuộc tập trận như thường lệ, song chắc chắn đang tính toán những đòi hỏi lớn hơn.

Những đòi hỏi từ phía Triều Tiên có thể là Hiệp định hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, công nhận vị thế ngoại giao đầy đủ của Triều Tiên, các khoản viện trợ kinh tế nhiều tỷ đô la hay Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi bán đảo Triều Tiên…


Dù vậy, mọi giả thuyết đến nay vẫn chỉ là suy đoán, trong khi ông Kim Jong-un vẫn được đánh giá là một nhà lãnh đạo khó lường. Bởi vậy, không có gì chắc chắn Triều Tiên sẽ duy trì được cách ứng xử hòa nhã này được bao lâu, nhất là gần đây xuất hiện thông tin rằng có dấu hiệu Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới.

Trong bối cảnh các cuộc gặp thượng đỉnh đang ngày càng tới gần, có lẽ điều mà cộng đồng quốc tế có thể làm chỉ là chờ đợi và đếm ngược từng ngày để xem điều gì sẽ thực sự diễn ra với bán đảo Triều Tiên.

Mới nhất
x
Mỹ - Hàn tập trận: Phép thử với Kim Jong-un
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO