Năm 2019 thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt hơn 2018

Nguyễn Ngân 16/01/2019 12:15

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2019 thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt hơn 2018, rét đậm, rét hại diễn ra trên diện rộng ở Bắc Bộ, mưa lớn ở miền Trung, hạn hán ở Nam Bộ.

Thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt hơn 2018

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: “Sang năm 2019, do tác động của hiện tượng El Nino nên thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão ít hơn nhưng cường độ mạnh và dị thường hơn, số lượng trận mưa lớn không nhiều nhưng khốc liệt hơn năm 2018…”

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2019 dự báo về mặt khí tượng: Hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái El Nino trong nửa đầu năm 2019 với xác suất 80-90%.

Dưới tác động của El Nino nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức cao hơn so với TBNN; Các đợt rét đậm, rét có thể hại kéo dài từ 4-7 ngày tập trung trong tháng 1/2019.

Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn so với TBNN ở các khu vực trên toàn quốc.

Về tình hình thủy văn mùa khô năm 2019, dòng chảy các sông, suối khu vực Tây Bắc phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN, khu vực Đông Bắc và Việt Bắc phổ biến ở mức thấp hơn TBNN.

Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội có thể xuống mức 0,3-0,4m vào tháng 2-3/2019. Ở khu vực Trung Bộ, trên nhiều sông, suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc.

Tình hình thiên tai năm 2018.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ khả năng cao xuất hiện ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ở Nam Bộ, mực nước thượng lưu sông Mê Công xuống dần và ở mức cao hơn TBNN từ 0,2-0,5m, lượng dòng chảy tại các trạm chính có khả năng cao hơn TBNN từ 10-25% và tương đương mùa khô năm 2016-2017. Tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô ở mức thấp hơn TBNN và tương đương năm 2016-2017.

Trong mùa mưa lũ năm 2019, đỉnh lũ trên các sông, suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông, suối nhỏ trên BĐ3.

Lũ quét, sạt lở đất tiếp tục là mối đe dọa, là thiên tai nguy hiểm gây thiệt hại tại các tỉnh vùng núi, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Tây Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, các khu đô thị và thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,…có khả năng xuất hiện vài đợt ngập úng cục bộ.

Mùa lũ trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến muộn hơn so với TBNN. Đỉnh lũ năm trên các sông ở mức tương đương TBNN. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra tương đương năm 2018.

Trong dịp Tết Nguyên đán năm Kỷ Hợi, nền nhiệt độ ở Bắc Bộ sẽ có khả năng ở mức cao hơn TBNN, rét đậm, rét hại ít có khả năng xảy ra trong thời đoạn này.

GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS

Khu vực miền Trung thời tiết có mưa vài nơi, ít có khả năng có mưa diện rộng do không khí lạnh trong dịp Tết Nguyên Đán hoạt động yếu, thời tiết mát mẻ với nhiệt độ ở mức vừa phải.

Khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên thời tiết chủ đạo khô ráo, có thể xảy ra nắng nóng với nhiệt độ ở mức 35-36 độ C, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa trong dịp Tết Nguyên Đán.

Rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ, mưa lớn ở miền Trung, ít mưa ở Nam Bộ

TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) chia sẻ: “El Nino nhiều khả năng sẽ xuất hiện trở lại. Rét đậm, rét hại có thể xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ, mưa lớn ở Trung Bộ và khô hạn ở các tỉnh nam Trung Bộ và Nam Bộ là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra trong mùa đông 2018-2019”.

TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT).

“Dự báo trong thời gian giữa mùa đông (tháng 12/2018 và tháng 1/2019), các đợt không khí lạnh (KKL) sẽ tràn xuống nước ta thường xuyên hơn, tần suất khoảng 4 - 5 ngày/đợt, trời sẽ rét hơn và có nhiều khả năng sẽ xảy ra các đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng ở Bắc Bộ, tập trung trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2019.

Trong những đợt rét đậm rét hại này, khu vực núi cao như Fansipan (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… có khả năng xuất hiện băng giá. Trong thời gian cuối mùa đông, khoảng từ tháng 2/2019, xen giữa các đợt không khí lạnh sẽ có một số ngày có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù”, TS. Hoàng Phúc Lâm cho biết.

Theo TS. Hoàng Phúc Lâm, trong 5 tháng đầu năm 2019 ít có khả năng xuất hiện bão hoặc ATNĐ trên khu vực Biển Đông.

Đáng chú ý, trong tháng 12/2018 và 3 tháng đầu năm 2019 dự báo khu vực ven biển và các vùng biển khu vực bắc và giữa Biển Đông có thể sẽ thường xuyên xuất hiện gió đông bắc mạnh.

Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác có khả năng xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt các hiện tượng giông lốc và đặc biệt là mưa lớn còn xảy ra ở khu vực miền Trung trong tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019 trong các đợt không khí lạnh mạnh tràn xuống phía Nam; với các khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, giông lốc sẽ gia tăng về số lượng từ tháng 4 – 5/2019.

Kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới đều cho thấy xu hướng tiếp tục tăng nhanh của nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4. Theo đó, trạng thái El Nino được dự báo duy trì trong các tháng cuối năm 2018 và nửa đầu năm 2019. El Nino xuất hiện sẽ làm gia tăng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

“Dự báo ở các tỉnh Bắc Bộ từ tháng 2 đến tháng 5/2019, lượng mưa sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 25%. Còn tại các tỉnh khu vực Trung bộ, tổng lượng mưa từ tháng 12/2018 đến tháng 5/2019 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 40%. Ở các tỉnh khu vực trung và nam Trung bộ được cảnh báo có mưa ít ngay từ những tháng đầu năm 2019.

Các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên cũng có mưa ít trong những tháng đầu năm 2019, dự báo lượng mưa thấp hơn từ 20 - 40% so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa năm 2019 được dự báo có khả năng đến muộn hơn so với mọi năm”, TS. Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm./.

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Năm 2019 thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt hơn 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO