Mỹ níu kéo Hàn Quốc không ngả vào vòng tay của Triều Tiên

Thúy Ngọc 13/02/2018 09:47

(Baonghean) - Thế vận hội mùa đông Pyeong Chang 2018 tại Hàn Quốc đang diễn ra sôi nổi với những cuộc tranh tài hấp dẫn. Thế nhưng, sự xuất hiện của đoàn Triều Tiên đã khiến cho tâm điểm chú ý của sự kiện thể thao này dồn vào khía cạnh chính trị, với 3 nhân tố chính xoay quanh là chủ nhà Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ.

Trong khi Triều Tiên và Hàn Quốc cố gắng mở ra con đường hòa giải và đối thoại thì Mỹ - với sự xuất hiện của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence - dường như đang cố gắng tìm mọi cách để vấn đề Triều Tiên không đi chệch khỏi quỹ đạo.

Cái bắt tay lịch sử giữa ông Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong (Sky News)
Cái bắt tay lịch sử giữa ông Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong (Sky News)

Nhen nhóm hy vọng hòa giải

Những hình ảnh đang được lan truyền nhanh chóng trên mạng những ngày này không chỉ là hình ảnh đoàn vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên cùng diễu hành trong Lễ khai mạc Olympics PyeongChang dưới một lá cờ thống nhất, mà còn là hình ảnh Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in bắt tay bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-in.

Cái bắt tay được mô tả là “lịch sử”, trong một chuyến thăm “lịch sử” khi đây là lần đầu tiên một thành viên gia đình của ông Kim Jong-in tới Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953).

Đúng như dự đoán của giới phân tích rằng bà Kim Yo-jong sẽ mang một thông điệp đặc biệt của anh trai tới Hàn Quốc, trong buổi tiếp đoàn đại biểu Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in tại Nhà Xanh, bà Kim Yo-jong đã chuyển lời mời ông Moon Jae-in tới thăm Bình Nhưỡng “vào một thời điểm sớm nhất có thể” để tham dự Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3.

Trong bức thư gửi ông Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn bày tỏ sẵn sàng cải thiện mối quan hệ liên Triều, để Hàn Quốc và Triều Tiên có thể xích lại gần nhau hơn như mong muốn của người dân hai nước.

Nếu Tổng thống Moon Jae-in chấp thuận lời mời của ông Kim Jong-un, đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra trong hơn 10 năm qua, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ giữa hai bên sau nhiều năm căng thẳng.

Những động thái cởi mở từ phía Triều Tiên đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về những tính toán của ông Kim Jong-un. Có người cho rằng ông muốn tìm một “lối thoát” cho đất nước trước các lệnh trừng phạt quá khắc nghiệt, người lại cho rằng ông muốn tận dụng một “khoảng lặng” để hoàn thiện chương trình tên lửa. Thậm chí có cả những “thuyết âm mưu” cho rằng ông đã “tạm hài lòng” trước những tiến bộ trong chương trình hạt nhân và tên lửa của nước mình.

Khó có ai biết được chính xác ông Kim Jong-un đang suy nghĩ gì, nhưng dù đó có là gì đi nữa, quyết định của ông vẫn tạo ra một cơ hội hiếm có để gắn kết hai miền Triều Tiên, là một điểm sáng ở một nơi vẫn luôn bị bao phủ mới đám mây mờ mang tên “hạt nhân”.

Chính bởi vậy, người ta vẫn mô tả Thế vận hội PyeongChang là “sự kiện thể thao mở ra cơ hội hòa giải và đối thoại”.

Mỹ ra sức “đối trọng”

Thông điệp "xích lại gần nhau" Triều Tiên mang tới Hàn Quốc đã được minh họa bởi một dàn nhạc lớn, một ban nhạc nữ, một đoàn cổ động viên đến từ Triều Tiên, rồi đội tuyển nữ chung giữa hai nước, lá cờ chung với hình ảnh bán đảo Triều Tiên màu xanh trên nền trắng…

Trong khi Hàn Quốc và Triều Tiên đều tỏ ra hoan hỷ trước những diễn biến này, thì Mỹ như “người thứ ba” đứng bên cạnh với tâm trạng không mấy thoải mái trước sự hòa dịu vừa bất ngờ vừa bất thường này.

Ngay từ khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dẫn đầu đoàn Mỹ tới Olympics PyeongChang, dư luận đã đồn đoán rằng ông mang trên vai một trọng trách nặng nề, đó là níu kéo Hàn Quốc không ngả vào vòng tay của Triều Tiên.

Mục đích của ông Mike Pence thể hiện khá rõ qua những tuyên bố cũng như lịch trình của ông trong những ngày tại Hàn Quốc. Ngay trước khi Olympics PyeongChang khai mạc, ông Mike Pence đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ sớm áp đặt một lệnh trừng phạt “cứng rắn chưa từng có” nhằm vào Triều Tiên.

 Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (ngoài cùng bên phải) tránh không tương tác với đoàn đại biểu Triều Tiên trong lễ khai mạc Olympics Pyeong Chang (ABC News)
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (ngoài cùng bên phải) tránh không tương tác với đoàn đại biểu Triều Tiên trong lễ khai mạc Olympics Pyeong Chang (ABC News)

Rồi khi đến Hàn Quốc, ông lại tiếp tục khẳng định lại Mỹ và các đồng minh sẽ luôn đoàn kết trong nỗ lực cô lập Triều Tiên cả về ngoại giao lẫn kinh tế cho đến khi nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Ngoài ra, ông còn đi thăm đài tưởng niệm Cheonan ở Seoul, nơi trưng bày xác tàu hải quân Hàn Quốc được cho là bị một quả ngư lôi của Triều Tiên tấn công hồi năm 2010 và có cuộc gặp riêng với 4 người đào thoát khỏi Triều Tiên đến Hàn Quốc.

Khi mà Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ sự chào đón thân mật với đoàn đại biểu Triều Tiên, thì ông Mike Pence phải cố gắng tỏ ra lãnh đạm, tuyệt đối không có bất cứ sự tương tác nào với đại diện đoàn đại biểu Triều Tiên trong những sự kiện mà hai bên cũng phải góp mặt.

Bên cạnh các trận đấu ở thế vận hội, còn có một trận đấu không mang tính thể thao nhưng cũng không kém sức hấp dẫn là trận đấu tuyên truyền giữa Mỹ và Triều Tiên.

Mỹ hiểu rõ ràng Triều Tiên đang cố gắng khuếch trương thông điệp “Thế vận hội hòa bình” để từ đó có được sự nhìn nhận “bình thường” của cộng đồng quốc tế qua sự kiện thể thao này.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng xem việc xúc tiến nối lại tiếp xúc và đối thoại trực tiếp giữa hai miền thông qua Thế vận hội này có thể dẫn tới một giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên. Và nhiệm vụ của ông Mike Pence là phải ngăn cản viễn cảnh đó.

Với Mỹ, Triều Tiên sẽ không thể là “một quốc gia bình thường” nếu vẫn theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân và càng không thể có chuyện Mỹ chỉ đóng vai trò “nhân chứng” trong khi Hàn Quốc và Triều Tiên tự tìm kiếm giải pháp với nhau.

Thế khó của Hàn Quốc

Về mặt ngoại giao, với việc cử đoàn vận động viên tham gia Olympics PyeongChang cũng như cử em gái Kim Yo-jong tới Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cố gắng thể hiện sự nghiêm túc trong việc tìm cách cải thiện quan hệ liên Triều.

Nhưng theo giới phân tích, ngoài việc “chìa cành ô-liu” Hàn Quốc, Triều Tiên vẫn tiếp tục thể hiện sự đối địch với Mỹ - động thái được cho là cố gắng làm xói mòn mối quan hệ liên minh Mỹ - Triều.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã rất cố gắng để chiến dịch tuyên truyền của Triều Tiên không làm chệch hướng cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề hạt nhân của nước này, nhưng mọi chuyện dường như đang diễn ra theo chiều hướng mà Mỹ không hề mong muốn.

Ông Mike Pence đã khẳng định Mỹ và Hàn Quốc hoàn toàn đồng ý về sự cần thiết duy trì áp lực trừng phạt với Triều Tiên, song đây mới chỉ là tuyên bố một chiều.

Trong khi đó, nếu quyết tâm theo đuổi con đường hòa giải và đối thoại, mà trước mắt là xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tại Triều Tiên, ông Moon Jae-in sẽ phải tìm cách “lách” khỏi chiến lược chung mà Mỹ muốn hai nước cùng theo đuổi.

 Thông điệp hòa giải liên triều có thành hiện thực? (Global Research)
Thông điệp hòa giải liên triều có thành hiện thực? (Global Research)

Cái khó của ông Moon Jae-in chính là phải kết hợp giữa mong muốn của bản thân là đối thoại với Triều Tiên - chính sách mà ông luôn cố gắng thúc đẩy kể từ khi nhậm chức với chính sách của Mỹ và các bên liên quan khác.

Bởi vậy, thay vì trả lời trực tiếp lời mời tới Triều Tiên của ông Kim Jong-un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại đang cố gắng xúc tiến cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên bên lề Thế vận hội.

Dù Mỹ và Triều Tiên không ngừng đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhằm vào nhau, song cho đến thời điểm này, chưa ai có thể khẳng định một cuộc gặp giữa ông Mike Pence và đại diện đoàn đại biểu Triều Tiên có diễn ra hay không.

Từ nay đến khi Thế vận hội kết thúc, người ta vẫn chờ đợi ông Moon Jae-in sẽ xoay sở như thế nào trong tam giác Mỹ-Hàn-Triều.

Mới nhất

x
Mỹ níu kéo Hàn Quốc không ngả vào vòng tay của Triều Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO