Mỹ và bài toán chọn đồng minh tại Trung Đông

(Baonghean) - Các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đã khiêu khích sự trả đũa đẫm máu. Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ đã chấp thuận các cuộc tấn công tái khơi mào xung đột và nghi ngờ liệu rằng đây có phải là sai lầm nghiêm trọng nhất của Mỹ kể từ sau cuộc chiến tranh Iraq?

Lực lượng du kích người Kurd đã giết 2 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc mai phục ở Đông Nam nước này khi chiến sự tiếp diễn giữa hai bên, chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài 2 năm. Vụ tấn công diễn ra sau khi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ ném bom các căn cứ của PKK tại dãy Qandil, thuộc miền Bắc Iraq. Đổi lại, một chiếc xe của lục quân Thổ Nhĩ Kỳ trên con đường gần Diyarbakir, thành phố lớn nhất của người Kurd, đã bị tấn công bằng bom và súng trường. 4 binh lính bị thương trong vụ tấn công này.

Cuộc không kích dữ dội của không quân Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các căn cứ của PKK trên dãy Qandil hôm 25/7 - được cho là một phần của chiến dịch mới chống lại các tổ chức khủng bố, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, có vẻ như đây không phải là lý do duy nhất dẫn đến phản ứng của người Kurd. Máy bay Mỹ được phép sử dụng căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công các phần tử thánh chiến IS bị người Kurd cáo buộc là “cái giá” mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trao đổi để Mỹ “nhắm mắt làm ngơ” trước cuộc tấn công của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào lực lượng thiểu số người Kurd.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tại Căn cứ không quân Incirlik. 	Ảnh: Không quân Mỹ
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tại Căn cứ không quân Incirlik. Ảnh: Không quân Mỹ

Kamran Karadaghi, nhà bình luận người Kurd tại Iraq và là cựu tổng tư lệnh của Tổng thống Iraq Jalal Talabani nhận xét: “Người Mỹ không thật sự khôn khéo khi tính toán chuyện này. Có thể họ trù tính rằng khi Thổ Nhĩ Kỳ can dự đứng về phía họ, họ không cần người Kurd nữa”.

Tuy nhiên, phía Mỹ thẳng thừng phủ nhận “bật đèn xanh” cho các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào PKK, hay bất cứ liên hệ nào với hành động của Ankara nhằm chống lại các chiến binh IS và quân tình nguyện, những người trước đó có thể di chuyển khá tự do qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Trong khi đó, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường trấn áp mọi hình thức chống đối. Cuối tuần qua, 1.000 người biểu tình tại Ankara đòi hòa bình đã bị bắt giam.

Tối 26/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đề xuất triệu tập cuộc họp hội đồng bất thường của NATO, liên minh mà Ankara là thành viên, vào hôm nay (28/7) để bàn thảo các chiến dịch chống PKK và IS của nước này, với lý do “xét thấy tính nghiêm trọng của tình hình sau các vụ tấn công khủng bố tàn bạo những ngày gần đây”. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thông báo cho các đồng minh về các biện pháp nước này đang tiến hành sau vụ đánh bom tự sát của IS hồi tuần trước gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria khiến 32 người thiệt mạng, và một cuộc tấn công của IS nhắm vào các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ khiến 1 binh sỹ thiệt mạng. Động thái này nhằm lôi kéo liên minh NATO thảo luận về mối đe dọa đối với Thổ Nhĩ Kỳ chiếu theo điều 4 của Hiệp ước cơ sở Washington của NATO, theo đó cho phép các nước có nền an ninh bị đe dọa tham vấn với 27 thành viên khác.

Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên ngày càng bất ổn và bạo lực trong 2 năm qua khi Tổng thống Recep Tayiip Erdogan cố gắng củng cố quyền lực - nỗ lực này đang gặp phải nhiều khó khăn khi đảng AKP của ông mất đi đa số ghế quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng trước. Một giả thiết được nghĩ đến là: cuộc tấn công của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào IS, PKK và các nhóm chống đối khác nhằm khiêu khích trả đũa, từ đó khơi dậy làn sóng chủ nghĩa dân tộc bài người Kurd và chống khủng bố của người dân bị kích động và khiếp sợ trước các cuộc tấn công của PKK và IS. Trong hoàn cảnh đó, ông Erdogan sẽ có cơ hội chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cuối năm nay nếu không thành lập được liên minh cầm quyền với các đảng khác.

Quay trở lại với Mỹ, mâu thuẫn nằm ở chỗ đồng minh hiệu quả nhất của họ để chống lại IS tại Syria cho đến nay là PYD, đảng chính trị đang nắm quyền lãnh đạo 2,2 triệu người Kurd ở Syria, sống tập trung tại 3 khu vực phía Nam biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. PYD và các lực lượng bán quân sự, với tên gọi Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), là nhánh của PKK ở Syria. Dưới sự hỗ trợ của không quân Mỹ vào năm ngoái, họ đã đẩy lùi IS khỏi thành phố Kobani và giành thêm một loạt chiến thắng trước tổ chức thánh chiến này, chiếm được đồn biên giới tại Tal Abyad.

Trở thành đồng minh với người Kurd tại Syria nhưng Mỹ lại tuyên bố tổ chức “mẹ” của họ, tức PKK, là “những kẻ khủng bố”. Người phát ngôn Nhà Trắng Ben Rhodes nói: “Dĩ nhiên Mỹ xem PKK là một tổ chức khủng bố. Và vì thế, một lần nữa Thổ Nhĩ Kỳ có quyền thực thi hành động liên quan đến các mục tiêu khủng bố”.

Omar Sheikhmous, một nhà lãnh đạo kỳ cựu người Kurd tại Syria đang sinh sống ở nước ngoài, nhận định rằng “xét tổng thể, đối với Mỹ, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể còn quan trọng hơn của người Kurd”. Nhưng liệu Thổ Nhĩ Kỳ có sẵn sàng “dấn thân” vào cuộc chiến chống IS? Quốc gia này tuyên bố muốn một vùng đệm, sạch bóng các chiến binh IS, ở phía Tây Kobani, nhưng đồng thời Phó Thủ tướng Bulent Arinc cũng cho biết hồi cuối tuần qua rằng Thổ Nhĩ Kỳ “không nghĩ đến” việc điều động lục quân.

Sự thay đổi của Mỹ hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ - chống lại người Kurd có thể có các tác động nhất định đối với cán cân quyền lực trong khu vực. Mỹ chắc chắn sẽ tăng cường không kích chống IS, do có thể đưa thêm nhiều máy bay tới vùng trời phía trên nhà nước tự xưng này khi căn cứ Incirlik cách biên giới Syria chưa đầy 100 km. Đối với Mỹ, đây rõ ràng là một lợi thế cho cuộc chiến chống IS đang không tiến triển tốt đẹp như mong đợi.

Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, lý giải việc xích lại gần Mỹ có thể là vì Ankara không thích cách người Kurd tại Syria trở thành đồng minh yêu thích của Mỹ. Họ cũng lo ngại thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran sẽ khiến vai trò của Tehran lấn át Ankara trong các tính toán của Washington.


Thu Giang

(Theo Independent)

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.