Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Chè là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của Nghệ An. Để nâng cao sản lượng và giá trị từ sản xuất và chế biến chè, người trồng nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến cần liên kết chặt chẽ.
Nghệ An hiện có 86 dây chuyền chế biến chè với tổng công suất thiết kế 602 tấn búp tươi/ngày. Sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh mỗi năm khoảng 67.394 tấn, sản lượng chế biến đạt 12.000 tấn chè búp khô các loại. Trong đó, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An thu mua chế biến 32.000 tấn nguyên liệu, sản lượng chế biến đạt 6.400 tấn.
Nghệ An hiện có 86 cơ sở chế biến chè. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Doanh nghiệp này hiện có đến 8 dây chuyền chế biến chè xanh với công suất 72 tấn chè búp/ngày và 5 dây chuyền chế biến chè CTC (chè đen) công suất 80 tấn chè búp/ngày), tổng công suất chế biến 152 tấn chè búp/ngày và ngày cao điểm có thể chế biến đạt gần 200 tấn.
Ông Hồ Viết An - Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1TV Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An cho biết: “Năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đạt 6 triệu USD, quý I/2016 đạt 700.000 USD. Thị trường xuất khẩu chè vẫn duy trì được các hợp đồng xuất khẩu sang thị trường truyền thống ở vùng Nam Á, Trung Đông… đồng thời mở rộng sang thị trường mới tại EU, Ai Cập, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…và hiện doanh nghiệp đang xúc tiến mở rộng thị trường sang Mỹ, Nhật ”.
Thế nhưng, khó khăn đặt ra là nguyên liệu không đủ nên nhiều nhà máy chạy không đủ công suất thiết kế. Hiện nay, các dây chuyền trên địa bàn tỉnh đạt công suất từ 40% - 58%. Việc các cơ sở chế biến tư nhân sản xuất theo phong trào dẫn đến tổng công suất chế biến chè hiện nay vượt quá 2 lần so với sản lượng nguyên liệu, gây mất cân đối giữa công nghiệp chế biến và sản xuất nguyên liệu.
Người dân Thanh Thủy, Thanh Chương nhập chè cho cơ sở chế biến chè trên địa bàn. |
Trong khi đó, việc quản lý quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến đang phân tán. Vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay là cần tập trung cho liên kết nâng cao năng lực các hộ sản xuất. Tiến tới ký kết chặt chẽ giữa nhà máy và người cung cấp nguyên liệu đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất.
Đi cùng đó, các cơ sở chế biến và người trồng chè cần phối hợp kiểm soát tốt an toàn thực phẩm để sản phẩm có thể vào được các thị trường các nước có quy chuẩn cao. Ngoài ra, ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh chè cũng cần nghiên cứu cơ cấu bộ giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt nhằm phát triển bền vững ngành chế biến chè.
Thu Huyền