Mỹ sẽ sa lầy nếu Trump can thiệp quân sự vào khủng hoảng Venezuela
Động thái can thiệp quân sự có thể khiến quân đội Mỹ lún sâu vào cuộc khủng hoảng ở Venezuela và không thể thoát ra, giới chuyên gia đánh giá.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Washington Examiner |
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng công khai tuyên bố việc ông cân nhắc một "lựa chọn quân sự" nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Nay, Mỹ tiếp tục kêu gọi Maduro từ chức giữa làn sóng biểu tình chống đối ông ở trong nước. Trump cho biết "lựa chọn quân sự" đã được đưa trở lại bàn thảo luận, theo Vox.
Venezuela đang đứng trước nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng chính trị khi có đến hai người cùng nhận mình là lãnh đạo hợp pháp của đất nước: Maduro, người vừa tái đắc cử hồi tháng 5/2018, và lãnh đạo đối lập Juan Guaido.
Guaido khẳng định kết quả bầu cử năm 2018 đã bị can thiệp và với tư cách chủ tịch quốc hội, ông phải là tổng thống hợp pháp theo hiến pháp của quốc gia. Guaido ngày 23/1 tự nhận là "tổng thống lâm thời" và được Trump ủng hộ. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố Maduro là tổng thống "bất hợp pháp", gọi Quốc hội Venezuela là "nhánh hợp pháp duy nhất của chính phủ do người dân Venezuela bầu chọn".
Trong bối cảnh đó, giới quan sát bắt đầu nghi ngại về khả năng Trump có thể điều binh tới Venezuela để loại Maduro khỏi ghế tổng thống.
Song theo tướng Douglas Fraser, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Nam Mỹ từ năm 2009 đến 2012, can thiệp quân sự vào Venezuela là hành động sai lầm lúc này. "Tôi không thấy có bất kỳ lý do tốt nào để điều động binh sỹ trước tình hình hiện nay", Fraser nói.
Maduro vẫn điều hành đất nước và nhận được sự hậu thuẫn lớn từ những lực lượng quan trọng ở Venezuela, đặc biệt là quân đội. Ngày 24/1, lực lượng vũ trang Venezuela nhấn mạnh họ ủng hộ Tổng thống Maduro và thề sẽ ngăn chặn tất cả các cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông.
Tuyên bố trên đồng nghĩa với việc nếu muốn loại bỏ Maduro, quân đội Mỹ sẽ phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ từ quân đội Venezuela với quân số trên nửa triệu.
Ngay cả khi quân đội Mỹ thành công trong việc lật đổ Maduro, Venezuela gần như chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với hiện nay. Quốc gia Nam Mỹ đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng bắt nguồn từ tình trạng kinh tế lao dốc, lạm phát phi mã vài năm gần đây.
Sau can thiệp quân sự, để ổn định tình hình, quân đội Mỹ vẫn sẽ phải duy trì hiện diện tại Venezuela, điều này ẩn chứa nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến không có hồi kết khác của Mỹ ở nước ngoài, tương tự cuộc chiến tranh Iraq hay Afghanistan.
Theo 2 nhà khoa học chính trị Alexander Downes và Lindsey O'Rourke, can thiệp quân sự từ bên ngoài khó lòng thay đổi chế độ của một quốc gia theo hướng tích cực hơn. Người dân thường thể hiện thái độ phẫn nộ trước những thế lực chiếm đóng, qua đó kích động các phong trào kháng chiến, khiến việc rút quân càng trở nên khó khăn hơn.
Tướng Fraser cho rằng thay vì can thiệp quân sự, Mỹ nên hợp tác cùng đồng minh và đối tác trong khu vực để phần nào giúp Venezuela chống chọi với khủng hoảng, khó khăn. Hầu hết người dân Venezuela đang phải sống trong cảnh nghèo đói, thiếu thốn mọi nhu yếu phẩm. Hàng triệu người đã rời bỏ đất nước, di cư sang Colombia hay những quốc gia lân cận với mong muốn thoát khỏi cảnh khốn cùng.
"Tôi không nhìn thấy lợi ích nào của việc can thiệp quân sự trực tiếp", Fraser nói và thêm rằng Tổng thống Trump nên loại bỏ lựa chọn này khỏi suy nghĩ.
Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido tự nhận mình là "tổng thống lâm thời". Ảnh: Reuters |
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho hay trọng tâm của Mỹ hiện vẫn là ngăn chính quyền Maduro tiếp cận các nguồn tài chính, song quá trình này cũng vô cùng phức tạp. Washington đang thúc giục các quốc gia khác "quay mặt" với chính quyền Maduro.
Anh ngày 24/1 tuyên bố Maduro "không phải lãnh đạo hợp pháp của Venezuela" nhưng các đồng minh châu Âu khác lại thể hiện thái độ ít rõ ràng hơn. Nga trong khi đó cảnh báo sự can thiệp nước ngoài ở Venezuela có thể dẫn tới đổ máu.
Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo Mỹ đang chuẩn bị khoản cứu trợ nhân đạo 20 triệu USD cho quốc hội do phe đối lập lãnh đạo của Venezuela. Washington cũng cân nhắc việc tăng cường các biện pháp trừng phạt, vốn đang nhắm vào Tổng thống Maduro thay vì nền kinh tế Venezuela.
Michael Shifter, chủ tịch nhóm Đối thoại liên Mỹ, cho rằng hành động của chính quyền Trump gia tăng áp lực lên Maduro song cũng ẩn chứa rủi ro nếu chính phủ đàn áp.
Mỹ đã phớt lờ yêu cầu của chính quyền Maduro rút các nhà ngoại giao khỏi nước này trong vòng 72 giờ với lý lo rằng ông không còn là tổng thống Venezuela. Đây là bài kiểm tra sớm cho câu hỏi liệu chính sách của Washington có đứng vững.
"Phần thắng sẽ thuộc về bên nào đủ khả năng thu hút ủng hộ mạnh mẽ nhất để áp đặt tuyên bố cũng như quyền lực ở Venezuela", Mariano de Alba, luật sư người Venezuela kiêm chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Washington, nhận định. "Cho đến khi chính quyền Maduro vẫn nắm quyền kiểm soát lãnh thổ và sự hỗ trợ từ quân đội, họ vẫn là bên có lợi thế".