Năm khâu đột phá trong công tác dân vận
Năm 2010, mặc dù còn nhiều khó khăn do thiệt hại nặng nề của trận lụt lịch sử, dịch bệnh mùa màng và gia súc...
Năm 2010, mặc dù còn nhiều khó khăn do thiệt hại nặng nề của trận lụt lịch sử, dịch bệnh mùa màng và gia súc gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đổi mới mạnh mẽ trong nội dung phương thức công tác Dân vận theo hướng thiết thực và hiệu quả, nên đã vận động nhân dân tạo phong trào hành động cách mạng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác Dân vận thể hiện rõ 5 nội dung đột phá sau đây:
Thứ nhất: Tập trung hướng về cơ sở vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng thi đua phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ..., góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt 10,4% tổng thu ngân sách đạt 5.541/tỷ đồng (tăng 26% so với năm 2009), cao nhất từ trước đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,5% năm 2009 xuống còn 12% năm 2010; các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 đạt và vượt; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng -an ninh được giữ vững, góp phần thực hiện thắng lợi NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16.
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào Mông ở Tương Dương. Ảnh:Thanh Lê
Thứ hai: Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Dân vận của chính quyền nhà nước cho cán bộ chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, coi đây là khâu quan trọng trong công tác Dân vận hiện nay. Tổ chức tập huấn cho 4.500 cán bộ chính quyền các cấp, cán bộ công chức các sở, phòng, ban chuyên môn về quan điểm, nội dung phương thức công tác Dân vận chính quyền, trách nhiệm của chính quyền và cán bộ chính quyền các cấp trong công tác Dân vận của Đảng.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 9 năm thực hiện Chỉ thị 42/CT-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về "Tăng cường công tác Dân vận chính quyền" Công tác Dân vận chính quyền đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm giao dịch một cửa và một cửa liên thông.
Chính quyền các cấp đã rà soát 1.384 thủ tục hành chính, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế bãi bỏ 934 thủ tục hành chính, góp phần giải quyết khó khăn ách tắc trong thủ tục hành chính, tiếp nhận, giải quyết 7.096 đơn thư, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Hạn chế đơn thư vượt cấp và khiếu kiện đông người, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin và động lực mới trong nhân dân.
Thứ ba: Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác Dân vận của Đảng bằng việc Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Hội Nhà báo Nghệ An, Đài Phát thanh truyền hình, Sở Thông tin và truyền thông, Báo Nghệ An tổ chức Cuộc thi Báo chí về đề tài "Dân vận khéo". Cuộc thi nhằm mục đích phát hiện, tuyên truyền biểu dương các mô hình, điển hình Dân vận khéo" của tập thể và cá nhân gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trên các vùng miền thuộc nhiều lĩnh vực và đối tượng khác nhau.
Cuộc thi còn có ý nghĩa tích cực góp phần tổng kết thực tiễn phong trào thi đua "Dân Vận khéo", suy tôn cổ vũ các điển hình, phổ biến kinh nghiệm công tác Dân vận.
Sau 10 tháng phát động có 108 tác phẩm của 93 tác giả được đăng ở các báo và phát trên sóng phát thanh truyền hình. Có thể nói cuộc thi nhận được sự quan tâm rộng rãi của quần chúng nhân dân, sự tham gia tích cực của nhiều phóng viên, cộng tác viên, các cán bộ nghỉ hưu và lực lượng vũ trang.
Cuộc thi đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức, quan điểm về công tác Dân vận, nội dung phương thức tiến hành công tác Dân vận của Đảng. Qua cuộc thi, Ban giám khảo đã lựa chọn tặng bằng khen cho 28 tác phẩm xuất sắc: 04 giải nhất, 06 giải nhì, 08 giải ba, 10 giải khuyến khích và 11 đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện cuộc thi.
Thứ tư: Tập trung nâng cao năng lực tham mưu, năng lực công tác vận động quần chúng cho đội ngũ cán bộ làm công tác Dân vận toàn tỉnh. Mở 25 lớp tập huấn cho 5.200 cán bộ dân vận về nghiệp vụ công tác Dân vận, công tác Tôn giáo cho cán bộ dân vận từ tỉnh đến khối Dân vận thôn, xóm, bản. Hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch công tác Dân vận hàng năm.
Lần đầu tiên Ban Dân vận tỉnh ủy và 100% Ban Dân vận huyện, thành, thị ủy đã tham mưu cho cấp ủy ban hành quy chế công tác Dân vận của hệ thống chính trị, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận các đoàn thể, LLVT, các trường học... đối với nhiệm vụ công tác Dân vận. Xác định rõ các chế độ công tác Dân vận như chế độ đi cơ sở, chế độ tiếp xúc với nhân dân, chế độ hội họp, chế độ thông tin báo cáo. Đây là cơ sở rất quan trọng để đánh giá việc thực hiện và hiệu quả công tác Dân vận của HTCT trong toàn tỉnh.
Thứ năm: Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu và chuẩn bị nội dung để Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì hội thảo "Vận dụng quan điểm, phương pháp vận động quần chúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Nghệ An" và UBND tỉnh chủ trì tọa đàm về công tác dân vận chính quyền.
Qua hội thảo, tọa đàm đã góp phần nâng nhận thức về quan điểm nhiệm vụ công tác Dân vận, lý giải một cách khoa học về phương pháp công tác Dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác Dân vận, tiến hành công tác Dân vận trên địa bàn Nghệ An một cách thiết thực và hiệu quả.
Với những thành tích trên, năm 2010, nhân kỷ niệm 80 năm truyền thống công tác Dân vận của Đảng, Ban Dân vận tỉnh ủy Nghệ An vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Lê Vĩnh Hòa