Nâng cao chất lượng đào tạo năng lực đội ngũ doanh nhân Nghệ An
(Baonghean.vn) - Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Phó trưởng đoàn kiểm tra số 5 của Tỉnh ủy chỉ ra, mục tiêu của Đề án phát triển, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đặt ra lớn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, thực tế đội ngũ doanh nhân chưa thật sự lớn mạnh.
Chiều 13/8, Đoàn kiểm tra số 5 của Tỉnh ủy do đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn kiểm tra số 5 dẫn đầu kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện “Đề án phát triển, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2020, có tính năm 2025” tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Ảnh: Mỹ Nga |
Tại buổi làm việc, TS. Dương Xuân Thao - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho biết, trước thực tế rất nhiều doanh nhân, người điều hành các doanh nghiệp chưa được đào tạo bài bản, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, do đó nhà trường xem Đề án như “bản lề” trong nhiệm vụ đào tạo nói chung và việc thực hiện các nhiệm vụ Đề án nói riêng.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, trường tổ chức 6 lớp và 1 hội thảo chuyên đề thu hút gần 1.000 học viên và cán bộ tham gia. Trường phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư các các đơn vị có liên quan thống nhất về nội dung, chương trình, đội ngũ giảng viên cho 54 lớp và hội thảo.
Nội dung các lớp bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân nhằm cung cấp thông tin cần thiết, bổ ích, những kiến thức, kỹ năng để lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Các học viên được tiếp nhận kiến thức về cách xây dựng và hoạch định chiến lược, quản trị nhân sự, quản trị tài chính doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, việc thực hiện Đề án bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân tỉnh vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét, tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới như: Tinh thần và ý thức tham gia các khóa bồi dưỡng của một số doanh nhân vẫn còn bị động, chưa thực sự xác định được sự cần thiết phải tham gia bồi dưỡng.
Chưa phát huy được sự tham gia giảng dạy của các giảng viên đến từ các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh, việc chủ yếu sử dụng giảng viên, chuyên gia đến từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng gây khó khăn cho một số đơn vị trong việc cân đối kinh phí và bị động về thời gian tổ chức khóa học.
Sản xuất tôn thép ở Nhà máy tôn Hoa Sen (KCN Nam Cấm). Ảnh tư liệu: C.L |
Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Phó trưởng đoàn kiểm tra số 5 của Tỉnh ủy chỉ ra, mục tiêu của Đề án đặt ra lớn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, thực tế đội ngũ doanh nhân chưa thật sự lớn mạnh; đồng thời đặt ra câu hỏi, nguyên nhân của vấn đề này ở đâu, có liên quan đến công tác đào tạo hay không?
Phó trưởng đoàn Hồ Phúc Hợp cho biết, đào tạo doanh nhân đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ đào tạo quản trị, mà còn giúp doanh nhân, doanh nghiệp tạo ra môi trường phát triển bền vững, giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.
Để Đề án đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, đồng chí Hồ Phúc Hợp đề nghị Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cùng các sở, ngành liên quan tích cực tuyên truyền về nội dung, vai trò, hiệu quả của Đề án, trong đólựa chọn kênh tuyên truyền để các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận với các chương trình, khóa học của Đề án; xây dựng các kế hoạch, chương trình phù hợp; phát hiện nguồn, đào tạo đội ngũ giảng viên đến từ các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh.