Mỹ phủ nhận tấn công Syria bằng bom phốt pho
(Baonghean.vn) - Mỹ phủ nhận thông tin tấn công Syria bằng bom phốt pho; Ông Abe, Putin thảo luận để sớm ký hiệp định hòa bình; Thủ tướng May có nguy cơ “bị phản bội” ngay trong chính đảng Bảo thủ; Cựu lãnh đạo đảng Cứu quốc Campuchia Kem Sokha được tại ngoại...Đó là những sự kiện nổi bật của thế giới 24h qua.
Mỹ phủ nhận thông tin tấn công Syria bằng bom phốt pho
Mỹ bác cáo buộc tấn công Syria bằng bom phốt pho. Ảnh: Sputnik |
Lầu Năm Góc phủ nhận thông tin của Bộ Quốc phòng Nga cho rằng Không quân Mỹ tấn công tỉnh Deir ez-Zor của Syria bằng bom phốt pho trắng, loại vũ khí bị liệt vào danh sách cấm sử dụng của Liên Hợp Quốc.
Theo Sean Robertson, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: Lầu Năm Góc không nhận được bất cứ báo cáo nào về việc sử dụng đạn dược phốt pho trắng. Ông cũng nói thêm rằng không có đơn vị nào của quân đội Mỹ sở hữu loại vũ khí nói trên trong khu vực này.
Nga, Nhật Bản thảo luận chương trình kinh tế chung trên các đảo tranh chấp
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Vladivostok, Nga ngày 10/9. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/9 hội đàm tại Vladivostok, Liên bang Nga, tập trung vào các hoạt động kinh tế chung trên các đảo tranh chấp mà Nga gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là lãnh thổ phương Bắc. Cũng trong khuôn khổ cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc bởi điệp viên Triều Tiên. Ông Abe cho biết đây là vấn đề cần được giải quyết tận gốc và tuyên bố quan điểm của Nhật Bản được Tổng thống Putin ủng hộ. Thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế, Nhật Bản muốn tiến tới giải quyết xung đột về lãnh thổ kéo dài hàng chục năm và tiến tới ký kết hiệp định hòa bình với Nga. Trong khi đó, Nga muốn thu hút vốn đầu tư của Nhật Bản vào vùng Viễn Đông giàu tài nguyên nhưng hiện vẫn kém phát triển.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hàng chục người nghi có liên hệ với Giáo sĩ Gulen
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/9 tiếp tục bắt giữ 48 sĩ quan quân đội và 8 đối tượng khác tình nghi có liên hệ với Giáo sĩ Fethullah Gulen. Ảnh: Iran Daily |
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/9 tiếp tục bắt giữ 48 sĩ quan quân đội và 8 đối tượng khác tình nghi có liên hệ với Giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, những đối tượng này nằm trong danh sách 89 người thuộc diện phải thẩm vấn trong khuôn khổ một cuộc điều tra tư pháp.
Sau vụ chính biến hồi tháng 7/2016 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành điều tra gần 160.000 người, giam giữ 50.000 người chờ xét xử và đình chỉ công tác hoặc sa thải hơn 100.000 người làm việc trong các ngành quân đội, tòa án, dân chính hoặc các ngành khác.
Mỹ đóng cửa Văn phòng Đại diện của Palestine tại Washington D.C
Văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine tại Washington D.C (Mỹ). Ảnh: Getty Images |
Ngày 10/9, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) thông báo Mỹ sẽ đóng cửa văn phòng đại diện của Palestine tại Washington D.C.
Giới chức Nhà Trắng đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết thông báo chính thức về việc Văn phòng PLO tại Washington đóng cửa dự kiến được công bố cùng ngày.
Quyết định này được coi là bước đi của Nhà Trắng nhằm gia tăng sức ép đối với các nỗ lực hòa bình Trung Đông bế tắc lâu nay. Dự kiến, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton sẽ có bài phát biểu ngắn khi công bố quyết định nói trên.
Ông Bolton thậm chí còn đe dọa áp đặt trừng phạt nhằm vào Tòa hình sự Quốc tế (ICC) nếu tổ chức này triển khai các hoạt động điều tra nhằm vào Mỹ và Israel.
PLO mở văn phòng đại diện tại thủ đô Washington D.C của Mỹ vào năm 1994 và gia nhập ICC trong vai trò một quan sát viên vào năm 2012.
Thủ tướng May có nguy cơ “bị phản bội” ngay trong chính đảng Bảo thủ
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: France 24 |
Trong một phát biểu ngày 10/9, ông Steve Baker, người từng giữ chức Thứ trưởng phụ trách vấn đề Brexit nhận định, nếu Thủ tướng Theresa May tiếp tục lập trường như hiện nay, bà có nguy cơ bị đẩy vào “tình thế thảm họa” ngay trong chính đảng của mình.
