Nâng cao chất lượng dân số để đáp ứng yêu cầu mới về nguồn nhân lực

20/12/2016 11:44

(Baonghean) - Suốt 55 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Nhà nước, công tác DS-KHHGĐ của cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng đã đạt được những thành công hết sức tốt đẹp.

Người dân huyện Quỳ Hợp ra quân hưởng ứng chiến dịch dân số năm 2016 - Ảnh: Mỹ Hà
Người dân huyện Quỳ Hợp ra quân hưởng ứng chiến dịch dân số năm 2016 - Ảnh: Mỹ Hà

Tính đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm xuống còn 2,56 (số con); tuổi thọ bình quân tăng lên 73 tuổi; tỷ lệ tăng dân số giảm xuống còn 1%. Các lĩnh vực của công tác dân số được triển khai theo hướng ngày càng bao quát và toàn diện hơn, hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số đang dần được củng cố và hoàn thiện,... Những kết quả đó cho thấy công tác DS-KHHGĐ đã đi vào nề nếp, ổn định quy mô, từng bước nâng cao chất lượng dân số vì sự phồn vinh của quê hương, đất nước.

Nghệ An đang trong tiến trình hội nhập với quốc tế, cả nước và các tỉnh bạn, đòi hỏi yếu tố con người có chất lượng về thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết của công tác DS-KHHGĐ hiện nay. Mục tiêu của chúng ta là tập trung ổn định quy mô, sớm đạt mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, góp phần xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp CNH - HĐH quê hương.

Thực tế hiện nay, cả nước đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì từ đó đến nay (số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt 2,1 con). Trong khi đó, công tác DS-KHHGĐ của Nghệ An đang còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như rất khó để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Quy mô dân số của tỉnh lớn (đứng thứ 4 cả nước), thuộc nhóm 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước. Kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm tuy có giảm, nhưng còn ở mức cao và vẫn còn rất khác nhau giữa các vùng miền, giữa các huyện trong tỉnh. Mất cân bằng giới tính khi sinh bước vào mức báo động (110 trẻ em trai/100 trẻ em gái, năm 2015).

Chất lượng dân số thấp làm tầm vóc, thể lực, trí tuệ, tinh thần của con người có nhiều hạn chế. Tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao. Vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dẫn tới suy thoái giống nòi của một số dân tộc ít người đang là nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao, nghề nghiệp chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH quê hương, đất nước.

Cùng với cả nước, Nghệ An chúng đã và đang bước vào thời kỳ “dân số vàng”. Đây là cơ hội và cũng là thách thức của chương trình DS-KHHGĐ. Nếu biết tận dụng cơ hội này, giải quyết tốt vấn đề việc làm, sử dụng tốt nguồn nhân lực, chúng ta sẽ làm giàu cho quê hương. Chính vì vậy, cần có kế hoạch để chủ động kéo dài thời gian, tận dụng và phát huy lợi thế của giai đoạn “dân số vàng” phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH - HĐH và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Thực trạng trên cho thấy, những vấn đề đặt ra cho công tác DS-KHHGĐ ở Nghệ An cũng nằm trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội hết sức quan tâm. Việc tăng mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là nguy cơ phá vỡ những thành quả về dân số đã đạt được trong những năm qua.

Mặt khác, sẽ làm khó khăn hơn trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giáo dục, nhà ở, ô nhiễm môi trường, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, các tệ nạn xã hội... nếu tình hình này không được tập trung giải quyết và có các chính sách phù hợp, kịp thời thì các chỉ tiêu pháp lệnh và mục tiêu công tác dân số những năm tiếp theo là rất khó thực hiện. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đặt tỉnh ta trước nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn.

Đứng trước mục tiêu ổn định quy mô, sớm đạt mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, giảm nhanh sự mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ hội “dân số vàng”, đào tạo một thế hệ kế tiếp có đủ thể chất, trí tuệ tinh thần đáp ứng yêu cầu xây dựng quê hương, đất nước, cần sự nỗ lực hơn nữa của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương, sự đồng hành chung sức của các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội và đặc biệt là ý thức trách nhiệm của các công dân đối với sự phát triển của tỉnh, của đất nước.

Khi nào công tác DS - KHHGĐ thấm sâu vào ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, của từng gia đình dẫn tới hành vi sinh đẻ có trách nhiệm thì khi đó chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu trước mắt là giảm sinh, từng bước tiến tới mục tiêu lâu dài là ổn định mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số.

Người dân huyện Quỳ Hợp với chiến dịch dân số 2016. Ảnh: Mỹ Hà
Người dân huyện Quỳ Hợp với chiến dịch dân số 2016. Ảnh: Mỹ Hà

Để tập trung giải quyết những vấn đề trên, mục tiêu ưu tiên phải tập trung giảm sinh để rút ngắn khoảng cách quảng thời gian đạt mức sinh thay thế, phấn đấu theo kịp cả nước. Trong thời gian tới, công tác DS - KHHGĐ cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động và giáo dục về DS - KHHGĐ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu, trình độ, nhận thức của các tầng lớp nhân dân nhằm thuyết phục để xã hội và người dân chấp nhận và tự nguyện thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1-2 con.

Đây vẫn là giải pháp quan trọng và cần được ưu tiên lên hàng đầu. Trong đó phải phát huy cao độ vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân số; gắn việc thực hiện chính sách dân số với việc xây dựng gia đình, làng, bản, khu phố, cụm dân cư, đơn vị văn hóa.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đảm bảo hậu cần dịch vụ KHHGĐ, đa dạng các phương tiện tránh thai, hướng tới đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện dịch vụ KHHGĐ có chất lượng cho đối tượng sử dụng. Tiếp tục triển khai các mô hình, đề án về cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số đảm bảo tính hiệu quả và nhân rộng mô hình.

Thứ tư, tiếp tục củng cố và ổn định tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thứ năm, thực hiện Kết luận số 119-KL-TW ngày 04/01/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ”.

Cần tập trung đẩy mạnh chính sách dân số thích ứng với các xu hướng dân số hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, trọng tâm của chính sách dân số trong thời gian tới là chuyển từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống công tác Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2016); là cơ hội để chúng ta tiếp tục hưởng ứng và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính sách DS-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước, khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt, mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 - 2 con để ổn định quy mô, sớm đạt mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số.

Mỗi người dân cần phải nhận thức sâu sắc rằng, công tác DS-KHHGĐ là khâu chuẩn bị rất quan trọng cho đầu vào của nguồn nhân lực có chất lượng - là một trong những yếu tố chủ yếu quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của quê hương, đất nước.

LÊ MINH THÔNG -

Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nâng cao chất lượng dân số để đáp ứng yêu cầu mới về nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO