Mỹ thay đổi cách tiếp cận ở Trung Đông như thế nào?

Chi Nguyễn 24/08/2020 06:47

(Baonghean) - Mỹ đang cố gắng tái định hình các mối liên minh ở Trung Đông và củng cố sự ổn định lâu dài ở khu vực này bằng một cách tiếp cận mới. Chuyến công du một loạt quốc gia Trung Đông của Ngoại trưởng Mike Pompeo tuần này là một phần trong những nỗ lực cho chiến lược đó.

TÁI ĐỊNH HÌNH LIÊN MINH

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ tới loạt quốc gia Arab vào thời điểm sự hiện diện của Mỹ ngày càng gia tăng ở khu vực. Theo lịch trình, ông Pompeo rời Mỹ ngày 23/8, tới Israel, Bahrain, Oman, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Sudan. Hành trình này hiện vẫn chưa hoàn thiện, khi Ngoại trưởng Mỹ còn muốn tới Qatar để gặp các đại diện của lực lượng Taliban nhằm thỏa luận việc khởi động các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan.

Ngoại trưởng Mike Pompeo (trái) thăm Israel và một loạt quốc gia Arab từ ngày 23/8. Ảnh: Getty
Ngoại trưởng Mike Pompeo (trái) thăm Israel và một loạt quốc gia Arab từ ngày 23/8. Ảnh: Getty

Sự kiện ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa “ghi điểm” tích cực với vai trò trung gian hòa giải, giúp hai đồng minh quan trọng là Israel và UAE đạt thỏa thuận hòa bình lịch sử. Đa số đồng minh của Mỹ ở khu vực đều hoan nghênh bước đi này, coi đây là sự khởi đầu cho kỷ nguyên mới giữa quốc gia Do Thái và thế giới Arab, xây dựng nền hòa bình và thịnh vượng chung. Chính vì vậy, nội dung này chắc chắn nằm trong chương trình nghị sự chuyến công du của ông Pompeo. Trước mắt sẽ là kế hoạch cho một buổi lễ ký kết thỏa thuận long trọng tại Vườn Hồng, Nhà Trắng Trump vào tháng 9 theo ý định của Tổng thống Donald.

Ngoài ra, chuyến đi này của Ngoại trưởng Mỹ còn một sứ mệnh lớn hơn, đó là dàn xếp và tái định hình các mối quan hệ đồng minh của Washington. Với vai trò người “bắc cầu”, Mỹ không chỉ kết nối cho Israel với UAE mà còn mong nhiều hơn thế. UAE là quốc gia Arab thứ ba thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập năm 1978 và Jordan năm 1994. Nhiều nhà ngoại giao dự đoán, Bahrain và Oman sẽ là hai quốc gia tiếp theo “bước qua lời nguyền” để chấp nhận bình thường hóa với đất nước Do Thái.

Đó là lý do cả 2 quốc gia này đều nằm trong lịch trình của ông Mike Pompeo và sau đó là cố vấn Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner, người được xem là kiến trúc sư về hòa bình Trung Đông cho ông Trump với chuyến công du vào cuối tháng 8. Việc khuyến khích thêm các quốc gia Arab khác làm hòa với Israel chứng minh Mỹ đang đẩy nhanh chiến lược tái sắp xếp lực lượng đồng minh theo một cách tiếp cận mới. Mục tiêu của kế hoạch này là vừa nhằm củng cố vai trò lâu dài của Mỹ, vừa huy động lực lượng trong việc cô lập và đối phó Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Israel và UAE bình thường hóa quan hệ dưới sự trung gian của Mỹ. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Israel và UAE bình thường hóa quan hệ dưới sự trung gian của Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong động thái cứng rắn gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định kích hoạt cái gọi là “cơ chế đảo ngược” nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Tehran. Bước đi này vừa gây sức ép với Iran, vừa cho thấy nỗ lực đến cùng của Mỹ nhằm hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, theo đúng cam kết của ông Trump khi đắc cử. Giới quan sát cho rằng, Mỹ rất cần một mặt trận chung và thống nhất ở Trung Đông trong cuộc đối đầu với Iran. Việc huy động Israel với các nước Arab đứng vào mặt trận ấy là chủ đề được người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ mang theo trong chuyến công du này.

XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC MỚI

Bất chấp sự khác biệt về chính sách, các chính quyền Mỹ dù Dân chủ hay Cộng hòa, từ Tổng thống George W.Bush, Barack Obama hay Donald Trump đều nỗ lực để cân bằng giữa các mục tiêu an ninh đang mở rộng ở Trung Đông. Các mục tiêu chính sách không chỉ nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ, mà còn để tiêu diệt al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo ở bất cứ nơi nào chúng bén rễ; không chỉ để đẩy lùi ảnh hưởng của Iran tại các khu vực chiến lược quan trọng, mà còn gây áp lực lên chế độ Iran buộc quốc gia này phải thay đổi.

Có thể thấy, chính quyền Mỹ các thời kỳ đã áp dụng nhiều cách tiếp cận chính trị với khu vực này. Sau cuộc chiến được chính quyền Bush phát động ở Iraq năm 2003 không mang lại nhiều hiệu quả, thậm chí trở thành một “vũng lầy” gây hao người tốn của, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã áp dụng cách tiếp cận khác: Trao quyền cho các tổ chức ủy nhiệm.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ duy trì sự hiện diện ở Trung Đông bằng việc đưa quân tới khu vực này. Ảnh: AFP
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ duy trì sự hiện diện ở Trung Đông bằng việc đưa quân tới khu vực này. Ảnh: AFP

Cuộc chiến ở Syria, Libya hay Yemen là những ví dụ điển hình - nơi Mỹ không muốn trực tiếp tham gia các cuộc chiến nhưng sẵn sàng hỗ trợ, đào tạo, cung cấp vũ khí, tình báo cho các lực lượng tham chiến ở các quốc gia này. Tuy nhiên những cuộc chiến tranh ủy nhiệm này đã không đạt được các mục tiêu chiến lược của Mỹ - trong một số trường hợp, thậm chí còn phản tác dụng. Vai trò của Iran ở khu vực không những không giảm mà còn tăng lên đáng kể, trở thành một thế lực không thể bỏ qua trên “bàn cờ” chính trị Syria hay Yemen. Nhận thức thực tế như vậy buộc Mỹ phải tính đến một chiến lược khác nếu muốn duy trì hiện diện và ảnh hưởng ở Trung Đông.

Việc cử các quan chức ngoại giao và cố vấn cao cấp tới Trung Đông dịp này là minh chứng cho thấy Tổng thống Donald Trump đang tiến hành thực hiện các tiếp cận mới trong chính sách với khu vực này. Israel là mắt xích quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. Bằng cách huy động thế giới Arab đứng về Israel, Tổng thống Trump đang hướng sự quan tâm và lo ngại của các quốc gia Arab vào vấn đề an ninh và Iran thay vì mối lo ngại từ Israel hay bảo vệ Palestine như trước đây.

Trước mắt, đây là những tính toán phục vụ mục tiêu tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 của ông Trump. Bởi với những bước đi hiện nay, ông Trump dễ dàng chiếm được thiện cảm của các cử tri Do Thái hay gốc Do Thái ở Mỹ - những người vốn có ảnh hưởng lớn đến chính trường nước Mỹ, thông qua chi phối hoạch định chính sách và đặc biệt là các cuộc bầu cử tổng thống và các đại cử tri có quan điểm “diều hâu” cứng rắn với Iran… Xa hơn nữa, đó sẽ là chiến lược dài hạn của chính quyền Trump, tạo tiền đề triển khai “đại kế hoạch hòa bình Trung Đông” trong trường hợp ông giành chiến thắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới./.

Mỹ thông báo với Liên hợp quốc việc kích hoạt cơ chế tái trừng phạt quốc tế đối với Iran ngày 20/8. Ảnh: USA Today
Mỹ thông báo với Liên hợp quốc việc kích hoạt cơ chế tái trừng phạt quốc tế đối với Iran ngày 20/8. Ảnh: USA Today

Mới nhất

x
Mỹ thay đổi cách tiếp cận ở Trung Đông như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO