Mỹ và Triều Tiên đồng ý quay lại đàm phán; Nga và Saudi Arabia bàn chuyện dầu sau lưng OPEC
(Baonghean.vn) - Mỹ và Triều Tiên đồng ý quay lại đàm phán sau cuộc gặp lịch sử tại DMZ; Nga và Saudi Arabia bàn chuyện dầu sau lưng OPEC; Sắp đưa vào lưu thông đồng tiền chung Tây Phi; Ủy ban bầu cử Indonesia chính thức công bố ông Joko Widodo trở thành Tổng thống... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.
Mỹ và Triều Tiên đồng ý quay lại đàm phán sau cuộc gặp lịch sử tại DMZ
Bức ảnh lịch sử Tổng thống Mỹ Trump bước vào lãnh thổ Triều Tiên trưa 30/6. Ảnh: Getty |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/6 đã kết thúc cuộc họp kéo dài khoảng 50 phút cùng Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un tại Nhà Hòa bình thuộc khu phi quân sự (DMZ). Sau cuộc họp, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bước ra từ Nhà Hòa bình. Ông Trump và ông Moon sau đó tiễn ông Kim về lại Triều Tiên.
Chia tay hai lãnh đạo đồng cấp Mỹ và Hàn Quốc, ông Kim nói: "Sự thật rằng chúng ta có thể gặp nhau bất kể lúc nào từ bây giờ. Tôi nghĩ đây là thông điệp mà cuộc gặp này truyền tải". Đối thoại với báo chí sau cuộc gặp cùng ông Kim, Tổng thống Mỹ cho biết: "Tốc độ của cuộc gặp không phải vấn đề trọng tâm, chúng tôi muốn thấy liệu có thể thực hiện một thỏa thuận trọn vẹn và tốt hay không". "Đây là một ngày tuyệt vời. Đây đúng là một ngày huyền thoại, đi vào lịch sử", ông Trump nói thêm và không quên nhắc lại lời ông Kim rằng đây là "cuộc gặp lịch sử". Ông Trump cũng thông báo rằng Mỹ sẽ quay lại đàm phán cùng Triều Tiên với đại diện đặc biệt Steve Biegun là người dẫn đầu.
Nga và Saudi Arabia bàn chuyện dầu sau lưng OPEC
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabian Khalid al-Falih phát biểu tại một cuộc họp báo của khối OPEC ngày 19/5/2019 - Ảnh: Reuters |
Nga, Saudi Arabia ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thêm 6 - 9 tháng. Thông tin được các bên xác nhận trong bối cảnh giá dầu đang chịu áp lực giảm mới do nguồn cung của Mỹ tăng và nền kinh tế toàn cầu chậm lại.
Hãng tin Reuters trích lời Bộ trưởng Năng lượng Saudi Khalid al-Falih ngày 30/6 cho biết nhiều khả năng thỏa thuận sẽ được gia hạn thêm 9 tháng mà không cần cắt giảm sâu hơn về số lượng. Cùng quan điểm ủng hộ hết mình thỏa thuận, ông Kirill Dmitriev - giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga và cũng là người thiết kế thỏa thuận giữa OPEC và Nga, cho biết thỏa thuận (đạt được năm 2017) đã làm tăng thu ngân sách của Nga lên hơn 7 ngàn tỷ rúp (110 tỷ USD).
Theo nhận định của Reuters, việc Nga và Saudi Arabia ra thông báo về thỏa thuận trước khi các thành viên OPEC nhóm họp có thể khiến một số thành viên nhỏ trong khối không hài lòng vì cảm thấy bị cho ra rìa. "Ai còn cần OPEC họp nữa" (khi mọi thứ dường như đã được quyết định), một đại biểu bình luận.
EU vẫn 'bế tắc' về danh sách đề cử các chức danh chủ chốt
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trao đổi tại hội nghị ở Brussels, Bỉ tối 30/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tối 30/6, lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã gặp lại tại Brussels trong một hội nghị thượng đỉnh không chính thức, để thống nhất danh sách đề cử các chức danh chủ chốt của khối. Các cuộc tiếp xúc trước đó bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Osaka, Nhật Bản không loại bỏ được bế tắc. Giới quan sát cho rằng chưa chắc cuộc họp kéo dài đến sáng 1/7 này đủ thời gian để các lãnh đạo đi đến nhất trí trong việc đề cử các chức danh chủ chốt trong tương lại của liên minh.
Trước đó, nhiều hy vọng cho rằng các cuộc họp bên lề tại Osaka trong các ngày 28 - 29/6 có thể giải quyết vấn đề với sự gặp gỡ của một số nhà lãnh đạo quốc gia và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Tại G20, cuộc gặp có sự tham gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các thủ tướng Đức, Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan đã đảm bảo đại diện cho ba nhóm đảng lớn tại Nghị viện châu Âu (gồm Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Xã hội và Dân chủ (S&D) và Tự do (ALDE) - được tính đến sẽ chia sẻ các vị trí chủ chốt. Nhiều cuộc điện đàm kết nối giữa các thành phố châu Âu và Osaka đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đạt được bất cứ sự thống nhất nào.
Ủy ban bầu cử Indonesia chính thức công bố ông Joko Widodo trở thành Tổng thống
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) và người liên danh tranh cử Ma'ruf Amin (phải) phát biểu tại Jakarta sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố ngày 21/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chiều 30/6, Ủy ban Bầu cử quốc gia (KPU) Indonesia đã tổ chức một cuộc họp toàn thể tại Văn phòng KPU ở thủ đô Jakarta để chính thức công bố ông Joko Widodo đã trúng cử Tổng thống Indonesia nhiệm kỳ 2019-2024.
Chủ tịch KPU Arief Budiman xác nhận với 85,6 triệu phiếu ủng hộ, tương đương với 55,5%, cặp ứng viên liên danh tổng thống và phó tổng thống đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử của Indonesia năm 2019 là ông Joko Widodo và ông Ma'ruf Amin. Trong khi đó, cặp ứng cử viên số 2 là ông Prabowo Subianto và ông Sandiaga Uno chỉ nhận được hơn 68,6 triệu phiếu bầu, tương đương 44,5%. Kết quả này có hiệu lực sau khi được xác nhận tại cuộc họp toàn thể của KPU.
Sắp đưa vào lưu thông đồng tiền chung Tây Phi
Lãnh đạo các nước thành viên thuộc Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nhất trí đặt tên cho đồng tiền chung được đề xuất trước đó là “ECO”.
Ảnh minh họa: AFP |
Lãnh đạo các nước thành viên thuộc Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nhất trí đặt tên cho đồng tiền chung được đề xuất trước đó là “ECO”. Thông báo này được đưa ra sau khi tổ chức gồm 15 nước thành viên kết thúc hội nghị thượng đỉnh ECOWAS tại thủ đô Abuja, Nigeria ngày 29/6.
Trong một tuyên bố, lãnh đạo các nước ECOWAS cho biết mục tiêu hướng tới đến năm 2020 đưa đồng tiền chung vào lưu thông, đồng thời tái khẳng định “cách tiếp cận dần với đồng tiền chung bắt đầu từ những nước hội tụ các tiêu chí”. Đồng tiền chung này sẽ dựa trên cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt và khung chính sách tiền tệ chú trọng vào mục tiêu lạm phát.
Tuyên bố nhấn mạnh các nước thành viên sẽ theo đuổi những chương trình cải cách cơ cấu và chính sách phù hợp, theo đó duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.