Mỹ lại 'lục đục' về dự luật chi tiêu quốc phòng

(Baonghean) - Ngày 14/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) với số phiếu áp đảo. Như vậy, Dự luật này đã vượt qua 3 “cửa ải” quan trọng là Ủy ban Quân lực Thượng viện, Hạ viện và Thượng viện. Thế nhưng, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ sẽ lại phủ quyết dự luật này giống như ông đã làm hồi năm ngoái, cho thấy cuộc chiến giữa chính quyền của ông Obama và Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết. 

Phe ủng hộ “hả hê”

Bất chấp sự phản đối của Tổng thống Barack Obama, Dự luật Cấp phép Quốc phòng được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo: 85 phiếu ủng hộ và 13 phiếu phản đối. Trong đó, chỉ có 6 nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa và 7 nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ bỏ phiếu phản đối dự luật, thể hiện sự đồng thuận lớn hiếm hoi của hai đảng tại Thượng viện Mỹ. Trước đó, dự luật này cũng được thông qua với số phiếu áp đảo tại Ủy ban Quân lực của Thượng viện và tại Hạ viện. 
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain là người hoan hỉ nhất khi Dự luật được thông qua (AP).
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain là người hoan hỉ nhất khi Dự luật được thông qua. Ảnh: AP.
Dự luật Cấp phép Quốc phòng mới là văn kiện cấp phép cho việc giải ngân ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm tài khóa 2017, bắt đầu từ ngày 1/10 tới. Với gói ngân sách 602 tỷ USD, dự luật này được cho là phản ánh rõ nét quan điểm cứng rắn của phe Cộng hòa trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. 
Dự luật này ngăn chặn việc Bộ Quốc phòng Mỹ giảm quân số thường trực thông qua các điều khoản như không được để số Lục quân dưới 480.000 quân, tăng thêm 7.000 quân cho Không quân và lực lượng thủy quân lục chiến, đồng thời cho phép tăng 2,1% lương cho binh sĩ. Dự luật cũng yêu cầu những khoản bổ sung ngân sách để tăng cường quân lực, mua sắm thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu… Dự luật cũng có điều khoản sửa đổi quy trình quản lý hoạt động mua sắm vũ khí, theo đó, trách nhiệm quản lý chính sẽ được chuyển từ một văn phòng trực thuộc Lầu Năm Góc cho hai Thứ trưởng Quốc phòng. 
Các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa trong Thượng viện hết sức hoan hỉ trước thắng lợi này, cho rằng dự luật sẽ giúp Mỹ đưa ra các quyết định về tài chính, giúp các binh sĩ Mỹ có đủ công cụ để bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa tiềm tàng ở cả trong và ngoài nước. 
Lập luận của những người ủng hộ dự luật càng được củng cố trong bối cảnh nước Mỹ vẫn chưa hết rúng động sau vụ xả súng đẫm máu khiến ít nhất 50 người thiệt mạng tại Orlando.
Theo Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, dù động cơ của kẻ giết người vẫn đang được điều tra, nhưng chính sách của chính quyền Barack Obama nhằm chống lại IS vẫn tỏ ra không hiệu quả, và việc thông qua dự luật quốc phòng là “một trong những biện pháp để nước Mỹ chiến đấu chống lại IS”.
Trong khi Thượng nghị sĩ Dick Durbin thì nhấn mạnh “Bản dự luật là một chiến thắng cho an ninh quốc gia và những người dân đã đóng thuế cho Nhà nước. Phải tiêu diệt IS trước khi chúng kịp vươn vòi bạch tuộc đến Mỹ, và để làm điều đó, chúng ta cần một lực lượng quân sự mạnh mẽ hơn”. 
Tổng thống Obama quyết ngăn cản
Nếu “an ninh quốc gia” là lý do chính của những người ủng hộ Dự luật Cấp phép Quốc phòng, thì danh mục các lý do phản bác lại dự luật của Tổng thống Mỹ Barack Obama còn nhiều hơn thế. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc dự luật điều chuyển 18 tỷ USD trong các quỹ chiến tranh đặc biệt - được gọi là Các chiến dịch khẩn cấp ở nước ngoài (OCO) cho các chương trình chi tiêu quân sự ngắn hạn như tăng quân, mua sắm máy bay, tàu chiến. Ông Obama cho rằng điều này là không công bằng và gây nguy hiểm cho những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ, làm nản lòng các binh sĩ và gia đình họ, đồng thời “gây khó” cho các đồng minh của Mỹ. 
Đóng cửa Nhà tù Guantanamo – mục tiêu khiến Tổng thống Obama quyết ngăn cản Dự luật Cấp phép Quốc phòng (Reuters)
Đóng cửa Nhà tù Guantanamo - mục tiêu khiến Tổng thống Obama quyết ngăn cản Dự luật Cấp phép Quốc phòng. Ảnh: Reuters
Một lý do nữa khiến dự luật vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của ông Obama, đó là những điều khoản nhằm cản trở việc đóng cửa nhà tù Guantanamo ở Cuba. Ai cũng hiểu, ông Barack Obama đã và đang cố gắng như thế nào để thực hiện mục tiêu này, ghi dấu ấn cá nhân trong thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống, bên cạnh những “mốc son” mà ông đã đạt được như bình thường hóa quan hệ với Cuba, đạt thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1.
Theo quy trình, phiên bản Dự luật Cấp phép Quốc phòng của Thượng viện phải khớp nội dung với phiên bản mà Hạ viện thông qua ngày 18/5, trước khi lưỡng viện đưa ra bỏ phiếu chung. Sau đó, dự luật sẽ được chuyển lên Nhà Trắng để Tổng thống Obama ký ban hành hoặc phủ quyết trước ngày 30/9 - là ngày kết thúc năm tài khóa 2016. 
Song nhiều chuyên gia cho rằng, gần như chắc chắn Tổng thống Obama sẽ không đặt bút ký vào bản dự luật này, bởi ông Obama chưa bao giờ thể hiện động thái nhân nhượng trước yêu cầu của phe Cộng hòa là tách riêng việc cắt giảm chi tiêu ngân sách với việc cấp kinh phí cho Bộ Quốc phòng.
Năm ngoái, Tổng thống Obama cũng đã có quyết định tương tự. Khi đó, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ phải thực hiện thêm một lần bỏ phiếu nữa để có thể bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống. Và một lần nữa, dư luận sẽ lại chứng kiến cuộc chiến mới giữa chính quyền Obama và Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát - kịch bản đã từng “diễn đi diễn lại” nhiều lần khi phe Dân chủ mất quyền kiểm soát Quốc hội từ năm 2014. 
Thúy Ngọc

tin mới

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.