Nam Đàn: Nâng tầm điểm đến du lịch
(Baonghean) - Nhận xét về tiềm năng du lịch của huyện Nam Đàn, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL khẳng định, địa phương này đang là một trọng điểm du lịch văn hóa, tâm linh không những của tỉnh mà là hướng tầm của cả nước. Hàng năm lượng du khách về với Nam Đàn đạt từ 1,3 - 1,5 triệu lượt, trong đó lượng khách quốc tế có tỷ lệ đáng kể.
Bản đồ địa chính Nam Đàn. |
Địa thế Nam Đàn nằm ở hạ lưu sông Lam, thuộc vùng trung tâm của xứ Nghệ, đất thiêng mang trong mình truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú, đẹp đẽ của dân tộc, hằn rõ sắc thái riêng được bồi đắp tự ngàn năm rực rỡ lên từ danh xưng miền Hoan Diễn cho đến ngày nay. Điệp trùng non xanh nước biếc ôm tới 154 di tích, danh thắng, trong đó có 149 di tích lịch sử, văn hóa bao gồm 5 di tích thuộc loại kiến trúc nghệ thuật là đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, chùa Đức Sơn, đền Nhạn Tháp và đình Đông Viên; 1 di tích khảo cổ là di chỉ Rú Trăn và 144 di tích lịch sử, văn hóa khác bao gồm các đình, đền, chùa, lăng, miếu, mộ, nhà thờ...; 36 di tích đã được xếp hạng (24 di tích cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh); 12 di tích do tỉnh trực tiếp quản lý, 22 di tích huyện quản lý và 115 di tích được các xã, thị trấn quản lý; riêng Khu di tích Kim Liên được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt...
Về với Nam Đàn, chưa hết niềm xúc động thiêng liêng nơi làng Sen, Hoàng Trù, khu mộ Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ, du khách lại được dẫn dắt suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc từ thuở Mai Hắc Đế vùng lên lãnh đạo nhân dân quét sạch giặc phương Bắc ra khỏi cõi Việt thường, đến những tên tuổi yêu nước lừng danh bốn cõi khác gần đây như Phan Bội Châu, Lê Hồng Sơn... mà cốt cách, thân thế vẫn còn lưu ở những di tích, phần mộ.
Đến, nghe, thấy và cảm nhận dày dặn nguyên khí nước non ấy, sau những giờ phút nghỉ ngơi thưởng thức các đặc sản độc đáo, phong phú của Nam Đàn mà đã nên danh nên tiếng trong làng ẩm thực cả nước như tương bần, me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, hồng Nam Anh, bột sắn dây mà kỳ lạ trồng ở đất này cho ra sản phẩm không dễ gì nơi nào có được... khách xa sẽ thoải mái rong ruổi trên hệ thống giao thông dọc ngang thuận tiện để tìm đến với thiên nhiên như hồ Tràng Đen rợp bóng thông xanh soi bóng nước dễ sánh ngang xứ mộng mơ Đà Lạt; hay đắm mình trong không gian thiền tĩnh tại của chùa Đại Tuệ vi vút ngàn cây đang được phục dựng và mở rộng khuôn viên với quy mô lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ đã, đang có tầm ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo của cả nước. Khách miền Tây Nam bộ phóng khoáng đờn ca tài tử, khách từ Kinh Bắc dùng dằng câu quan họ giao duyên... dễ gì cưỡng lại được ý muốn lưu trú lại một đêm trăng lai láng điệu hát, câu hò giữa cái nôi hát ví phường vải, hay hòa vào các hoạt động văn hóa lễ hội lớn đậm chất bản địa như Lễ hội Vua Mai và Lễ hội Làng Sen.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát huy các điều kiện phục vụ đáp ứng yêu cầu du lịch của du khách về với Nam Đàn ngày càng nhiều, huyện Nam Đàn với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nỗ lực thu hút các nguồn đầu tư, đã cẩn trọng đưa các dự án đã hoàn thành vào khai thác sử dụng như: Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, lăng mộ và đền thờ vua Mai, mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, đền Giáp Cả, đền Nhạn Pháp, mộ Lê Hồng Sơn; nhất là nguồn vốn từ xã hội hóa để bảo tồn, tôn tạo các di tích như: Chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang, đền Tán Sơn. Đặc biệt trong Dự án Bảo tồn và Tôn tạo Khu di tích lịch sử, văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch hiện đã tiến hành phục dựng lại không gian làng Sen, làng Hoàng Trù quê nội, quê ngoại Bác Hồ cuối thế kỷ XIX; và trong tương lai gần đền thờ Chung Sơn thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 206 tỷ đồng sẽ là một điểm nhấn hành hương mới đầy cuốn hút.
Về thăm quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: Mai Hoa |
Cảnh quan thôn mạc trù phú, ruộng đồng bờ bãi chuyên canh bốn mùa xanh mướt lúa màu với những mô hình cánh đồng mẫu lớn, trang trại, gia trại, các khu công nghiệp nhỏ hình thành.... tạo nên khí thế sôi động làm ăn mới để mỗi vùng, mỗi cụm sáng lên diện mạo nông thôn mới, xứng là điểm đến của một địa phương trọng điểm du lịch. Đang rõ dần lên nhu cầu lưu trú của du khách khi về với Nam Đàn, hơn bao giờ hết huyện khích lệ, gợi mở hướng xã hội hóa du lịch để đến nay trên địa bàn năng động mọc lên các dịch vụ với phong cách phục vụ chuyên nghiệp, trong đó có 29 nhà nghỉ với 232 phòng, 348 giường; một số nhà hàng ẩm thực cũng đã được đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô.
Nói về một số giải pháp khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện, ông Hồ Anh Mai, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Đàn cho biết: “Huyện đang chủ trương ưu tiên, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực gồm: Thiết kế tour du lịch nội huyện, từ đó quảng bá để liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa khách về tham quan du lịch tại huyện Nam Đàn; xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên; sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ để sản xuất các sản phẩm lưu niệm, giải trí đáp ứng nhu cầu của du khách; quy hoạch và đầu tư hạ tầng, dịch vụ để phát triển loại hình du lịch homestay (du lịch điền dã, ở nhà dân - PV)”...
Đã nghe trong lòng người và đất trời náo nức chờ đón một mùa Lễ hội Làng Sen với khí thiêng sông núi được gọi về trên quê hương Nam Đàn, cũng là mở đầu cho mùa du lịch 2014 sôi động. Với tư duy, quyết tâm mới và những chuyển động thiết thực của lãnh đạo, nhân dân huyện quê hương Bác Hồ kính yêu, những tiềm năng du lịch ở đây không những thực sự được khơi dậy, phát huy, mà đã trở thành lời mời gọi đầu tư hấp dẫn từng bước nâng tầm điểm đến tạo điều kiện liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng.
Đình Sâm