Mỹ sẽ không giúp đỡ, châu Âu 'tự bắn' vào chân khi tịch thu tài sản của Nga
(Baonghean.vn) - Tờ Figaro (Pháp) phản đối đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu về việc sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để viện trợ cho Ukraine. Châu Âu sẽ hứng chịu màn trả đũa nặng nề từ Nga, nhưng Mỹ không quan tâm điều đó.
Theo RIA Novosti, Armin Steinbach - Giáo sư luật và kinh tế tại Ecole Supérieure de Commerce ở Paris, trong một bài báo cho tờ Figaro, nhận định việc tịch thu tài sản của Nga sẽ ảnh hưởng đến Liên minh châu Âu (EU), nhưng Mỹ không quan tâm.
"Nếu Mỹ có ít lợi ích bị đe dọa, thì đối với Liên minh châu Âu, điều đó tương đương với việc tự bắn vào chân mình", nhà phân tích Steinbach cho biết.
Theo chuyên gia này, các biện pháp trả đũa của Moskva chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến các nước châu Âu. Ông Steinbach lưu ý, đầu tiên, EU nắm giữ hơn 200 tỷ Euro tài sản dự trữ của Nga, vượt xa số tiền mà Mỹ nắm giữ.
Thứ hai, việc rút tiền của Nga sẽ làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào EU với tư cách là người bảo đảm quyền sở hữu. Theo Steinbach, điều này không thực sự gây lo lắng cho sức mạnh của nền kinh tế thống trị của nước Mỹ. Trong khi đó, nó lại khiến châu Âu trở thành mục tiêu trả đũa dễ xảy ra nhất.
Điều đơn giản nhất đối với Nga khi trả đũa là tịch thu tài sản do các công ty châu Âu nắm giữ, như Moskva đã tuyên bố nhiều lần. Theo dữ liệu từ Trường Kinh tế Kiev, các công ty chỉ rút khoảng 1/3 tài sản của họ sang Nga, kể từ khi xung đột bắt đầu. Lượng tài sản nước ngoài còn lại ở Nga vẫn lên tới 285 tỷ USD, trong đó, 105 tỷ USD thuộc về các công ty châu Âu, gấp 3 lần tài sản từ Mỹ (36 tỷ USD). Việc xem xét nghiêm túc những cảnh báo của Nga về việc trả đũa có thể dẫn đến một kịch bản, trong đó các công ty châu Âu phải gánh chịu trách nhiệm tài trợ cho Ukraine, chứ không phải chính phủ châu Âu.
Chuyên gia Steinbach phân tích, từ quan điểm pháp lý, việc tịch thu tài sản nhà nước gây ra một số tranh cãi giữa các chuyên gia pháp lý. Các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga phải là "tạm thời" và "có thể đảo ngược". Trước đây, nhiều nỗ lực về kỹ thuật pháp lý đã được đề xuất nhằm làm cho việc tịch thu tài sản của Nga phù hợp với luật pháp quốc tế. Một trong số đó là sử dụng tài sản của Nga làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay cho Ukraine. Nhưng điều này sẽ dẫn đến tịch thu, giảm thiểu giá trị kinh tế của những tài sản này.
Ông Steibach cho rằng, dù biện pháp nào được áp dụng thì ít nhất nó vẫn nằm trong "vùng xám". Trong lịch sử, Mỹ ít quan tâm đến những gì luật pháp quốc tế quy định. Việc Washington làm tê liệt thành công cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy chính trị quyền lực của Mỹ đã vượt quá các quy tắc quốc tế./.