Năm học 2020-2021: Công bố sách giáo khoa mới, UBND các tỉnh sẽ chọn cho học sinh

vietnamnet.vn 24/11/2019 14:53

Có 32 sách giáo khoa của 8 môn học được phê duyệt trong danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng tại các trường phổ thông.

UBND tỉnh sẽ lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng

Bộ GD-ĐT cho biết, việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông do UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của Luật. Thông tư này hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả sách giáo khoa của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ sách giáo khoa cho địa phương.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng
Nói về lộ trình tiếp theo sau khi Bộ GD-ĐT phê duyệt danh mục SGK được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết trước tháng 3/2020, địa phương phải thành lập Hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK trong danh mục SGK được Bộ GD-ĐT ký thông qua ngày 21/11.

Từ tháng 3 đến tháng 5, Sở GD-ĐT cùng NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8, các nhà trường tập huấn, các NXB triển khai chương trình in ấn và xuất bản. Các bộ sách sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2021.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế

24 trong số 32 bản thảo sách giáo khoa lớp 1 vừa được phê duyệt để sử dụng trong năm học mới là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, như vậy thị phần của NXB Giáo dục vẫn chiếm rất lớn, trong khi mục tiêu đặt ra là đa dạng sách, chống độc quyền.

Giải đáp những thắc mắc này, ông Thái Văn Tài cho biết, tính độc quyền chỉ khi có 1 bộ, nhưng hiện tại có nhiều bộ từ nhiều nhóm tác giả khác nhau. Trong quá trình lựa chọn tại địa phương phải dựa trên tính phù hợp của từng địa phương. Do vậy không nên quá băn khoăn về tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới.

Đã có đối thoại về "chương trình thực nghiệm"

Liên quan tới việc cả 3 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đều bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá "không đạt", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, ngày 15/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng liên quan đến việc rà soát và thẩm định lại sách của GS Hồ Ngọc Đại.

Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao - Thành phố Vinh. Ảnh tư liệu Mỹ Hà
"Khi PGS.TS Nguyễn Kế Hào gửi tâm thư đến Bộ GD-ĐT, Bộ rất trân trọng và có những trả lời. Bộ cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng để nói rõ việc sách của GS Hồ Ngọc Đại tại sao không đạt. Công văn đề nghị Bộ đối thoại với tác giả, nhưng trong quá trình thẩm định, Bộ đã đối thoại với tác giả 2 lần. Đây chính là những đối thoại rất công khai. Tại lần đối thoại này, GS Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì. Và đến thời điểm này, Bộ cũng chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ GS Hồ Ngọc Đại. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nếu tác giả có nhu cầu" - ông Tài nói.

Về đánh giá lại chương trình Thực nghiệm, theo ông Tài từ năm 2017, Bộ trưởng đã đánh giá lại những nội dung liên quan đến Sách Tiếng Việt 1 CNGD. Hội đồng cũng có đánh giá, Sách Tiếng Việt 1 CNDG chỉ phù hợp cho chương trình hiện hành.

Các thành viên trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới
Các thành viên trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới.
"Thành viên Hội đồng thẩm định, 1/3 là giáo viên trải dài trên toàn quốc với đầy đủ vùng miền. Và bản thân Bộ trưởng cũng rất quan tâm đến điều này. 1/3 số giáo viên rất đa dạng, còn những chuyên gia chúng ta phải chọn những nơi có bề dày về thành tích khoa học".

Sẽ tránh tăng giá đột biến

Về những thắc mắc xoay quanh giá sách giáo khoa, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Chính phủ xây dựng cơ chế tài chính. Hiện nay SGK ảnh hưởng đến phạm vi rất rộng đến từng gia đình. Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để báo cáo Chính phủ để có cơ chế về SGK cho phù hợp, đảm bảo công bằng và tránh sự tăng giá đột biến.

Giờ học của học sinh tiểu học huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu Mỹ Hà
"Chúng tôi sẽ phối hợp và Bộ Tài chính với chức năng quản lý sẽ là cơ quan chủ trì. Chúng tôi sẽ phối hợp báo cáo chính phủ và thẩm quyền Chính phủ sẽ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội" - vị này khẳng định.

Mới nhất

x
Năm học 2020-2021: Công bố sách giáo khoa mới, UBND các tỉnh sẽ chọn cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO