Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội
(Baonghean.vn) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217 – QĐ/TW và Quyết định số 218 – QĐ/TW của Bộ Chính trị được tổ chức vào sáng 22/2.
Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký UBMTTQ Việt Nam; Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Về phía Nghệ An, có đồng chí Nguyễn Văn Huy – Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; Hoàng Đình Tuấn – Phó Trưởng Ban Dân vận tỉnh Nghệ An; Nguyễn Thanh Hiền – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cùng đại diện các ban, ngành liên quan.
Tại điểm cầu Trung ương, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị. |
Những chuyển biến tích cực
Sau 5 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã được nâng cao và có nhiều chuyển biến tích cực.
Qua đó, có 56 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc sau 5 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao tặng bằng khen.
Hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội được triển khai toàn diện. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việ Nam đã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận và các bộ, ngành liên quan xây dựng, ký kết thực hiện 12 Chương trình phối hợp giám sát và 1 quy chế phối hợp thí điểm về giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng.
Tại địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cơ sở đã chủ trì phối hợp giám sát được hơn 492 nghìn cuộc giám sát, trong đó cấp tỉnh là 4.093 cuộc, cấp huyện là 22.679 cuộc và 466 cuộc cấp xã, với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân như: thực hiện chế độ, chính sách bồi thường đất đai, bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà và đất bị thu hồi; công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Văn Huy – Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Công tác phản biện xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả, 6 hội nghị phản biện xã hội được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức về các nội dung quan trọng như: Phản biện Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Dựa án Luật về Hội; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng…
Sau các hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều có văn bản phản biện gửi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành văn bản. Nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì tiếp thu và có phản hồi tích cực.
Việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được triển khai đồng bộ. Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cơ quan đơn vị với các tầng lớp nhân dân được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đến nay, đã có 47/63 tỉnh thành ban hành quy chế cụ thể và hoạt động nghiêm túc, bài bản.
Đưa hoạt động giám sát và phản biện xã hội đi vào thực chất
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, sau 5 năm, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện theo Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế khi công tác tổ chức triển khai thực hiện Quy chế, quy định còn chậm. Nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và chính quyền ở một số địa phương còn chưa đồng bộ. Trình độ, năng lực của các bộ tham gia công tác còn chưa đáp ứng với yêu cầu đề ra.
Đồng chí Trần Thanh mẫn phát biểu kết luận hội nghị. |
Để khắc phục những yếu điểm còn tồn tại đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ và nhân dân về nội dung, yêu cầu, ý nghĩa của hai quyết định trên.
Đồng thời, phát huy vai trò chủ đạo của MTTQ các cấp trong việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, nhất là việc xác định, lựa chọn nội dung phù hợp, từng bước đưa hoạt động này đi vào thực chất để đạt được những mục tiêu đề ra.