Ông không kêu gọi thay đổi vị trí lãnh đạo vào thời điểm hiện nay, song cho rằng, bà Theresa May sẽ gặp khó khăn ngay trong Đại hội hàng năm đảng Bảo thủ, dự kiến từ ngày 30/9 - 3/10 tới.
Hiện có khoảng 80 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ sẵn sàng bỏ phiếu chống lại “Sách trắng Brexit”. Nếu hội nghị kết thúc mà bà Theresa May không thể dựa vào sự ủng hộ trong đảng để thúc đẩy kế hoạch, mà thay vào đó tìm kiếm sự ủng hộ từ Công đảng, điều này sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng về tình trạng chia rẽ sâu sắc trong đảng Bảo thủ.
Cựu lãnh đạo đảng Cứu quốc Campuchia Kem Sokha được tại ngoại
Ông Kem Sokha bị bắt năm 2017. |
Sáng 10/9, ông Kem Sokha, cựu lãnh đạo đảng cứu quốc (CNRP), một đảng đối lập lớn tại Campuchia, bị bắt giam hơn một năm, đã được tại ngoại.
Phán quyết của tòa án thành phố Phnom Penh có viết: “Lệnh cho ông giám đốc trung tâm giáo dục phục hồi số 3 thả bị cáo Kem Sokha, 64 tuổi, đang bị viện kiểm sát xem xét về tội cấu kết với người nước ngoài trong giai đoạn từ năm 1993 đến ngày 3/9/2017…”
Ông Kem Sokha, nguyên chủ tịch đảng đối lập CNRP bị tòa sơ thẩm thành phố Phnom Penh truy tố về tội “ phản quốc”. Ông Kem Sokha bị bắt vào ngày 3/9/2017, và bị tạm giam tại nhà tù Tra Paing Phlong, tỉnh Tbong Khmum. Ngày 27/3/2018, tòa án xử vắng mặt và tiếp tục tạm giam ông Kem Sokha thêm 6 tháng.
Hơn 20 người thương vong trong vụ đánh bom liều chết tại Mogadishu
Hiện trường đổ nát sau vụ nổ ở Mogadishu ngày 10/9. Nguồn: Deutsche Welle/TTXVN |
Cảnh sát Somalia và các nhân viên cứu hộ cho biết ít nhất 6 người đã thiệt mạng và 16 người bị thương trong vụ đánh bom xe bên ngoài trụ sở chính quyền quận Hodan ở thủ đô Mogadishu sáng 10/9.
Theo cảnh sát, một chiếc ôtô đã lao thẳng vào bốt kiểm soát bên ngoài trụ sở chính quyền quận Hodan và nổ tung. Nhiều tòa nhà xung quanh, trong đó có một đền thờ, đã bị phá hủy. Lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm những người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Tòa án Singapore ra lệnh trả lại Malaysia hơn 11 triệu USD thất thoát
Một tòa án tại Singapore đã ra lệnh chuyển 15,3 triệu đôla Singapore (11,1 triệu USD) bị biển thủ từ Quỹ đầu tư Nhà nước 1Malaysia (1MDB) trở về Malaysia.
Theo thông báo ngày 10/9 của Công ty luật Tan Rajah & Cheah, số tiền nói trên ở dưới dạng nhiều loại ngoại tệ khác nhau sẽ được chuyển đến một tài khoản ngân hàng đặc biệt tại Kuala Lumpur có nhiệm vụ thu hồi tiền cho 1MDB. Đây chỉ là một phần trong số tiền mà phía Singapore đã thu giữ liên quan đến vụ bê bối 1MDB.
Công ty luật Tan Rajah & Cheah, đơn vị đang đóng vai trò tư vấn cho chính phủ Malaysia và 1MDB cũng cho biết thêm, các nỗ lực nhằm thu hồi các tài sản bị biển thủ của 1MDB đang được tiến hành. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã nhiều lần khẳng định ông sẽ tìm cách để thu hồi lại số tiền nhiều tỷ USD bị biển thủ từ 1MDB.
Tổng thống Sudan giải tán chính phủ và bổ nhiệm tân Thủ tướng
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. Ảnh: AFP/TTXVN |
AFP đưa tin, ngày 9/9, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã giải tán nội các gồm 31 thành viên và bổ nhiệm tân thủ tướng để thành lập một chính phủ có quy mô nhỏ gọn hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng trầm trọng ở quốc gia châu Phi này.
Ngoài việc cắt giảm số lượng các bộ trưởng trong nội các từ 31 xuống còn 21 người, Tổng thống Bashir còn quyết định bổ nhiệm ông Moutaz Mousa Abdallah - một bộ trưởng trong nội các vừa bị giải tán - làm tân Thủ tướng. Ông Abdallah đã được trao trọng trách thành lập nội các mới song hiện chưa rõ thời điểm ông sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Sudan.