Nam Đàn tăng cường phòng chống cháy rừng tại các điểm di tích lịch sử
Nam Đàn là huyện có diện tích rừng thông lớn, trong đó, nhiều khu rừng nằm liền kề với các di tích lịch sử văn hóa quan trọng. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng tại đây luôn tiềm ẩn cao, đặc biệt tại các điểm di tích có lượng lớn khách du lịch viếng thăm mỗi ngày.
Trước tình hình đó, chính quyền huyện Nam Đàn đã chủ động phối hợp với lực lượng kiểm lâm và Ban quản lý (BQL) các khu di tích triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng (PCCR), nhằm đảm bảo an toàn cho rừng và bảo tồn các di tích lịch sử.

Ngay từ đầu mùa nắng nóng, tại Khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan ở xã Nam Giang, công tác phòng cháy đã được triển khai nghiêm ngặt. Với tổng diện tích khuôn viên 48,2 ha, trong đó có trên 20 ha rừng thông, đây là điểm đến thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, nguy cơ cháy rừng rất cao nếu có sự bất cẩn khi sử dụng lửa hoặc vứt tàn thuốc lá.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Trưởng BQL Khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan cho biết: “Chúng tôi luôn duy trì lực lượng tuần tra canh gác, công nhân thu dọn lá rụng và xử lý thực bì theo định kỳ. Ngoài ra, hệ thống phòng cháy tại khu di tích cũng đã được đầu tư bài bản với 2 hệ thống bơm, 12 vòi rồng đặt tại các vị trí trọng điểm, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra”.

Đặc biệt, trong năm qua, khu mộ đã được đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động kéo dài gần 1km từ chân mộ lên đỉnh mộ, nhằm giảm nguy cơ bén lửa. Hệ thống cấp nước phục vụ chữa cháy được lấy từ sông Đào qua 6 trạm bơm, đảm bảo cung ứng cho 5 bể chứa nước lớn với dung tích từ 60–100 m³.
Nhằm tăng cường công tác phòng chống cháy tại Khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan, tại chòi canh lửa rừng xã Nam Giang, lực lượng kiểm lâm phối hợp với BQL rừng đặc dụng Nam Đàn tổ chức canh trực 24/24 giờ. Anh Nguyễn Bình Trọng – cán bộ BQL rừng, cho biết: “Chòi canh được đặt trên ngọn tháp cao hơn 10m giúp quan sát toàn cảnh rừng thông Nam Giang và các khu vực lân cận như Nam Lĩnh, Nam Anh, Nam Thanh, thậm chí bao quát một phần rừng thuộc huyện Hưng Nguyên và Thanh Chương”.
.jpeg)
Không chỉ tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan, các khu di tích khác trên địa bàn cũng được tăng cường phòng cháy. Tại Núi Chung thuộc xã Kim Liên, lực lượng kiểm lâm đã xử lý thực bì trên 70 ha rừng. Còn tại khu di tích đền Vua Mai ở thị trấn Nam Đàn – nơi có gần 200 ha rừng thông, gần 10 km đường băng cản lửa đã được duy tu, sửa chữa trước mùa cao điểm nắng nóng.
.jpeg)
Ông Võ Trọng Cường – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Đàn – Hưng Nguyên cho biết: “Toàn huyện Nam Đàn hiện có hơn 3.000 ha rừng thông, trong đó nhiều diện tích giáp ranh với các di tích lịch sử. Vì vậy, công tác PCCR luôn được đặt lên hàng đầu. Tính đến nay, chúng tôi đã xử lý được gần 600 ha thực bì tại các khu vực trọng điểm”.
.jpeg)
Ngoài ra, toàn huyện đã hoàn tất sửa chữa hệ thống chòi canh, duy tu gần 40 km đường băng cản lửa, trang bị đầy đủ thiết bị với 42 máy thổi lửa, hơn 10 máy cắt cỏ và gần 1.000 vỉ dập lửa. Mỗi xã, mỗi cụm điểm di tích đều được xây dựng bản đồ tác chiến PCCR, bao gồm các điểm cháy trọng yếu, địa điểm tập kết lực lượng chữa cháy, cứu hộ, hậu cần, cứu thương… đảm bảo phản ứng nhanh và hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
.jpeg)
Với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và các đơn vị liên quan, công tác phòng chống cháy rừng tại các khu di tích lịch sử ở Nam Đàn đang được triển khai đồng bộ, bài bản, góp phần bảo vệ an toàn rừng cho các điểm di tích lịch sử trên địa bàn.