Mỹ nhân 115 tuổi ở Phủ Tương

02/03/2017 11:27

(Baonghean) - Cụ Lô Thị Hòa ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương) đã bước sang tuổi 115. Ở độ tuổi này, cụ bà người Thái ấy vẫn còn nhớ không ít câu chuyện về cuộc đời, nhất là chuyện từng tham dự cuộc thi Người đẹp Phủ Tương.

Cái chân đã yếu, mắt không còn tỏ, cái tai cũng đã nặng nhưng cái đầu thì vẫn còn nhớ được nhiều. Có điều, cụ Lô Thị Hòa chỉ nói tiếng Thái, hôm ấy bà Lô Thị Lan - con dâu của cụ phiên dịch giúp chúng tôi. Cụ mở đầu câu chuyện: “Ta sinh năm 1902, quê Qùy Châu, năm còn nhỏ giặc đốt phá bản làng, bố mẹ dắt díu mấy chị em sang đây lánh nạn...”.

Đã 115 tuổi nhưng cụ Lô Thị Hòa còn khá minh mẫn, vẫn nhớ được nhiều chuyện diễn ra trong cuộc đời. Ảnh: Công Kiên
Đã 115 tuổi nhưng cụ Lô Thị Hòa còn khá minh mẫn, vẫn nhớ được nhiều chuyện diễn ra trong cuộc đời. Ảnh: Công Kiên

Mấy chị em cụ lớn lên trong ngôi nhà sàn nhỏ bé cùng với những mùa ngô, mùa lúa. Chẳng mấy chốc, cô bé lấm lem đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với dáng người thon thả, nước da trắng ngần, cặp mắt đen láy, mái tóc suôn dài và nụ cười rạng rỡ như đóa hoa ban. Vẻ đẹp ấy theo ngọn gió núi tỏa đi khắp vùng, bản gần, bản xa đều biết đến, các chàng trai luôn mong được gặp mặt, hẹn hò.

Năm ấy, Phủ Tương tổ chức thi người đẹp, quan trên có giấy gửi về yêu cầu lên dự thi. Vượt chặng đường hơn 20 cây số lên vùng Cửa Rào, sơn nữ Lô Thị Hòa như choáng ngợp trước cảnh tòa ngang dãy dọc, gấm vóc lụa là. Những cô gái dự thi đa phần đều mặc rất đẹp với những bộ váy áo mới tinh và các loại trang phục sặc sỡ.

Cụ Lô Thị Hòa sống cùng vợ chồng con trai út Lô Khăm Phong, gia đình có 4 thế hệ cùng chung sống. Ảnh: Công Kiên.
Cụ Lô Thị Hòa sống cùng vợ chồng con trai út Lô Khăm Phong, gia đình có 4 thế hệ cùng chung sống. Ảnh: Công Kiên

Cụ Hòa vì nhà nghèo, không đủ tiền sắm váy áo mới đành vận bộ váy ngày thường dành đi chợ, cưới hỏi và những ngày hội bản. Bộ váy ấy đã bị khuất lấp giữa một rừng trang phục lộng lẫy, và dĩ nhiên chủ nhân không đoạt được giải thưởng nào khiến ai cũng phải xuýt xoa trước vẻ đẹp tự nhiên như đóa hoa rừng, rồi tiếc nuối vì không có trang phục đẹp nên không được nhận giải.

Không có giải thưởng nhưng nàng thôn nữ bản Quang Phúc được nhiều chàng trai để ý, trong đó có những cậu ấm là con nhà giàu, cưỡi trên lưng ngựa, mặc áo gấm thêu hoa, vai mang cả chiếc túi đựng đầy bạc nén. Có người hỏi thẳng: "Có muốn làm vợ ta thì lát nữa xuống thuyền, theo ta về bản, bố mẹ ta nhiều trâu, nhiều bạc nên không sợ nghèo khổ". Cụ Hòa không mảy may quan tâm đến những lời tán tỉnh và hứa hẹn, xong cuộc vội vàng lên thuyền xuôi dòng về bản.

Sau đó ít lâu, sơn nữ Lô Thị Hòa nhận lời làm vợ một chàng trai cùng bản lớn hơn 2 tuổi, có bố làm một chức quan nhỏ trong vùng. Về nhà chồng lại tiếp tục với công việc nương rẫy, ruộng đồng, kéo tơ, dệt vải. Và cũng từ đây, cuộc đời cụ bắt đầu với bao nỗi vất vả, lo toan. Đứa con đầu lòng trút hơi thở cuối cùng khi mới chào đời chưa được bao lâu; đứa thứ hai cũng chung số phận.

Sau đận ấy, cụ bị mắc chứng bệnh rong kinh, chờ mãi chẳng thấy mang thai, có lúc nghĩ mình đã mất đi thiên chức làm mẹ. Kiên trì chạy chữa, không quản ngại núi đèo, đi khắp mường trên, bản dưới tìm thầy bốc thuốc, cuối cùng đã được trời thương. Đứa con gái thứ 3 đặt tên là Lô Thị Thân chào đời khi người mẹ đã qua ngưỡng tuổi 40, trong niềm vui sướng của cả gia đình dòng họ.

Mấy năm sau, bé trai Lô Khăm Cường chào đời, niềm vui sướng không thể nào kể xiết. Rồi gia đình có thêm thành viên nhỏ bé Lô Khăm Phong (SN 1950), vợ chồng cụ Hòa thực sự hạnh phúc và mãn nguyện, dẫu có muộn màng...

Bức ảnh chụp vợ chồng cụ Lô Thị Hòa cùng 3 người con và người cháu họ từ năm 1952. Đã 65 năm trôi qua nhưng gương mặt vẫn còn khá rõ (ảnh gia đình cung cấp).
Bức ảnh chụp vợ chồng cụ Lô Thị Hòa cùng 3 người con và người cháu họ từ năm 1952. Đã 65 năm trôi qua nhưng gương mặt vẫn còn khá rõ (ảnh gia đình cung cấp).

Ký ức cụ Lô Thị Hòa vẫn còn lưu giữ những ngày vui khi nhân dân giành được chính quyền trong cuộc cách mạng Tháng Tám (1945). “Ngày đó, bản nào cũng rợp màu cờ đỏ thắm, các bản đều tổ chức ăn mừng, bà con ai cũng hò reo. Người ta nói với nhau rằng từ đây thoát khỏi cảnh sống nô lệ” - cụ chia sẻ.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, chồng cụ (cụ Lô Văn Hòa) mấy lần đi dân công, gùi lương, tải đạn ra chiến trường. Cụ Hòa ở nhà vừa phụng dưỡng bố mẹ chồng và chăm sóc 3 đứa con thơ. Sáng dậy từ lúc 2 giờ để giã gạo, rồi chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Ăn xong ra đồng hoặc lên rẫy làm quần quật cả ngày, trưa vào lán nghỉ được một lúc.

Mặt trời gác núi mới về bản, tranh thủ ra suối xúc cá, tìm mấy ngọn rau cho bữa tối. Xong lại lo cho lợn, gà; ngồi vào khung cửi đến tận canh khuya, đêm chỉ ngả lưng được 2 - 3 tiếng đồng hồ. Không phải một mình cụ, mà hầu hết phụ nữ người Thái nơi đây đều thế, lấy sự yên ấm, no đủ của gia đình làm niềm vui, dẫu mình phải chịu nhiều nhọc nhằn, gian nan, vất vả.

Hiện tại, cụ Lô Thị Hòa sống cùng vợ chồng người con trai út Lô Khăm Phong, trong ngôi nhà sàn ấy có 4 thế hệ cùng chung sống. Cụ ông Lô Văn Hòa và những người con khác đều đã mất. Thật may, gia đình vẫn còn giữ được bức ảnh vợ chồng cụ Hòa với 3 người con cùng 1 người cháu họ chụp từ năm 1952, trải qua 65 năm nhưng gương mặt của mọi người vẫn còn khá rõ.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh tặng quà cụ Lô Thị Hòa nhân dịp đón Xuân Đinh Dậu. Ảnh: Công Kiên
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh tặng quà cụ Lô Thị Hòa nhân dịp đón Xuân Đinh Dậu. Ảnh: Công Kiên

Đến nay, số cháu và chắt của cụ Hòa đã lên tới con số 30 và có thêm 4 chít (đời thứ 5). Cụ nói rằng cuộc sống bây giờ thật sung sướng, được ăn ngon, mặc đẹp, có ti vi để xem, đi làm có xe máy, đi xa có ô tô. Không như ngày xưa trong năm mất mấy tháng thiếu đói, quần áo sờn rách, đi đâu cũng cuốc bộ, đi xa phải chèo thuyền.

Cụ cũng rất vui khi mỗi độ Tết đến, Xuân về, lãnh đạo huyện và tỉnh về tận nhà thăm hỏi, tặng quà. Xuân Đinh Dậu vừa qua, cụ được Chủ tịch UBND tỉnh gửi giấy chúc thọ và được Giám đốc Công an tỉnh lên trao quà.

Khi được hỏi về bí quyết trường thọ, cụ Lô Thị Hòa thong thả đáp: “Ta không có bí quyết nào cả, suốt đời uống nước khe Cớ, ăn xôi nếp rẫy, ăn cơm gạo do mình trồng ra, tôm cá tự đi xúc, làm việc quanh năm, lúc ốm đau vào rừng tìm cây thuốc. Về già sống vui vẻ và giúp đỡ con cháu, không gây hiềm khích với ai, gắng ăn cơm đều đặn hàng ngày...”./.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Mỹ nhân 115 tuổi ở Phủ Tương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO