Năm 2023 và kỳ vọng vượt 'cơn gió nghịch'

Thành Duy 05/01/2023 08:44

(Baonghean.vn) - Năm 2023 đã bắt đầu những ngày đầu tiên, điểm lại những thành quả của đất nước nói chung, Nghệ An nói riêng dưới lăng kính GDP để có thêm động lực, tiếp thêm hy vọng trong mùa Xuân mới.

Năm 2005, tôi vào đại học. Thời điểm đó, điện thoại di động là mặt hàng xa xỉ, phải những sinh viên con nhà có điều kiện lắm mới được ba mẹ sắm cho chiếc máy “cục gạch” của Nokia. Mọi liên lạc với gia đình đều qua điện thoại bàn của chủ phòng trọ, nên có việc gì cần thiết lắm thì mới gọi. Tiền điện thoại từng phút tính theo đơn giá do chủ trọ đặt ra. Vậy mà rồi, thoắt sau mỗi mùa hè lại thấy nhiều bạn sắm được điện thoại hơn, không chỉ “cục gạch” Nokia mà còn đủ dòng điện thoại có chức năng phát nhạc, chụp ảnh...

18 năm đã trôi qua, dẫu ra trường, đi làm có điều kiện mua và sử dụng nhiều điện thoại khác nhau, tôi vẫn nhớ mãi chiếc điện thoại đời đầu của mình, với màn hình đen trắng, phím bấm không dấu và trò chơi duy nhất là rắn săn mồi. Giờ kể lại chuyện này, con gái tôi có vẻ không tin lắm. Trẻ con giờ đây được tiếp cận sớm với công nghệ. Máy tính, điện thoại thông minh trở thành vật dụng thiết thực hàng ngày, trợ giúp đắc lực cho học tập, giải trí. Ba mẹ tôi ở quê, nay mỗi lần gọi điện cho con cháu cũng chỉ thông qua Facebook, Zalo vì nó miễn phí, lại có video call sinh động hơn nhiều.

Kể chút chuyện riêng để thấy rằng, gần 2 thập kỷ qua, gia đình tôi cũng như hàng triệu hộ gia đình ở Việt Nam đã trải qua một “cuộc cách mạng liên lạc” như thế. Ở nước ta, để phản ánh sự cải thiện của mức sống, có lẽ độ phủ của thuê bao điện thoại di động xứng đáng là một trong những tiêu chí được đưa vào hệ quy chiếu đánh giá. Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), đến tháng 3/2022, tổng số thuê bao dùng smartphone tại Việt Nam là 93,5 triệu. Đến nay, con số này chắc không còn dừng lại ở đó. Năm 2023, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) dự báo, nước ta sẽ đón chào công dân thứ 100 triệu. Như vậy, nếu tính bình quân thì smartphone gần như đã phủ toàn bộ dân số.

Nếu tính bình quân thì smartphone gần như đã phủ toàn bộ dân số. Ảnh minh họa: Internet

“Cuộc cách mạng liên lạc” của gần trăm triệu người dân Việt Nam, hay nói một cách rộng hơn là sự cải thiện mức sống của người dân có được trong bối cảnh, qua 37 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam liên tục đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng.

Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.

Quy mô nền kinh tế được nâng lên, năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm thì đến năm 2022 - một năm được đánh giá là bùng nổ, tăng tới 8,02%, cao nhất trong hơn 10 năm qua đã đưa quy mô nền kinh tế nước ta lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD, đạt khoảng 409 tỷ USD, đứng thứ 5 ASEAN và thứ 14 châu Á.

Nền kinh tế tăng trưởng cao, liên tục trong hàng thập kỷ đã cải thiện rõ rệt đời sống, thói quen sinh hoạt của người dân đến mọi ngõ ngách. Năm 1985, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 159 USD/năm thì đến năm 2022 ước đạt 4.110 USD. Nghệ An nơi tôi đang sống cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, đạt 9,08%; đưa quy mô nền kinh tế đạt 175.740 tỷ đồng (khoảng 7,4 tỷ USD), đứng thứ 10 cả nước, thăng tiến 2 bậc so với năm 2021.

Vừa rồi, tôi có đọc được trên Forbes - một tạp chí kinh doanh nổi tiếng của Mỹ bài viết: “GDP bình quân đầu người của Việt Nam: Phân tích đầy đủ”. Andrew DePietro - một nhà báo chuyên về tài chính cho rằng: Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam phần lớn là do nền kinh tế Việt Nam ngày càng đa dạng hóa và hoàn thiện hơn. Trong 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã gia tăng mức độ hoàn thiện, tăng thứ hạng trên các Chỉ số Phức hợp Kinh tế (ECI) từ thứ 83 lên thứ 61 trên thế giới. Xếp hạng mức độ hoàn thiện về kinh tế của Việt Nam tốt hơn nhiều so với các nước láng giềng, chẳng hạn như Campuchia (thứ hạng ECI là 102) hay Lào (thứ hạng ECI là 104). Năm 2017, mức độ hoàn thiện về kinh tế của Việt Nam đã vượt qua Indonesia và duy trì vị trí “chiếu trên” kể từ đó.

Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới - Worldbank (WB), Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng 1 thế hệ.

GDP bình quân đầu người là tỷ số của tổng sản phẩm quốc nội chia cho dân số, dẫu chưa phải là một thước đo hoàn hảo đo lường mức thu nhập thực tế người dân ở mỗi quốc gia, tuy nhiên, đây là thước đo cơ bản, đánh giá sự tăng trưởng của nền kinh tế, gắn với đó là gia tăng mức sống của người dân được thế giới sử dụng bên cạnh các biện pháp đo lường khác như: Chỉ số về chất lượng cuộc sống (Physical Quality of Life Index); chỉ số phát triển con người (Human Development Index); phương pháp tiếp cận nhu cầu cơ bản (Basic Needs).

Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam mang lại những phúc lợi về kinh tế, trong đó, biểu hiện rõ nhất là GDP bình quân đầu người tăng liên tục được cả thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, để trở thành một quốc gia có thu nhập cao (GDP đầu người khoảng trên 12.000 USD/năm) thì còn một khoảng cách khá xa, đòi hỏi chúng ta phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền bỉ trong nhiều năm liên tục. Con đường phía trước sẽ còn rất nhiều thách thức, trước mắt là năm 2023 này hiện hữu những “cơn gió nghịch” tác động đến nền kinh tế cả nước, trong đó có Nghệ An.

Nguy cơ lớn nhất là các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều đang suy yếu. Theo cảnh báo của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, nguyên nhân là do các nền kinh tế lớn gồm Mỹ, châu Âu, Trung Quốc - những động lực chính của tăng trưởng - đều đang giảm tốc. Đây không phải là câu chuyện vĩ mô xảy ra ở đâu đó trên thế giới, mà ngược lại đang phả sức nóng trực tiếp đến bữa cơm của nhiều gia đình.

Chỉ tính riêng ở Nghệ An, những ngày cuối năm 2022, cũng là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hơn 1.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng do nhà máy không có đơn hàng xuất khẩu. Giám đốc một văn phòng bảo hiểm nhân thọ ở thị xã Hoàng Mai cũng chia sẻ với tôi lo lắng khi doanh số văn phòng sụt giảm hơn 50%. Anh nói: Khi mà người dân đang phải lo chi tiêu cho các vấn đề khác của cuộc sống thì cũng thật khó để họ nghĩ đến chuyện mua bảo hiểm nhân thọ!

Một góc khu vực trung tâm thành phố Vinh hiện nay. Ảnh: Thành Duy

Rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng đang đối mặt với bộn bề khó khăn, cho nên để giữ vững được đà tăng trưởng cao như năm 2022 là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, càng khó khăn, đòi hỏi chúng ta càng phải chắt chiu hiệu quả từng dư địa tăng trưởng, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công, cải cách các thủ tục hành chính, nhất là về đầu tư, kinh doanh.

Năm 2023 đã bắt đầu những ngày đầu tiên, điểm lại những thành quả của đất nước nói chung, Nghệ An nói riêng dưới lăng kính GDP để có thêm động lực, tiếp thêm hy vọng trong mùa Xuân mới. Ở đó, thế, đà và những kinh nghiệm không ít lần vượt “cơn gió nghịch” của nền kinh tế mà chúng ta tích lũy được trong 37 năm Đổi mới tiếp tục là nền tảng, động lực cho năm 2023 và những năm tiếp theo trên con đường hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, hùng cường của quốc gia, “kỳ tích sông Lam” của Nghệ An. Con đường đó không phải của riêng một ai, mà tất cả chúng ta đều cần có trách nhiệm gánh vác…

Năm 2023 và kỳ vọng vượt 'cơn gió nghịch'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO